Cây trường sinh thảo là một trong những loại cây cảnh được nhiều người ưa chuộng và săn lùng nhưng ít người biết rằng đây là loại cây dược liệu mọc hoang dại và mang trong mình rất nhiều công dụng hữu ích. Hãy cùng Emdep tìm hiểu về cây trường sinh thảo là gì ngay sau đây bạn nhé!
Cây trường sinh thảo là cây gì?
Cây trường sinh thảo là một loại dược liệu mọc hoang còn được gọi với những tên khác như quyển bá, hồi sinh thảo, hoàn dương thảo, móng lưng rồng, vạn niên tùng, cây chân vịt… Tên khoa học của cây trường sinh thảo là Elaginella Tamariscina, họ Selaginellaceae (quyển bá).
Hiện nay, cây trường sinh thảo được sử dụng vào rất nhiều mục đích như làm cảnh, làm thuốc… Cũng vì những công dụng tuyệt vời của nó mà loại cây này giờ đây được nhiều nơi trồng và chăm sóc để thu hoạch, bán ra thị trường.
Cây trường sinh thảo mọc ở đâu?
Loại cây này phát triển quanh năm, là loại cây ưa sáng và chịu hạn rất tốt, thường mọc bám trên đá hay ở những vùng thổ nhưỡng khô cằn, nhiều sỏi đá. Ở nước ta, trường sinh thảo mọc hoang ở nhiều vùng đồi núi thấp tại các tỉnh ven biển như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Cây trường sinh thảo có đặc điểm như thế nào?
Cây trường sinh thảo là một loại cây thân thảo có rất nhiều rễ, phần rễ này được bện lại với thân thành một búi có trụ cao khoảng 10cm. Cành cây có độ dài từ 5 – 12cm và có nhiều lớp lá xếp lên nhau
Trường sinh thảo có “tạo hình” khá đa dạng, các lá ở bên ngoài có hình giáo và có lông, các lá ở kẽ lại có hình tam giác thuôn và có mép rộng, lá ở trong cùng thì có mép không đều nhau. Khi trời nắng nóng, cây thích nghi được với thời tiết khô hạn và có phản ứng bằng cách túm lại thành búi, các cành lá sẽ cuộn tròn lại, khi gặp nước mưa hay thời tiết ẩm ướt sẽ vươn ra.
Hoa cây trường sinh thảo là đơn sinh bào tử, được mọc ở đầu cành, hình dáng bốn cạnh. Bào tử nhỏ thì có màu vàng nhạt, còn bào tử lớn lại có màu trắng, tất cả đều có hình tam giác và phần mép khá rộng.
Cây trường sinh thảo mặc dù phát triển quanh năm nhưng thời điểm cây sinh sản tốt nhất là từ tháng 10 – tháng 12. Người dân thu hoạch cây trường sinh thảo về sẽ đem cắt bỏ hết rễ con. Cây này có thể dùng tươi hoặc phơi khô để làm dược liệu. Còn đối với những người muốn dùng trường sinh thảo làm cây cảnh thì phải tìm những cây có dáng bonsai.
Cây trường sinh thảo hợp mệnh gì?
Nhìn từ góc độ phong thủy ngũ hành, cây trường sinh thảo toàn thân có màu xanh lá nên loài cây này thuộc hành mộc. Do đó, loại cây này rất hợp với người mệnh mộc và người mệnh hỏa vì mộc sinh hỏa.
Thông thường, những người mệnh mộc và mệnh hỏa sẽ dùng trường sinh thảo như một loại cây cảnh để mong sẽ được thuận lợi trong công việc, làm ăn thuận buồm xuôi gió, con đường quan lộ hanh thông, sự nghiệp sớm công thành danh toại.
Cách trồng và chăm sóc cây trường sinh thảo
Cách trồng cây trường sinh thảo
Để trồng loại cây này, người ta sẽ dùng cây con với cách trồng khá đơn giản, ai cũng có thể trồng tại nhà. Đây là loại cây dễ sống nên bạn có thể trồng trong nhà hay ngoài trời, hay nơi râm mát đều được.
Yêu cầu về đất trồng cây trường sinh thảo là loại đất tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng cần cân đối, phân giải từ từ và cung cấp đều đặn, liên tục cho cây, đặc biệt cần không có mầm bệnh, chứa nhiều vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật có lợi. Để tiện lợi và đơn giản, nhanh chóng, bạn có thể sử dụng các loại đất hữu cơ đã trộn sẵn, để không trộn thêm loại phân bón nào.
