Súc miệng bằng nước muối là gì?
Đây là phương pháp phòng và chữa bệnh đơn giản nhưng hiệu quả được lưu truyền từ rất lâu. Chỉ với cách pha muối ăn với nước sạch, khuấy đều dung dịch này trong khoang miệng và cổ họng của bạn.
Súc miệng bằng nước muối có tác dụng giảm sự khó chịu bởi các chứng viêm, nhờ đặc tính kháng khuẩn tự nhiên của muối. Vị mặn của muối chính là hợp chất tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn có hại, hút chất lỏng dư thừa ra khỏi các mô tế bào bị viêm và giảm sưng đau.
Lợi ích của súc miệng bằng nước muối
Xoa dịu cơn đau họng
Dùng nước muối súc miệng có thể làm dịu chứng viêm đau ở cổ họng. Trạng thái thẩm thấu của muối có hiệu quả loại bỏ chất lỏng dư thừa, diệt khuẩn, giảm sưng tấy và tình trạng viêm họng.
Theo nghiên cứu cho thấy, những người có thói quen súc miệng nước muối 3 lần/tuần trong mùa lạnh có thể giảm nguy cơ bị cúm do nhiễm trùng đường hô hấp trên. Có thể thấy, sử dụng nước muối hợp lý sẽ tăng khả năng phòng bệnh hiệu quả.
Cải thiện, phòng ngừa nhiễm trùng xoang và đường hô hấp
Nước muối pha loãng có tác dụng làm sạch các chất nhầy gây viêm và tắc nghẽn, giúp bạn dễ dàng tống khứ dịch nhầy ra khỏi mũi và cổ họng. Đặc biệt, người bị viêm xoang, viêm họng mãn tính càng nên áp dụng phương pháp này trong thời tiết lạnh.
Tốt cho người thường bị dị ứng
Không chỉ là các vấn đề răng miệng mà tình trạng dị ứng lông thú cưng hay phấn hoa cũng có thể gây ngứa hoặc sưng đau cổ họng và khoang mũi. Lúc này, nước muối súc miệng giúp tống khứ yếu tố gây dị ứng ra ngoài. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Tăng cường sức khỏe răng miệng toàn diện
Viêm nướu, viêm nha chu, hơi thở có mùi hôi, mảng bám răng… đều là những vấn đề gây khó chịu và mất tự tin ở mỗi người. Muối có đặc tính kháng khuẩn, giảm viêm, làm sạch các vật chất dư thừa trong khoang miệng.
Lợi ích của súc miệng bằng nước muối còn giúp mau lành vết thương ở miệng hơn. Dung dịch tự nhiên này giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục ở niêm mạc. Áp dụng đúng cách sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe răng miệng toàn diện và một hơi thở thơm mát.
Hỗ trợ chữa lành vết loét miệng
Dù là vết loét nhỏ ở miệng cũng sẽ gây đau đớn, khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn. Nhiệt miệng là nguyên nhân phổ biến thường do căng thẳng, mất cân bằng nội tiết hay dị ứng thực phẩm.
Nước muối loãng có thể giảm viêm, giảm đau, đẩy bớt dịch dư thừa ở mô bị viêm. Tuy nhiên, bạn cần kết hợp với các liệu pháp khác như thư giãn, chú ý trong ăn uống và điều hòa nội tiết để kết quả tốt hơn.
Lợi ích khác của nước muối
Sử dụng nước muối đúng cách giúp duy trì độ pH tự nhiên trong khoang miệng, ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ, giảm chứng ho khan và hỗ trợ điều trị chứng viêm amidan… Để tận dụng tối đa lợi ích của nước muối, bạn nên học cách pha dung dịch hợp lý.
Súc miệng bằng nước muối cần đảm bảo các yếu tố gì?
Chuẩn bị một cốc nước ấm pha với ½ thìa cà phê muối ăn hoặc muối biển, khuấy cho hỗn hợp tan đều và bắt đầu súc miệng. Chú ý nước không nên quá nóng để tránh làm bỏng khoang miệng.
Hớp một ngụm nước muối, hơi nghiêng đầu ra sau và súc quanh miệng (đảm bảo dung dịch nước muối bao phủ toàn bộ răng, nướu và cổ họng). Cố gắng súc ở phía sau cổ họng khoảng 15 giây hoặc ngắn hơn miễn không gây khó chịu cho bạn. Nhổ ra và lặp lại.
Bạn không nên nuốt quá nhiều nước muối trong quá trình súc miệng vì dễ làm tăng natri hấp thụ vào. Ngoài ra, tốt nhất không súc miệng nước muối quá 4 lần trong tuần để tránh gây hại men răng.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn tận dụng tốt lợi ích của súc miệng bằng nước muối, đem lại sức khỏe toàn diện cho răng miệng và các vấn đề hô hấp.
Thiên Khuê (Theo Pharm)