Vắc xin HPV là gì?
Vắc xin HPV là loại vắc xin giúp bảo vệ chống lại nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV). HPV là một nhóm gồm hơn 200 loại vi rút có liên quan, trong đó có hơn 40 loại lây lan qua quan hệ tình dục trực tiếp. Và trong số hơn 40 loại vi rút lây lan qua đường tình dục, có 2 loại HPV gây ra mụn cóc sinh dục và khoảng 10 loại HPV có thể gây ra một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, ung thư dương vật, ung thư âm hộ và ung thư âm đạo.
Tiêm vắc xin HPV là cách tốt nhất hiện nay giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhiễm virus HPV.
Vắc xin HPV là loại vắc xin giúp bảo vệ chống lại nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV)
Ai nên tiêm phòng HPV?
Bé gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi: Tiêm phòng HPV được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ từ 26 tuổi trở xuống chưa được tiêm phòng đầy đủ trước đó và có thể bắt đầu với bé gái từ 9 tuổi trở lên.
Phụ nữ từ 27 đến 45 tuổi: Mặc dù thuốc chủng ngừa HPV đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận để tiêm cho phụ nữ đến 45 tuổi, nhưng việc chủng ngừa HPV không được khuyến khích cho tất cả phụ nữ từ 27 đến 45 tuổi. Thay vào đó, nữ giới trong độ tuổi này nên tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về việc liệu tiêm phòng HPV có phù hợp với họ hay không. Tiêm phòng HPV trong độ tuổi này thường mang lại ít lợi ích hơn vì nhiều người đã tiếp xúc với vi rút.
Bé gái và người lớn từ 9 đến 26 tuổi là độ tuổi tốt nhất để tiêm phòng HPV
Ai không nên tiêm phòng HPV?
Người đang mang thai: Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên trì hoãn việc tiêm phòng HPV cho đến sau khi sinh. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy vắc xin HPV không gây ra vấn đề cho thai nhi ở các trường hợp phụ nữ tiêm HPV khi đang mang thai, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm. Để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai không nên tiêm bất kỳ liều vắc xin HPV nào cho đến sau khi sinh.
Người có bị dị ứng nghiêm trọng: Trường hợp đã có phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng với bất cứ thành phần nào của vắc xin HPV hoặc với liều vắc xin HPV trước đó, tốt nhất không nên tiêm HPV. Ngoài ra, nếu bạn từng bị bất kỳ dị ứng nghiêm trọng nào, bao gồm dị ứng với men hoặc mủ, tốt nhất nên tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm HPV.
Phụ nữ quan hệ rồi có tiêm HPV được không?
Đối với câu hỏi “quan hệ rồi có tiêm HPV được không” thì câu trả lời là “được”. Phụ nữ quan hệ rồi vẫn có thể tiêm HPV. Mặc dù thời điểm tốt nhất để tiêm HPV là trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là phụ nữ đã quan hệ tình dục không thể được hưởng lợi từ việc tiêm HPV.
Phụ nữ quan hệ rồi vẫn có thể tiêm phòng HPV
Thực tế, phụ nữ đã quan hệ rồi khi tiêm HPV vẫn có thể nhận được lợi ích bảo vệ khỏi virus HPV nhưng ít hơn so với phụ nữ tiêm HPV trước khi quan hệ. Điều này là do họ có thể đã tiếp xúc với một hoặc nhiều loại HPV mà vắc xin HPV nhắm đến. Tuy nhiên, rất ít phụ nữ đã quan hệ tình dục bị nhiễm tất cả các loại HPV do vắc xin phòng ngừa. Do đó, hầu hết phụ nữ đã quan hệ vẫn có thể được bảo vệ bằng cách tiêm vắc xin HPV.
Ít hơn ở đây có nghĩa là vắc xin HPV sẽ không thể bảo vệ phụ nữ đã quan hệ khỏi các loại HPV mà người đó đã nhiễm. Với các loại HPV chưa nhiễm, phụ nữ đã quan hệ vẫn có thể hưởng những lợi ích bảo vệ từ vắc xin HPV tương tự như phụ nữ chưa quan hệ.
Phụ nữ nhiễm HPV rồi có tiêm HPV được không?
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, không chỉ quan hệ rồi có tiêm HPV được không mà ngay cả khi nhiễm HPV bạn vẫn có thể tiêm HPV để bảo vệ bản thân. Thực tế rất hiếm để một người nhiễm hết các loại HPV, hầu hết các trường hợp nhiễm HPV hiện nay chỉ dừng lại ở việc nhiễm một số loại HPV nhất định. Và việc tiêm HPV ngay cả khi đã nhiễm HPV hoàn toàn có thể giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhiễm các loại HPV khác.
Phụ nữ nhiễm HPV rồi vẫn có thể tiêm HPV
Phụ nữ sinh con rồi có tiêm phòng HPV được không?
Tương tự như câu hỏi quan hệ rồi có tiêm HPV được không, ngay cả khi bạn đã sinh con rồi, bạn vẫn có thể tiêm phòng HPV. Điều bạn cần chú ý là không tiêm HPV khi mang thai. Sau khi sinh con và ngay cả khi đang cho con bú, bạn vẫn có thể tiêm HPV như bình thường mà không phải lo lắng vắc xin HPV sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa hay gây ra các ảnh hưởng khác đến sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ.
Đến đây chắc hẳn các bạn đã có lời đáp cho câu hỏi phụ nữ quan hệ rồi có tiêm HPV được không rồi phải không nào? Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết các bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về việc tiêm phòng HPV bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là việc tiêm HPV sau khi quan hệ, sau khi nhiễm HPV hay sau khi sinh con.
Bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt, bạn nhé!
Minh LT (Tổng hợp)