Ăn rau ngổ có tác dụng gì? Rau ngổ trị bệnh gì?

Rau ngổ là gì?

Trước khi tìm lời đáp cho câu hỏi rau ngổ có tác dụng gì, chúng ta cùng tìm hiểu qua về rau ngổ nhé. Rau ngổ, hay còn gọi là rau ngổ thơm, rau ngổ trâu, cúc nước, có tên khoa học của rau ngổ là Enydra fluctuans Lour. (Hingtsha repens Roxb. Tetractis paludosa Blume) và thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Rau ngổ

Rau ngổ là một loại cây thảo có chiều cao khoảng từ 20 đến 30cm, với rễ chùm. Thân của cây thẳng đứng, hình trụ nhẵn, có khía dọc. Lá mọc thành các vòng 3-5 chiếc, và đôi khi mọc đối diện nhau.

Hoa của cây rau ngổ có màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ giữa các lá gần ngọn, có cuống dài khoảng 1cm và nhẵn. Lá bắc ngắn hình sợi, đài có hình dạng chuông, có 5 răng khô xác và mép lá có vài lông tuyến đa bào. Tràng hoa dài gấp đôi đài, có ống ngắn và chia thành 2 môi, có nhị nhẵn.

Quả của rau ngổ có hình dạng nang, nhẵn và có hình trứng, thường ngắn hơn đài hoa.

Rau ngổ là một loại rau gia vị phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình Việt, mang đến hương vị đặc biệt cho các món ăn, có thể được sử dụng như rau sống, rau ăn kèm hoặc xào cùng với rau muống hay nấu canh chua với cá biển và cá đồng. 

Rau ngổ có tác dụng gì?

Không chỉ dừng lại ở việc tăng hương vị thơm ngon cho bữa ăn, rau ngổ cũng cung cấp nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Rau ngổ chứa khoảng 92% nước, 2,1% protid, 1,2% glucid, 2,1% cellulose, 0,29% vitamin B, 2,11% vitamin C, và 2,11% caroten. Ngoài ra, rau ngổ còn chứa nhiều tinh dầu, bao gồm limonene, aldehyd perilla, monoterpenoid cetone, và cis-4-caranone, cùng với các hợp chất coumarine và flavonoid có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn.

Theo quan niệm của Đông y, rau ngổ có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát và có nhiều công dụng hữu ích như thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, trừ viêm, chống sưng, giảm đau và sát trùng đường ruột. Nó còn được sử dụng trong điều trị nhiều vấn đề sức khỏe như thủy thũng, viêm kết mạc, phong chẩn, thủy đậu, cùng với việc hỗ trợ giảm cơn đau thắt bụng, trị sỏi thận, sốt nóng, chống lão hóa và ngừa ung thư.

Rau ngổ có thể hỗ trợ trị sỏi thận

Rau ngổ trị bệnh gì?

Rau ngổ được cho là có thể hỗ trợ điều trị một số loại bệnh như:

  • Sỏi thận
  • Huyết trắng
  • Đầy hơi, bí tiểu, đi tiểu ra máu do nhiệt
  • Điều trị sỏi túi mật
  • Đái dầm, tiểu không tự chủ
  • Chảy nước mũi, ho, cảm
  • Rắn độc cắn.

Bài thuốc chữa bệnh bằng rau ngổ

Sau khi nắm rõ rau ngổ có tác dụng gì, chúng ta cùng tìm hiểu một số bài thuốc chữa bệnh bằng rau ngổ mà bạn có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày nhé.

