Giá trị dinh dưỡng của thịt cua
Tương tự như tôm thì cua là một trong những loài giáp xác với lớp vỏ cứng chứa nhiều protein. Thịt cua giàu dinh dưỡng và có thể chế biến nhiều món ngon nên khá được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, ăn cua cần chú ý một số vấn đề để không gây tác dụng phụ.
Ăn cua đúng cách giúp bạn bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Theo ước tính, 100g thịt cua có chứa khoảng 97 calo, bên cạnh đó còn có nhiều thành phần khác như sau:
– Chất đạm: 19,4 g
– Chất béo: 1,54 g
– Canxi: 59 mg
– Sắt: 0,76 mg
– Magie: 63 mg
– Phốt pho: 280 mg
– Kali: 262 mg
– Natri: 1070 mg
– Kẽm: 7,62 mg
– Selen: 40 g
– Vitamin C: 7,6 mg
– Thiamin: 0,053 mg
– Riboflavin: 0,005 mg
– Niacin: 1,34 mg
– Vitamin B6: 0,18 mg
– Folate: 51 g
Lợi ích của thịt cua có gì nổi bật?
Tốt cho hệ xương khớp
Thịt cua có chứa nhiều canxi và phốt pho, là 2 chất quan trọng cần thiết cho sự hình thành và duy trì sự khỏe mạnh của xương. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ hải sản hợp lý như tôm, cua sẽ giúp giảm nguy cơ thiếu hụt canxi.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Thành phần axit béo omega-3 trong thịt cua có tác dụng giảm lượng cholesterol có hại, ngăn ngừa bệnh tim mạch và một số bệnh mãn tính khác như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh tuyến giáp…
Cải thiện trí nhớ
Các chuyên gia sức khỏe còn khuyến cáo: Đưa thịt cua vào chế độ ăn uống lành mạnh cũng góp phần duy trì sự khỏe mạnh của não bộ, nâng cao khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người già.
Chống viêm và tốt cho mắt
Nghiên cứu cho thấy: Ăn cua đúng cách giúp bạn tiêu thụ axit béo không bão hòa đa trong thịt cua. Hợp chất này có tác dụng chống viêm tự nhiên, tăng cường thị lực. Vì vậy, bổ sung cua vào bữa ăn có thể ngăn ngừa chứng viêm khớp và một số bệnh tự miễn khác.
Kiểm soát cân nặng
Thực phẩm giàu axit béo omega-3 giống như cua còn có hiệu quả hạn chế sự thèm ăn. Nó giúp bạn có cảm giác mau no hơn nên giảm được lượng calo tiêu thụ vào. Ngoài ra, thịt cua cũng không chứa carbs nên càng thích hợp cho người ăn kiêng.
Ăn cua cần chú ý gì để không gây tác dụng phụ?
Mặc dù thịt cua giúp bổ sung nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe nhưng bạn cần ăn hợp lý để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất. Thịt cua có nhiều natri nên người mắc bệnh tim hoặc cao huyết áp cần hạn chế ăn.
Nếu bạn dị ứng với hải sản thì cần thận trọng khi ăn cua. Nếu không chắc chắn về tình trạng cơ thể mình, bạn chỉ nên ăn một lượng nhỏ cua và quan sát trong 3 ngày xem có bất kỳ triệu chứng bất thường nào không.
Chọn mua cua ở nơi đáng tin cậy để giảm nguy cơ các hóa chất được bơm vào. Bất kể bạn khỏe mạnh thế nào cũng không nên ăn quá nhiều cua trong thời gian liên tục. Tốt nhất mỗi tuần chỉ nên thưởng thức món cua khoảng 1 – 2 lần, kết hợp nhiều thực phẩm khác.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm thông tin để ăn cua đúng cách, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Thiên Khuê (Theo Style)