Ăn vặt là khi ăn hoặc dùng đồ uống giữa các bữa ăn chính thông thường hằng ngày, thực phẩm ăn vặt thường được chế biến sẵn, có hàm lượng calo cao, như khoai tây chiên, bánh quy, các loại hạt khô…
Ảnh minh họa
Ăn vặt nhiều sẽ ảnh hưởng đến cân nặng vì khi ăn có thể giúp giảm cảm giác đói bụng tức thời nhưng không gây no tới mức khiến người ăn vặt giảm ăn ở bữa chính. Mặt khác, ăn vặt cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong m.áu.
Nghiên cứu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 của các bác sĩ dinh dưỡng cho thấy, nếu ăn hai bữa chính mỗi ngày sẽ giúp cho lượng đường trong m.áu thấp hơn, độ nhạy đối với nội tiết tố insulin tốt hơn và có thể giảm cân nhiều hơn so với việc ăn vặt giữa các bữa chính mỗi ngày.
Thực tế cũng cho thấy, đồ ăn vặt có hàm lượng chất xơ thấp, trong khi đó đồ ăn có chất xơ cao hơn được chứng minh là có tác dụng với việc ổn định lượng đường trong m.áu ở những người bị mắc bệnh và không mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, với những người thường xuyên phải di chuyển, lao động vất vả, không có điều kiện để thường xuyên ăn các bữa đủ chất thì có thể áp dụng cách ăn vặt lành mạnh để tăng thêm lượng calo cho cơ thể. Nên ăn loại đồ ăn nhẹ với lượng phù hợp, cần thay đổi căn cứ trên mức độ hoạt động và số lượng của bữa ăn, nếu sinh hoạt hay làm việc năng động có thể ăn vặt hai lần mỗi ngày, trái lại người ít vận động có thể dùng chỉ một bữa ăn vặt hoặc thậm chí không ăn vặt.
Có nhiều loại đồ ăn vặt khác nhau, nhưng việc lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh vẫn là điều quan trọng nhất. Theo đó, để có bữa ăn vặt tốt, bao gồm cả protein và chất xơ chúng ta có thể ăn phô mai que, trứng luộc, sa lát dưa chuột – cà chua, trái cây, hạt hướng dương… giúp làm giảm cơn đói bụng, tăng vitamin cho cơ thể.
Thức ăn đường phố: Tiện nhưng không lợi
Mua thức ăn đường phố là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Dẫu biết thực phẩm đường phố có nhiều nguy cơ, song vì sự tiện dụng mà nhiều người vẫn vô tư sử dụng.
Thức ăn đường phố thường tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguy cơ nhiễm nhiều loại bệnh
Thức ăn đường phố hiện được bán ở khắp nơi, từ trong ngõ ngách đến các đường phố, từ cổng trường học đến bến xe, chợ…, được bán từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya. Người lao động, học sinh, sinh viên, “dân” công sở dễ dàng lựa chọn các loại thức ăn và món ăn vặt khoái khẩu dù đã được cảnh báo là có thể không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Nếu ai đã từng thử qua thức ăn đường phố, chắc chắn sẽ không xa lạ với hình ảnh chủ quán dùng một xô nước để rửa cả đống bát, đĩa, chén. Nhiều quán cơm “di động” gần các bệnh viện, trường học đựng thức ăn trong những chiếc hộp nhựa kê tạm bợ trên các viên gạch dưới đất, gốc cây, chân tường mà không được che đậy.
Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy sự mất vệ sinh từ những quán cơm bụi di động này. Đó là còn chưa kể đến xuất xứ của các loại thức ăn đường phố được bày bán tràn lan, với các phụ gia thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP. Tuy nhiên, do giá rẻ nên những quán vỉa hè này vẫn rất đông người mua.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, mỗi năm cả nước xảy ra trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó, đa số là do sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại. Các loại vi khuẩn như E.coli, tả, thương hàn… lưu hành, tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau và thức ăn đường phố được coi là những ổ vi khuẩn nguy hiểm nhất.
PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho hay: “Người bán thức ăn đường phố thường thiếu kiến thức về VSATTP. Họ mua những thực phẩm có giá rẻ, còn tồn dư hóa chất độc hại, nấm mốc về rồi chế biến. Không ít người sử dụng nội tạng thối, khoai tây mọc mầm, gạo mốc, dùng hóa chất phẩm màu phù phép để chế biến rồi đem bán”.
Khi ăn phải những loại thực phẩm này, người tiêu dùng có nguy cơ mắc ung thư gan, do khoai tây khi mọc mầm thì tinh bột chuyển hóa thành solanine và chaconine-alpha, gây ngộ độc cho người dùng. Đậu phộng mốc và gạo mốc có chứa aflatoxin, có thể gây ung thư. Ngoài ra, người bán thực phẩm đường phố hay dùng các túi nilon, hộp nhựa tái chế từ rác thải để đựng thức ăn, vô tình gây hại cho người dùng.
Theo bác sĩ Đình Văn Huy, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các quán ăn đường phố thường thiếu nước sạch để rửa bát. Nếu ăn phải bát của người ăn bị nhiễm siêu vi A mà người bán chỉ rửa qua loa, chúng ta cũng có thể bị lây bệnh này.
Thức ăn đường phố không được bảo quản ở nhiệt độ cần thiết nên vi khuẩn E.coli có thể xâm nhập vào thức ăn, gây ngộ độc, tiêu chảy cho người dùng. Sử dụng thức ăn đường phố, người dùng có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) và bệnh lây qua đường hô hấp từ người bán. Ngoài ra, do thức ăn bán ở vỉa hè thường không được làm sạch và chế biến kỹ lưỡng nên người sử dụng có nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh, như sán làm tổ trong ruột, não.
Thay đổi thói quen
Để kiểm soát chất lượng thức ăn đường phố, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết: Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, việc xử phạt không dễ dàng, bởi lẽ, người kinh doanh có tư tưởng đối phó, khi có lực lượng kiểm tra thì thực hiện nghiêm nhưng lực lượng chức năng rời đi là lại vi phạm. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách nhiệm vụ bảo đảm VSATTP còn mỏng.
Thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức về VSATTP, không nên chọn quán ăn vỉa hè, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý về các quán ăn không tuân thủ điều kiện bảo đảm VSATTP.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) đưa ra lời khuyên: Người dân nên mua thức ăn chế biến sẵn ở địa chỉ tin cậy, nơi người kinh doanh thức ăn thực hiện đầy đủ các quy định về VSATTP. Đối với hàng rong, nên chọn mua thức ăn của người có đủ dụng cụ chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống bảo đảm vệ sinh.