Cúm A là gì?
Cúm hay bệnh cúm là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp.
Vi rút cúm lây nhiễm sang người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Nhiễm cúm loại A được cho là loại cúm nghiêm trọng, có thể gây ra các đợt bùng phát và dịch bệnh trên diện rộng.
Các triệu chứng thông thường của nhiễm trùng loại A có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trong khi trong một số trường hợp nhẹ hơn, bệnh cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể, những trường hợp nặng của bệnh cúm loại A có thể đe dọa tính mạng.
Cúm A là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp
Cúm A có lây không?
Có. Cúm A là loại bệnh cúm rất dễ lây lan.
Các loại cúm A
Ngoài việc lây nhiễm sang người, vi rút cúm A có thể lây nhiễm sang động vật, bao gồm cả gia cầm (gây bệnh cúm gia cầm) và lợn (gây bệnh cúm lợn). Trong một số trường hợp, những loại cúm này có thể truyền sang người.
Cúm gia cầm
Cúm gia cầm là một phân nhóm của vi rút cúm A (H5N1) chủ yếu ảnh hưởng đến các loài chim. Loại virus này đã gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và thậm chí tử vong ở người.
Mặc dù bệnh cúm gia cầm có thể nghiêm trọng, nhưng số trường hợp được phát hiện ở người là rất nhỏ. Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh cúm gia cầm đều mắc bệnh từ những con gia cầm bị nhiễm bệnh. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy bệnh cúm gia cầm có thể truyền từ người sang người.
Cúm lợn
Cúm lợn là một loại vi rút cúm A được tìm thấy ở lợn. Năm 2009, một chủng vi rút cúm có tên là H1N1 đã gây ra bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở người, lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới và trở thành đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch cúm lợn bùng phát vào tháng 8 năm 2010.
Đại dịch cúm năm 1918 cũng do vi rút cúm A H1N1 gây ra.
Cúm lợn là nhẹ ở hầu hết mọi người nhưng có thể nặng đối với một số nhóm nguy cơ cao như những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai.
Các triệu chứng cúm A
Nếu bạn bị cúm A, bạn sẽ có một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Ho khan
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt hơi
- Viêm họng
- Sốt
- Đau đầu
- Mệt mỏi, nhức mỏi cơ thể
- Ớn lạnh
- Trẻ em cũng có thể bị đau bụng, nôn và buồn nôn.
Test cúm A bằng cách nào?
Các xét nghiệm test cúm A hiện nay bao gồm:
- Xét nghiệm chẩn đoán xác định: Lấy dịch hầu họng xét nghiệm virus cúm A.
- Xét nghiệm RT-PCR để xác định chủng virus cúm A: H1N1, H5N1, H7N9.
Kết quả không phải lúc nào cũng chính xác và bác sĩ có thể phải chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bạn hoặc các xét nghiệm cúm khác.
Cúm A ủ bệnh trong bao lâu?
Cúm A thường có thời gian ủ bệnh trong vòng 1-3 ngày, trung bình là 2 ngày. Thời gian lây bệnh khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau có xuất hiện triệu chứng lâm sàng.
Cách điều trị cúm A
Hầu hết các trường hợp cảm cúm đều nhẹ và sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần.
Điều quan trọng là bạn nên ở nhà trong vài ngày đầu tiên sau khi bị nhiễm cúm A để tránh lây lan vi rút cho người khác. Trong thời gian này, hãy uống nhiều nước và nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Một loạt các loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Ví dụ, thuốc thông mũi giúp làm thông mũi bị nghẹt và thuốc giảm ho có thể làm dịu cơn đau họng do ho. Lưu ý những loại thuốc này không tự điều trị vi rút và không thể rút ngắn thời gian bị bệnh.
Cách điều trị cúm A tại nhà
Những người có nguy cơ bị biến chứng có thể cần thuốc kháng vi-rút để chống lại vi-rút. Ví dụ về những loại thuốc này bao gồm oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza). Chúng có thể làm giảm thời gian hồi phục trong vài ngày.
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng vi-rút cho hầu hết những người bị cúm A trên 65 tuổi hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch.
Điều quan trọng là bạn cần thăm khám với bác sĩ ngay nếu các triệu chứng dưới đây xảy ra:
- Nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C
- Ho tiết ra chất màu xanh lá cây hoặc màu vàng
- Khó thở khi nghỉ ngơi
- Ngất xỉu hoặc chóng mặt
- Rùng mình không kiểm soát được
Cúm A có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể tự điều trị các triệu chứng của bệnh cúm A nhẹ bằng cách nghỉ ngơi tại nhà, sử dụng thuốc để điều trị đau và sốt. Hầu hết mọi người sẽ khỏe hơn trong vòng 7 đến 10 ngày.
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, hãy lên lịch thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm, bao gồm người từ 65 tuổi trở lên hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, nên đi khám ngay lập tức. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh cúm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu không được điều trị, cúm A có thể gây ra một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng tai
- Bệnh tiêu chảy
- Buồn nôn, nôn mửa
- Chóng mặt
- Đau bụng
- Tức ngực
- Hen suyễn
- Viêm phổi, viêm phế quản
- Các vấn đề về tim mạch
Phòng ngừa cúm A như thế nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm A hiện nay là tiêm vắc xin cúm hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm có thể giúp cơ thể chống lại 3-4 loại vi rút cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó.
Tiêm phòng ngừa cúm A
Các chuyên gia khuyến nghị rằng bất kỳ ai từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm (trừ khi bạn có chống chỉ định), đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị biến chứng, bao gồm:
- Người lớn trên 65 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên
- Người bị bệnh hen suyễn
- Người bị bệnh tim
- Người đã bị đột quỵ
- Người bị bệnh tiểu đường
- Người nhiễm HIV hoặc AIDS
- Người bị ung thư
- Trẻ em bị bệnh thần kinh
Các cách khác để phòng ngừa cúm A bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên
- Hạn chế tụ tập đám đông, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch cúm
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Ở nhà nếu bạn bị sốt và ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.
Cúm A là một bệnh nhiễm vi rút dễ lây lan, có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Các triệu chứng cúm A có thể giống với cảm lạnh thông thường nhưng cũng có thể gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn.
Điều quan trọng là bạn nên tiêm phòng cúm hàng năm để phòng ngừa nguy cơ nhiễm cúm A. Khi nhiễm cúm A, bạn có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà trong trường hợp bệnh nhẹ. Tuy nhiên nếu sau 7 ngày mà các triệu chứng cúm A không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
Minh LT (Tổng hợp)