Ăn hải sản đúng cách đem lại lợi ích gì cho sức khỏe?
Cá, tôm, cua, sò và nhiều loại động vật khác sống ở biển đều là nhóm thực phẩm thuộc hải sản. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng chế độ ăn uống kết hợp hải sản giúp bảo vệ sức khỏe ở mức độ nhất định.
Ăn hải sản đúng cách có thể bổ sung dinh dưỡng đa dạng, cải thiện sức đề kháng và hạn chế nhiều bệnh tật. Lợi ích của hải sản được nhắc đến một cách ấn tượng ở những khía cạnh sau đây.
Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể
Dinh dưỡng trong hải sản khá phong phú, đặc biệt là protein, vitamin và khoáng chất như vitamin B6, B12, sắt, kẽm, selen…
Cơ thể thiếu chất có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, bổ sung hải sản vào khẩu phần ăn giúp cải thiện tình trạng này.
Giàu Omega-3
Đa số các loại hải sản đều có chứa axit béo Omega-3 (bao gồm EPA và DHA). Chất này góp phần duy trì sự phát triển của tế bào thần kinh, hạn chế các chứng viêm, giảm cholesterol xấu.
Nghiên cứu cho thấy, ăn hải sản hợp lý giúp bạn ngăn ngừa được nhiều bệnh tật mãn tính như tim mạch, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, trầm cảm, đột quỵ, ung thư…
Tốt cho sức khỏe của xương
Một số hải sản có vỏ cứng như tôm, cua, sò… có hàm lượng canxi khá cao, góp phần duy trì mật độ xương khỏe mạnh. Vì vậy, tiêu thụ đa dạng các loại hải sản giúp giảm nguy cơ viêm khớp, loãng xương. Ngoài ra, canxi còn tốt cho răng của bạn.
Lưu ý khi ăn hải sản
Mặc dù được khuyến khích với nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe nhưng ăn hải sản đúng cách mới có thể tránh được tác dụng phụ.
Hạn chế các món hải sản chiên, nướng
Dù là nguồn thực phẩm nào, cách chế biến nhiều dầu mỡ như món chiên hoặc có chất gây ung thư như món nướng cũng nên ít ăn. Khi chiên rán, protein trong cá tạo ra hợp chất amin dị vòng có thể làm phát triển các chứng ung thư.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, ăn nhiều hải sản chiên, nướng còn khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì… Bạn nên ăn hải sản luộc, hấp hoặc trộn salad nhưng phải làm chín kỹ.
Lựa chọn nguồn hải sản sạch
Chất kích thích, chất bảo quản hoặc hàm lượng thủy ngân cao có thể có trong hải sản. Vì vậy, bạn nên chọn mua ở nơi uy tín để giảm nguy cơ có hại này. Một số loại cá chứa ít thủy ngân mà bạn có thể ưu tiên như cá hồi, cá tuyết, cá trích, cá mòi, sò, ngao…
Kết hợp hải sản với các nguồn thực phẩm khác
Bạn không nên chỉ ăn một hoặc chỉ vài loại thực phẩm vì dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng. Kết hợp hải sản với rau, nấm, đậu và ngũ cốc… sẽ giúp tăng hương vị cho món ăn, đồng thời còn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Cá hồi, cá trích là lựa chọn lý tưởng để bổ sung axit béo Omega-3. Bạn có thể kích thích vị giác bởi món salad rau củ trộn cá hồi nhưng nên hạn chế dùng cá còn sống dù nó có thể “lạ miệng”.
Người muốn giảm cân cũng có thể thêm cá hồi vào chế độ ăn kiêng lành mạnh nhưng cần chú ý liều lượng dùng, tốt nhất không ăn quá 150g cá hồi mỗi ngày.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thể ăn hải sản đúng cách, đem lại lợi ích cho sức khỏe và hạn chế được một số nhược điểm của nó.
Thiên Khuê (Theo Health)