Giá trị dinh dưỡng của cà rốt
Cà rốt có thể nói là loại củ quen thuộc trong bữa ăn của mọi người. Thông thường, chúng ta thấy nhiều những củ cà rốt có vỏ màu cam, nhưng thực ra chúng còn có một số loại khác với vỏ màu đen, đỏ, tím hoặc vàng.
Ăn cà rốt đúng cách giúp bạn bổ sung được nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là Beta-carotene và chất xơ dồi dào cùng với hàm lượng vitamin phong phú, giúp nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, cà rốt còn nổi bật với ưu điểm chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Theo ước tính, 100g cà rốt có chứa những dưỡng chất có ích cho cơ thể con người như sau:
– Năng lượng: 41 calo
– Chất béo: 0,2g
– Carbohydrate: 10g
– Chất đạm: 0,9g
– Canxi: 0,03mg
– Kali: 320mg
– Natri: 69mg
– Sắt: 1%
– Magie: 3%
– Vitamin A: 334%
– Vitamin B6: 5%
– Vitamin C: 9%
Lợi ích sức khỏe nhận được khi ăn cà rốt đúng cách
Nâng cao hiệu quả phòng ngừa ung thư
Beta-carotene có trong củ cà rốt có khả năng giúp cơ thể chống lại các bệnh ung thư. Nghiên cứu cho thấy, những người không ăn cà rốt và nghiện thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn người có tiêu thụ loại củ này gấp 3 lần.
Nước ép cà rốt có thể dùng để triệt tiêu các tế bào ung thư bạch cầu, cản trở sự phát triển và lây lan của chúng. Chế độ ăn uống kết hợp cà rốt còn giảm ung thư ruột kết và ung thư tuyến tiền liệt.
Cải thiện thị lực
Cơ thể thiếu vitamin A sẽ khiến sức khỏe thị lực bị suy giảm, mắt dễ bị tổn thương hơn bình thường. Hàm lượng Beta-carotene trong cà rốt có hiệu quả khắc phục tình trạng này, nâng cao thị lực, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở người già.
Phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường
Cà rốt có chứa carotenoid, có tác dụng cân bằng tình trạng kháng insulin, giảm lượng đường trong máu, giúp bệnh nhân tiểu đường tuýp II có sức khỏe ổn định hơn trong quá trình điều trị.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Chất xơ dồi dào sẽ đem lại lợi ích tiêu hóa khi bạn ăn cà rốt đúng cách. Tiêu thụ chất xơ từ rau củ giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón, tăng hiệu quả tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.
Tăng cường hệ miễn dịch
Vitamin C phong phú trong củ cà rốt là ưu điểm kích thích hoạt động của tế bào bạch cầu. Khi bạch cầu khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể tốt hơn để chống lại các tác nhân gây hại. Cà rốt cũng giúp kháng khuẩn và chữa viêm tự nhiên.
Điều hòa huyết áp, giảm bệnh mãn tính
Cà rốt còn chứa nhiều kali, giúp các động mạch và tĩnh mạch được thư giãn, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm cholesterol có hại, góp phần hạn chế nguy cơ mắc bệnh mãn tính như tim mạch, cao huyết áp, mỡ cao máu, tiểu đường…
Hỗ trợ sức khỏe răng miệng
Tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ của cà rốt không chỉ kháng viêm mà còn kích thích khoang miệng tiết nước bọt, chống lại vi khuẩn và giảm chứng hôi miệng. Nhai cà rốt cũng giúp làm sạch răng nướu, giảm sâu răng và bệnh nha chu.
Làm chậm lão hóa
Vitamin dồi dào cùng với các chất chống oxy hóa giúp cà rốt còn có hiệu quả làm đẹp da, đặc biệt rất tốt cho da khô, đem lại cho bạn làn da mềm mại và săn chắc hơn. Ngoài ra, tiêu thụ cà rốt hợp lý cũng làm chậm quá trình lão hóa do tuổi tác.
Tác dụng phụ khi ăn cà rốt là gì?
Bạn có thể sử dụng cà rốt với nhiều hình thức khác nhau như ăn sống, chế biến món ăn, làm nước ép, sinh tố, nghiền thành bột, sấy khô… Mặc dù có nhiều lợi ích sức khỏe nhưng tác dụng phụ của cà rốt vẫn tồn tại.
Theo nghiên cứu, phụ nữ đang cho con bú nếu lạm dụng quá nhiều cà rốt có thể rơi vào chứng nghiện cà rốt. Một khi ngừng ăn, bạn có thể bị mất ngủ, khó chịu ở tiêu hóa, căng thẳng…
Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với cà rốt. Triệu chứng của dị ứng là nổi mẩn ngứa, tiêu chảy, sưng phù. Nếu không chắc bản thân có dị ứng hay không, bạn nên thử cà rốt với một lượng nhỏ và quan sát trong 3 ngày để đảm bảo an toàn.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn ăn cà rốt đúng cách, đem lại những món ăn ngon và tăng cường sức khỏe tổng thể cho cả gia đình.
Thiên Khuê (Theo Lybrate)