Cây trường sinh thảo trồng trong nhà thường được trồng bằng phương pháp tách gốc khi thay chậu. Quy trình trồng được tiến hành như sau:
- Lấy bớt phần đất trong chậu ra, cầm sát gốc cây rồi nhẹ nhàng nhấc cây ra khỏi chậu
- Sau đó tách bỏ hết phần đất dính ở gốc và rễ cây, tách bỏ phần gốc đã hỏng thối, bị nấm hay sâu bệnh, cắt bỏ các lá úa, lá già.
- Phủ một lớp xơ dừa khoảng 3cm dưới đáy chậu rồi cho một lớp đất mỏng lên trên, rồi nhẹ nhàng đặt cây vào chậu, phủ đất kín gốc.
Cách chăm sóc cây trường sinh thảo
Đây là loại cây dễ sống, dễ trồng, dễ chăm sóc nên bạn chỉ cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Cây trường sinh thảo khi mới trồng nên để trong khu vực mát mẻ từ 5 – 7 ngày, sau đó mới đem ra ngoài, đây là thời gian để cây hồi phục sau khi được chuyển sang môi trường sống mới. Sau đó, có thể đặt cây ở vị trí tùy thích như sân vườn hay phòng khách…
Trong khoảng 1 tháng đầu tiên, có thể tưới thêm thuốc kích rễ để trường sinh thảo nhanh đâm rễ và phục hồi hơn. Chú ý không nên tưới nước cho cây quá nhiều, nên tưới đủ ẩm cho cây là được, tốt nhất là dùng bình phun sương, chỉ cần tưới ướt cho lá, một ngày chỉ nên tưới tối đa 1 – 2 lần.
Lưu ý, khi cây đủ nước, lá sẽ căng, có màu xanh tươi và khi đó không nên tưới nước nữa, rất nhiều trường hợp cây trường sinh thảo bị chết do tưới quá nhiều nước. Khi cây bắt đầu héo hoặc chuyển sang màu vàng mới tưới nước.
Cây trường sinh thảo có tác dụng gì?
Thành phần hóa học của cây trường sinh thảo
Trường sinh thảo là loại cây có chứa các thành phần hóa học đa dạng như sau:
– Flavonoid, Cryptomerin B, Isocrytomerin, hinoki flavone, amentoflavon
– Lutein, Cholesterol, quinone, tannin, coumarine
– Bộ rễ có hoạt chất Alcaloid, không có saponin
– Sunma Flavone là hoạt chất chỉ thu được từ cây trường sinh thảo mà các cây khác thuộc họ selaginella không có
Công dụng của cây trường sinh thảo
Cây trường sinh thảo có hình dạng đẹp mắt, được nhiều người yêu nghệ thuật trồng thành các cây bonsai để làm cây cảnh nhưng đây còn là một loại dược liệu có nhiều công dụng tuyệt vời.
Về tổng quan, loại cây này có vị cay, hơi đắng, có tác dụng tan huyết, cầm máu. Do đó, quyển bá (trường sinh thảo) thường được dùng để điều trị ho ra máu, nôn ra máu, tiểu tiện ra máu, phụ nữ bị kinh nguyệt quá nhiều… Ngoài ra trường sinh thảo cũng được dùng để chữa bỏng, chữa viêm gan, vàng da, vàng mắt, tắc mật, giúp bổ máu…
Cây trường sinh thảo chữa được bệnh gì?
Để trả lời câu hỏi này, ta cần chỉ ra công dụng chữa bệnh của trường sinh thảo theo Đông y và theo Tây y hay nói cách khác là theo y học cổ truyền và y học hiện đại
*Theo Đông y:
Trường sinh thảo tươi có tác dụng hoạt huyết nhưng khi sao khô thì chỉ có tác dụng chỉ huyết, chuyên trị các triệu chứng ho ra máu, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu hay kinh nguyệt quá nhiều cùng một số chứng chảy máu bất thường khác
Bên cạnh đó, một số bệnh mà trường sinh thảo cũng chữa được là: viêm gan, vàng da, viêm tụy cấp, vàng mắt, bỏng…
*Theo Tây Y
Trong cây trường sinh thảo có chứa các chất có tiềm năng cho một số bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng. Đồng thời, chất biflavonoid, amentoflavone trong cây trường sinh thảo cũng có khả năng giúp thư giãn các cơ trơn qua lớp nội mạc và nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này.
