Tại sao móng tay chân đổi màu trắng?
Móng tay chân đổi màu trắng cũng có nhiều nguyên nhân và trạng thái khác nhau. Bạn có thể phát hiện móng có những vệt trắng dài hoặc đốm trắng nhỏ hơn, thậm chí đôi khi sẽ chuyển sang màu trắng đục gần hết cả móng.
Nguyên nhân móng đổi màu trắng là do đâu? Khi móng đổi màu, dày lên, giòn dễ gãy xước có thể là dấu hiệu bất ổn trong cơ thể của bạn. Tuy nhiên không phải lúc nào tình trạng này cũng đáng lo lắng.
Đa số, các nốt trắng xuất hiện ở móng tay (móng chân) có thể do bạn bị va chạm hoặc nhiễm nấm. Hai trường hợp này điều trị không khó và bạn có thể tìm đến hiệu thuốc tây để mua thuốc bôi.
Tuy nhiên, một vài trường hợp đáng lưu tâm hơn vì có thể bạn đang thiếu chất hoặc bệnh tật. Vì vậy, bạn cần xác định vấn đề đổi màu ở móng là do đâu.
Do tổn thương
Khi bạn bị va chạm vào tay hay chân, các mạch máu bên dưới móng có nguy cơ bị vỡ ra và rỉ máu, tạo nên hiện tượng bầm tím. Song, chấn thương cũng có thể gây ra đốm hoặc vệt trắng ở móng (còn gọi là bạch cầu).
Hầu hết trường hợp này hoàn toàn vô hại. Do móng chân có tốc độ phát triển chậm nên có thể mất từ 9 đến 12 tháng để các đốm hay vệt trắng này biến mất.
Cơ thể thiếu chất
Bác sĩ da liễu Shari Lipner (Mỹ) cho biết: “Móng tay chân bị trắng có thể là tín hiệu cảnh báo bạn bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất”. Hầu hết móng sẽ có màu trắng đục trừ phần đầu móng.
Ngoài ra, thiếu máu do thiếu sắt và kẽm cũng vậy. Bạn có thể kèm theo triệu chứng khác như mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, khó tập trung… Móng tay (chân) mỏng, giòn và dễ gãy.
Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra toàn diện và cải thiện dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý không nên tùy tiện dùng thực phẩm bổ sung vì có thể gây tác dụng phụ.
Nấm móng
Trường hợp móng tay chân đổi màu trắng do nhiễm nấm thường xuất hiện một đốm trắng (hoặc vàng) dưới đầu móng. Ngoài ra, móng của bạn cũng có thể bị tách đôi, giòn và dày lên bất thường.
Nhiễm nấm ở móng tuy ít phổ biến hơn nhưng lại đáng ngại hơn và ít khi tự khỏi. Bạn cần được xét nghiệm để xác định loại nấm nhiễm trùng, trong đó có cả nấm Cadida. Sau đó bác sĩ sẽ kê toa điều trị phù hợp.
Cách chăm sóc móng khỏe mạnh
Bất kỳ ai cũng có thể bị va chạm, chấn thương hoặc nhiễm nấm móng hay thiếu chất. Vì vậy khi phát hiện nguyên nhân khiến móng đổi màu, bạn cần tìm đến người có chuyên môn để có hướng điều trị đúng đắn.
Ngoài ra, một số thói quen sinh hoạt cũng cần tuân thủ để có cách chăm sóc móng khỏe mạnh hơn.
Không để móng quá dài
Nếu không cần thiết thì nên cắt tỉa gọn gàng móng tay chân là tốt nhất, nhưng chú ý không cắt quá sát da để tránh tổn thương nhiễm trùng. Dụng cụ làm móng nên dùng đồ riêng tư hoặc ít nhất cũng phải được khử trùng hợp lý.
Dưỡng ẩm cho tay chân
Bạn có thể ngâm tay chân với nước muối loãng trong 10 – 15 phút để làm mềm móng. Để khô và dưỡng ẩm tay chân bằng kem dưỡng da phù hợp. Thoa kem lên cả phần móng để đạt hiệu quả chăm sóc lý tưởng nhất.
Đảm bảo chân khô thoáng
Bàn chân là nơi dễ bị bức bí và đổ mồ hôi. Bạn nên chọn vớ và giày dép thông thoáng, hút ẩm tốt, vệ sinh chân hằng ngày để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm.
Hạn chế làm đẹp bằng hóa chất
Sơn móng tay móng chân là điều ưa thích của phái đẹp. Tuy nhiên, chuyên gia sức khỏe khuyến cáo bạn nên hạn chế sử dụng nó để đảm bảo móng khỏe mạnh. Ngoài ra, đánh bóng móng cũng không nên làm quá nhiều.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm thông tin về tình trạng móng tay chân đổi màu trắng, đồng thời biết cách chăm sóc móng hợp lý.
Thiên Khuê (Theo Health)