Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, khó lường và thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Người ta ước tính có khoảng 10% – 30% số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải nhập viện mỗi năm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, người béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như hạ huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…
Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt, mệt mỏi. Khi bị sốt, cơ thể bị mất nước nên người bệnh cần uống nhiều nước để bổ sung lượng nước đã mất. Uống nước lọc hoặc nước Oresol nhiều lần trong ngày có thể giúp bổ sung các chất điện giải quan trọng. Dưới đây là một số thức uống tốt cho người bệnh sốt xuất huyết:
Oresol rất quan trọng đối với bệnh nhân sốt xuất huyết
Dung dịch Oresol: Pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên pha với nước đun sôi để nguội và tránh pha với sữa, nước khoáng hoặc nước trái cây. Không thêm đường vào dung dịch sau khi pha, không pha riêng từng gói nhiều lần hoặc pha quá đặc sẽ làm giảm hiệu quả.
Nước dừa
Nước dừa chứa nhiều khoáng chất có lợi có thể giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong thời gian sốt cao, mất nước. Theo nghiên cứu dinh dưỡng, nước dừa tự nhiên chứa đường, chất béo, axit amin, axit hữu cơ và enzyme, vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, vitamin C…
Nước dừa rất giàu khoáng chất như kali, natri, canxi, magie, selen, đồng, kẽm,… Hỗn hợp các chất trong nước dừa giống như chất lỏng trong tế bào. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải, tối ưu hóa chức năng của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch, hỗ trợ hấp thu và điều hòa chất lỏng giúp bù nước cho cơ thể.
Nước ép trái cây
Nước trái cây là nguồn cung cấp chất điện giải tốt cho cơ thể nên người bị sốt xuất huyết nên uống nước trái cây thay vì chỉ uống nước lọc. Nước cam, chanh, bưởi, kiwi và cà chua chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như kali, natri, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng tính bền vững của cơ thể, thành mạch máu, làm giảm nguy cơ chảy máu.
Nước ép củ cải đường
Củ cải đường rất giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa tình trạng giảm tiểu cầu do các gốc tự do gây ra. Nó chứa vitamin A, C, K và các khoáng chất thiết yếu giúp ngăn ngừa sự suy thoái của mạch máu và các vấn đề về tuần hoàn. Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể bằng cách uống nước ép củ cải đường thường xuyên.
Củ cải đường là một phương thuốc tuyệt vời tại nhà để chống lại sự mệt mỏi và các triệu chứng giống sốt xuất huyết. Vì chúng có hàm lượng sắt rất cao nên có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào máu. Hỗn hợp từ củ cải đường và nước chanh không chỉ cung cấp nước cho cơ thể mà còn tăng cường hấp thu hàm lượng sắt vào cơ thể.
Nước nha đam
Nha đam rất giàu chất dinh dưỡng như canxi, magie, phốt pho, kali, kẽm, natri, đồng và vitamin C, E, B. Vì vậy, nước ép nha đam có những công dụng y học tuyệt vời và có thể chăm sóc, tăng cường sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả. Thực phẩm này nên được bổ sung vào chế độ ăn của người bệnh sốt xuất huyết.
Loan Mạc (Tổng hợp)