  • Trị sỏi thận: Sử dụng rau ngổ tươi, giã nát và lấy nước cốt, pha thêm ít muối và uống làm một lần, ngày hai lần. Dùng trong 5 – 7 ngày. Bạn cũng có thể giã nhỏ rau ngổ, pha nước với ít hạt muối và uống hai lần vào buổi sáng và chiều, dùng liên tục trong 7 ngày. Hoặc xay rau ngổ tươi thành sinh tố uống mỗi ngày trong 15 – 30 ngày hoặc nấu với 2 chén nước, để sôi 20 phút là có thể uống.
  • Trị sỏi mật và sỏi thận: Uống nước cốt rau ngổ (100g rau ngổ tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt) pha thêm mật ong vào buổi sáng khi đói, liên tục trong 10 – 15 ngày.
  • Trị đái dầm: Kết hợp rau ngổ với mùi tàu, cỏ mần trầu, cỏ sữa lá nhỏ. Thái nhỏ, phơi khô, sắc với nước và uống sau bữa ăn chiều. Dùng 3 – 4 lần.
  • Hỗ trợ chữa tiểu máu: Kết hợp rau ngổ với cây cỏ tháp bút, rễ cỏ tranh. Mỗi loại 10g, rửa sạch, thái thành từng khúc nhỏ, phơi khô. Tẩm với rượu, sao vàng và sắc nước uống. Liều lượng như vậy dùng trong ngày, chia làm hai lần uống để có hiệu quả.
  • Trị ho cảm, sổ mũi: Dùng khoảng 20g rau ngổ tươi sắc nước rau ngổ và uống đến khi dứt bệnh.
  • Trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu: Lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1l nước còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
  • Trị ban đỏ: Sử dụng 20g rau ngổ, 20g dây vác tía, 10g măng sậy, 10g đọt tre mỡ. Rửa sạch và thái nhỏ các thành phần này, sau đó sắc uống trong ngày.
  • Trị cảm ho: Dùng khoảng 20g cây rau ngổ tươi và sắc uống.
  • Chữa viêm, sưng tấy hay sưng mủ trên da: Rửa sạch rau ngổ để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Giã nát rau ngổ để tạo thành một lượng nhỏ hỗn hợp như một loại bột rồi đắp lên vùng da bị tổn thương là được.

Tác hại của rau ngổ

Mặc dù mang đến nhiều lợi ích sức khỏe nhưng việc sử dụng rau ngổ cũng có thể tiềm ẩn một số rủi ro sức khỏe mà bạn cần lưu ý, bao gồm:

  • Gây sẩy thai: Thân cây rau ngổ có chứa các hoạt chất có tác dụng giãn cơ tử cung, phụ nữ có thai nên hạn chế ăn nhiều rau ngổ để tránh nguy cơ sẩy thai.
  • Nhiễm khuẩn: Rau ngổ thường mọc ở môi trường ẩm ướt đầm lầy và có nhiều lông tơ, làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn nếu không rửa sạch hoặc không chế biến kỹ.
  • Phản ứng dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với rau ngổ, gây ra các triệu chứng như ngứa, phát ban, sưng, hoặc khó thở. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu dị ứng sau khi ăn rau ngổ, nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Tương tác thuốc: Rau ngổ có thể tương tác với một số loại thuốc, làm giảm hiệu quả sử dụng thuốc. Do đó, nếu bạn đang sử dụng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng rau ngổ.
  • Chất ô nhiễm: Như với bất kỳ loại rau củ quả nào, rau ngổ cũng có thể chứa các chất ô nhiễm từ môi trường như hóa chất, thuốc trừ sâu hoặc vi khuẩn. Vì vậy, khi ăn rau ngổ, bạn nên chú ý rửa sạch, ưu tiên nấu chín, hạn chế ăn sống để giảm nguy cơ hấp thụ chất ô nhiễm.

Ăn rau ngổ có thể làm tăng nguy cơ sảy thai

Trên đây là một số thông tin về rau ngổ mà Emdep.vn đã tổng hợp và chia sẻ. Mong rằng với những chia sẻ từ Emdep.vn, các bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về rau ngổ, hiểu được rau ngổ có tác dụng gì đồng thời có thêm những bài thuốc chữa bệnh từ rau ngổ để áp dụng trong đời sống hàng ngày, giúp tận dụng tối đa tác dụng rau ngổ và hạn chế các tác hại của rau ngổ có thể xảy ra.

Minh LT (Tổng hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *