Vì sao cần bổ sung kẽm cho cơ thể?
Ăn gì bổ sung kẽm là một vấn đề đáng quan tâm. Bởi kẽm là chất dinh dưỡng thiết yếu, cần được cung cấp liên tục thông qua chế độ ăn uống vì cơ thể không tự sản xuất, lưu trữ.
Kẽm là khoáng chất quan trọng để cơ thể bạn sử dụng trong nhiều chức năng khác nhau. Nó cần thiết cho hoạt động của hơn 300 enzym để hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, chức năng thần kinh và sự phát triển tế bào miễn dịch…
Chính vì tầm quan trọng của kẽm mà bạn cần bổ sung chất này bằng chế độ ăn uống khoa học. Thậm chí trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thêm viên uống kẽm.
Lợi ích của kẽm đối với sức khỏe
Tăng cường chức năng miễn dịch
Kẽm có tác dụng kích thích các tế bào miễn dịch, giảm tỷ lệ oxi hóa, duy trì hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động tích cực và mạnh mẽ.
Ngoài ra, cơ thể được bổ sung kẽm đầy đủ cũng giảm nguy cơ mắc các chứng nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng cho người lớn tuổi.
Giảm viêm
Kẽm làm giảm mức độ oxi hóa các tế bào khỏe mạnh, góp phần ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm do viêm mãn tính như bệnh tim, ung thư…
Thúc đẩy làm lành vết thương
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp Collagen, giảm các phản ứng viêm nên có tác dụng giúp vết thương mau lành hơn.
Hỗ trợ điều trị mụn
Với chức năng giảm viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại và ngăn chặn hoạt động của tuyến nhờn, kẽm cũng thường được sử dụng như một chất hỗ trợ điều trị mụn trứng cá.
Giảm nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến tuổi tác
Theo nghiên cứu cho thấy, kẽm còn có tác dụng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác, điển hình như thoái hóa điểm vàng ở người già, nhiễm trùng, viêm phổi.
Ăn gì bổ sung kẽm?
Thực phẩm từ động thực vật giàu kẽm khá đa dạng, hoàn toàn có thể giúp bạn giải quyết vấn đề ăn gì bổ sung kẽm một cách hiệu quả.
Nguồn kẽm từ động vật
- Tôm, cua, hàu, trai
- Thịt bò, thịt heo, thịt cừu
- Thịt gà, thịt ngan
- Cá bơn, cá mòi, cá hồi
- Trứng
- Sữa bò, sữa chua, phô mai
Nguồn kẽm từ thực vật
- Đậu cove, đậu lăng, đậu đen, đậu Hà Lan
- Hạt điều, hạt bí ngô, hạt cây gai dầu
- Yến mạch, gạo lứt
- Nấm, cải xoăn, măng tây, củ cải đường
Người nào dễ bị thiếu kẽm?
Mặc dù ai cũng có thể bị thiếu kẽm, nhưng những đối tượng sau càng nên chú ý bổ sung dinh dưỡng hơn.
- Người bị bệnh đường tiêu hóa như bệnh Crohn
- Người ăn chay hoặc chay trường
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Trẻ lớn bú mẹ hoàn toàn
- Những người bị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Những người bị suy dinh dưỡng, bao gồm cả những người mắc chứng biếng ăn hoặc ăn vô độ
- Người bị bệnh thận mãn tính
- Người lạm dụng rượu
Các triệu chứng của thiếu kẽm nhẹ bao gồm tiêu chảy, giảm khả năng miễn dịch, tóc mỏng do gãy rụng, giảm cảm giác thèm ăn, rối loạn tinh thần, da khô, các vấn đề về khả năng sinh sản và khó chữa lành vết thương…
Khi cảm thấy cơ thể có nguy cơ thiếu chất, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra tổng quát và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn giải đáp băn khoăn về việc ăn gì bổ sung kẽm, đồng thời có chế độ sinh hoạt khoa học hơn để luôn khỏe mạnh.
Thiên Khuê (Theo Health)