Hơn nữa, trích xuất từ loại dược liệu này còn có vai trò quan trọng với quá trình viêm hay hủy hoại tế bào và hoại tử. Tuy không hoàn toàn có thể ngăn chặn sự hình thành các khối u ác tính nhưng các thành phần hóa học của cây trường sinh thảo có thể cung cấp sức mạnh ức chế sự tăng trưởng ung bướu của khối u trong cơ thể.
Ý nghĩa cây trường sinh thảo
Trường sinh thảo vừa là cây dược liệu, vừa là cây cảnh, lại vừa là cây phong thủy biểu trưng cho những điều tươi đẹp, mới mẻ. Sự thích nghi của cây với những dạng thời tiết khác nhau hàm chứa ý niệm về một sức sống mãnh liệt, sự phát triển bất chấp những rào cản, trở ngại khó khăn.
Ngoài ra, loài cây này còn đại diện cho sự sum vầy, no ấm và hạnh phúc. Người ta vẫn đặt cây trường sinh thảo trong phòng khách để mong gia đình luôn sum vầy, hòa thuận.
Một số bài thuốc với cây trường sinh thảo
1. Bài thuốc chữa nôn ra máu, ho ra máu, đại tiện phân đen, tiểu ra máu, kinh nguyệt quá nhiều
- Chuẩn bị: cây trường sinh thảo xao khô (30g), long nha thảo (25g)
- Thực hiện: cho 2 vị thuốc vào ấm, thêm nửa thăng nước, sắc trên lửa nhỏ đến khi còn 200ml. Lọc bỏ bã và chia đều làm 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
2. Bài thuốc chữa trĩ xuất huyết
- Chuẩn bị: 15g cây trường sinh thảo
- Thực hiện: Đem dược liệu đi xao vàng rồi cho vào ấm, thêm 1 thăng nước, sắc uống thay trà trong ngày
3. Bài thuốc cây trường sinh thảo chữa viêm túi mật, viêm gan cấp tính
- Chuẩn bị: 30g cây trường sinh thảo xao vàng, 20g ngưu tất, 20g mộc thông
- Thực hiện: Cho cả 3 vị thuốc vào ấm cùng 1 lít nước, sắc trên lửa nhỏ cho đến khi nước đặc lại, bỏ bã rồi uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang
4. Bài thuốc cây trường sinh thảo chữa bỏng
- Chuẩn bị: cây trường sinh thảo (lượng vừa đủ với vết bỏng), 1 quả trứng gà
- Thực hiện: cây trường sinh thảo phơi khô tán bột, sau đó trộn chung với lòng trắng trứng và đắp trực tiếp lên vết bỏng. Cứ khoảng 2 – 3 giờ thì đắp lại 1 lần.
5. Bài thuốc cây trường sinh thảo chữa ung thư mũi họng, ung thư phổi
- Chuẩn bị: 10 – 80g trường sinh thảo, 2 – 3 quả táo tàu, 1 lượng thịt lợn vừa đủ
- Thực hiện: các nguyên liệu trên cho hết vào nồi nấu thật nhừ, ăn cả cái và nước. Ăn đều đặn mỗi ngày 1 lần trong vài tháng
6. Bài thuốc chữa viêm gan truyền nhiễm
- Chuẩn bị: trường sinh thảo (20g), tạc tương thảo (30g), đĩa nhị thảo (30g) và cả cây hài nhi cúc (30g)
- Thực hiện: Cho các vị thuốc trên vào ấm cùng 800ml nước, sắc đến khi còn 300ml, lọc bỏ bã chia đều uống làm 3 lần trong ngày với liều dùng 1 thang/ ngày.
Lưu ý, trường hợp phụ nữ đang trong thai kỳ tuyệt đối không sử dụng cây trường sinh thảo cho bất cứ mục đích nào. Để tránh những tác dụng phụ không như ý muốn, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng để có lời khuyên tốt nhất. Việc dùng trường sinh thảo chữa bệnh không đúng liều lượng, cách dùng sẽ có thể gây ra những nguy hại đối với sức khỏe.
Trên đây là bài viết chia sẻ về “Cây trường sinh thảo là cây gì? Từ A đến Z về cây trường sinh thảo không phải ai cũng biết” Hy vọng, qua bài viết này, Emdep đã cung cấp cho các bạn các thông tin bổ ích về cây Trường Sinh Thảo. Chúc các bạn tìm thấy những thông tin tham khảo hữu ích!
MIN (Tổng hợp)