Hiến máu được coi là một nghĩa cử cao đẹp trong xã hội Việt Nam có truyền thống “tương thân tương ái”. Để việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức như trước khi hiến máu cần làm gì, những lưu ý trước và sau khi hiến máu. Cùng Emdep tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé!
Hiến máu là gì?
Hiến máu là hành động tự nguyện cho máu của một hoặc nhiều người để phục vụ cho mục đích truyền máu hoặc chế tạo dược phẩm bằng quá trình phân đoạn (tách các thành phần trong máu).
Hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có những lợi ích nhất định đối với sức khỏe của người hiến máu
Lợi ích của việc hiến máu
Khoa học đã chứng minh, hiến máu có những lợi ích sau đây:
– Loại bỏ được lượng sắt dư thừa, tích lũy trong cơ thể, làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
– Hiến máu làm cho tinh thần sảng khoái hơn, ăn ngủ ngon hơn, giúp các chức năng trong cơ thể hoạt động một cách hiệu quả hơn nhờ việc bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên
Sở dĩ việc hiến máu không có hại là vì cơ thể con người sẽ tái tạo máu trong vòng 48 giờ sau khi cho, các tế bào hồng cầu mất đi sẽ được thay thế hoàn toàn trong vòng 4 đến 8 tuần. Quá trình bổ sung các tế bào hồng cầu có thể làm cơ thể khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả hơn.
Điều kiện để được hiến máu là gì?
Để tham gia hiến máu nhân đạo, bạn cần đáp ứng được những tiêu chí sau đây:
– Cơ thể khỏe mạnh, không mắc các bệnh cấp tính, mãn tính, không có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường truyền máu
– Độ tuổi: từ 18 đến 60 tuổi
– Cân nặng: nam từ 45kg trở lên, nữ từ 42kg trở lên
– Huyết áp, mạch, nhịp tim bình thường
Ngoài ra cần lưu ý:
– Phụ nữ mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt, đang cho con bú không được hiến máu
– Người khỏe mạnh không hiến quá 9ml/kg cân nặng mỗi lần
– Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần liên tiếp hiến máu toàn phần là 12 tuần
Trước khi hiến máu cần làm gì?
Trước khi tham gia hiến máu, bạn cần chú ý những vấn đề sau đây:
– Đêm hôm trước khi hiến máu, cần ngủ đủ giấc, không nên luyện tập quá sức
– Trước khi hiến máu phải ăn sáng, không để bụng đói. Bữa sáng nên dùng thức ăn thanh đạm như cháo, bánh mì…
– Nữ giới nên tránh hiến máu vào thời gian 3 ngày trước và sau thời kỳ kinh nguyệt
– Trước khi hiến máu 2 ngày nếu thấy các triệu chứng sốt, cảm mạo, ho… thì nên ngừng hiến máu
Trước khi hiến máu nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng đối với sức khỏe trước và sau khi hiến máu. Trước khi hiến máu, bạn nên chú ý bổ sung các nhóm thực phẩm và các loại thực phẩm dưới đây
1. Thực phẩm giàu chất sắt
Sắt là khoáng chất mà cơ thể sử dụng để tạo ra hemoglobin. Chất này có nhiệm vụ vân chuyển oxy từ phổi tới các cơ quan trên cơ thể. Chế độ dinh dưỡng giàu chất sắt sẽ giúp cơ thể dự trữ thêm sắt để bù lại lượng sắt mất đi khi hiến máu.
Do đó, trước khi hiến máu, bạn nên cân nhắc dự trữ sắt trong cơ thể, đồng thời làm giảm nguy cơ thiếu máu do sắt.
Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm như: trứng, các loại thịt đỏ (thịt bò, cừu, bê, lợn), thịt da cầm, cá và động vật có vỏ (cá ngừ, tôm, trai, hàu, cá thu…), gan động vật, rau bina, khoai lang, đậu Hà Lan, bông cải xanh, củ cải đường, cải thìa, cải xoăn, cải bẹ, trái cây (dâu tây, nho khô, dưa hấu, sung, mận, mơ…), các loại đậu…
2. Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C có vai trò giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các chất sắt có nguồn gốc thực vật. Do đó, trước khi hiến máu, bạn cần bổ sung thêm vitamin C trong chế độ dinh dưỡng bằng cách ăn các loại quả như: dưa hấu, cam, chanh, ổi, cà chua, việt quất…
3. Uống nhiều nước
Nước chiếm 50% trong lượng máu hiến tặng. Vì vậy, trước khi hiến máu, bạn cần cung cấp đủ nước vì nếu để mất nước trong quá trình hiến máu, bạn có thể bị tụt huyết áp, dẫn đến chóng mặt, choáng váng.
Trước khi hiến máu nên tránh ăn gì?
Bên cạnh những loại thực phẩm bạn nên ăn trước khi hiến máu thì cũng có một số loại thực phẩm bạn nên tránh ăn trước khi hiến máu, đó là:
– Rượu và các loại đồ uống có cồn: những chất kích thích này sẽ dẫn đến mất nước. Trước khi hiến máu 24 giờ, người hiến máu không nên uống rượu. Nếu có uống rượu thì cần chú ý uống thêm nhiều nước
– Thực phẩm nhiều chất béo: Khoai tây chiên, kem, đồ chiên rán… nếu ăn trước khi hiến máu có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm máu. Vì vậy, nên tránh ăn những loại thức ăn này
– Thực phẩm làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt: Nhóm thực phẩm này gồm cà phê, trà, thực phẩm giàu canxi (sữa chua, phô mai, sữa), socola, rượu vang đỏ… tuy không nhất thiết phải tránh nhưng nên tránh ăn cùng với những thực phẩm giàu chất sắt để tránh cản trở việc hấp thụ sắt của cơ thể
– Aspirin: Nếu đi hiến tiểu cầu, người dùng cần đảm bảo không uống aspirin trong vòng 48 tiếng trước khi thực hiện cho tiểu cầu
Trước khi hiến máu cần xét nghiệm gì?
Có rất nhiều bệnh tật truyền nhiễm qua con đường máu, do đó, khám sức khỏe, làm xét nghiệm trước khi hiến máu là bắt buộc. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo bảo mật với người hiến máu
Vậy trước khi hiến máu cần xét nghiệm gì? Dưới đây là một số xét nghiệm khi hiến máu mà người đi hiến cần biết:
– Xét nghiệm xác định nhóm máu theo hệ ABO (gồm nhóm máu O, A, B và AB) và nhóm máu theo hệ Rhesus (gồm nhóm máu Rhesus dương và Rhesus âm)
– Xét nghiệm sàng lọc các kháng thể bất thường của các hệ nhóm hồng cầu RH, MNSs, Kell, Kidd, Duffy, Lutheran
– Xét nghiệm kiểm tra sự xuất hiện của kháng nguyên và kháng thể chống virus HIV-1 và HIV-2
– Xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên virus viêm gan B và kháng thể chống virus viêm gan C
– Xét nghiệm kiểm tra các kháng thể chống các bệnh lý truyền nhiễm khác như giang mai, sốt rét và CMV (Cytomegalovirus)
Sau khi hiến máu cần lưu ý những gì?
Phải làm gì ngay sau khi hiến máu?
– Duỗi thẳng, hơi nâng cao cánh tay trong 15 phút
– Nghỉ ngơi, theo dõi sức khỏe tại điểm hiến máu ít nhất 15 phút
– Uống nhiều nước
– Chỉ ra về khi cơ thể bình thường, không có biểu hiện lạ
– Thông báo cho nhân viên y tế hỗ trợ khi thấy chảy máu từ vết băng cầm máu
Nếu có các biểu hiện bất thường về sức khỏe như: mệt, chóng mặt, vã mồ hồi… thì cần:
– Ngay lập tức ngồi hoặc nằm ngay xuống, tốt nhất là nâng cao chân
– Giữ bình tĩnh, hít sâu, thở ra chậm, tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh
– Báo cho nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời
– Chỉ ngồi dậy và đứng lên khi hết cảm giác chóng mặt, mệt mỏi
Sau khi hiến máu cần làm gì?
– Uống nhiều nước để bổ sung lượng nước cho cơ thể
– Tránh thức khuya, tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
– Tránh nâng vật nặng bằng tay vừa hiến máu
– Tránh các vận động nặng như: thi đấu thể thao, đá bóng, tập thể hình, leo trèo cao
Nên ăn gì sau khi hiến máu?
Sau khi hiến máu, người hiến máu sẽ được ăn đồ ăn nhẹ và đồ uống để ổn định đường huyết và lượng nước trong cơ thể. Trong vòng 24 giờ tiếp theo, bạn cần uống thêm 4 cốc nước và lưu ý một số vấn đề về chế độ dinh dưỡng như sau:
– Uống nhiều nước, có thể uống nước đường tán để bù chất sắt, tạo máu
– Không uống trà đặc trong vòng 1 tháng sau khi hiến máu vì trong trà có chứa nhiều acid tannic, dễ kết hợp với protein và sắt để tạo ra chất cặn không được cơ thể hấp thu. Từ đó dẫn đến việc cơ thể không hấp thụ được protein và sắt, làm ảnh hưởng tới sự tái tạo tế bào máu
– Sử dụng nhiều thực phẩm giàu protein, sắt, acid folic và vitamin B12 tốt cho quá trình tạo máu. Các thực phẩm này gồm: sữa, trứng, thịt đỏ, các loại đậu, gan, sứa, tôm, rong biển…
Hiến máu không có hại cho sức khỏe và còn là nghĩa cử cao đẹp để cứu người, gieo nhân lành, việc tốt. Hãy tìm hiểu trước khi hiến máu cần làm gì để luôn đảm bảo sức khỏe tốt cho bản thân bạn nhé!
MIN (Tổng hợp)