Bạn đã biết cách thiết kế đèn phòng bếp “chuẩn chỉnh” chưa?

Thiết kế đèn phòng bếp ngày nay không còn đơn điệu như trước đây mà đòi hỏi cầu kỳ và tinh tế hơn. Không chỉ đảm bảo chức năng và tính thẩm mỹ, đèn bếp còn phải tạo được cảm giác ấm cúng, gần gũi, giúp bữa ăn trở nên ngon miệng hơn. Để chọn số lượng đèn, chủng loại, vị trí lắp đặt sao cho đẹp và tiện dụng, bạn cần nắm được một số nguyên tắc cơ bản.

Trong nhịp sống hối hả của thời hiện đại, phòng bếp ăn ngày càng trở nên quan trọng đối với mỗi gia đình. Đây là nơi các thành viên quây quần dùng bữa, chuyện trò sau một ngày làm việc/học tập vất vả. Do đó, việc bài trí bếp bao gồm cả thiết kế đèn phòng bếp được các gia chủ quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết.

Khi đề cập tới ánh sáng cho không gian bếp, ánh sáng tự nhiên cần được tận dụng tối đa bởi nó có lợi cho sức khỏe và góp phần giúp căn phòng luôn khô thoáng, sạch sẽ. Thế nhưng, không phải tất cả phòng bếp đều có thể mở cửa sổ. Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, quỹ đất ngày càng thu hẹp, nhà ống và căn hộ chung cư là lựa chọn phổ biến của các gia đình Việt Nam. Những thiết kế này thường có phòng bếp chật chội, thiếu sáng cũng như sự thoáng đãng cần thiết. Do đó, yêu cầu tất yếu đặt ra là phải tìm giải pháp chiếu sáng nhân tạo hợp lý cho gian bếp.

Những nguyên tắc thiết kế đèn phòng bếp cơ bản dưới đây hẳn sẽ rất hữu ích khi bạn đang muốn tìm hiểu, lên kế hoạch sắp xếp, bài trí không gian chức năng này.

Xác định đầy đủ chức năng của phòng bếp

Trước khi mua thiết bị chiếu sáng, cần xác định xem, ngoài chức năng nấu nướng đơn thuần, bạn còn sử dụng phòng bếp cho những mục đích nào khác. Theo lối thiết kế phổ biến hiện nay, bàn ăn thường được đặt luôn trong bếp, vì thế không gian này sẽ kiêm luôn chức năng phòng ăn. Do đó, chiếu sáng phòng bếp cần phải tạo cảm giác ấm cúng, thư giãn nhất. Mặt khác, bà nội trợ có thể ngồi trong bếp để đọc sách hướng dẫn nấu ăn, tính toán hóa đơn nên đèn chiếu sáng phải linh hoạt và đủ sáng để có thể đọc, viết.

Cùng với đó, bạn cũng nên phác thảo sơ qua những khu vực sẽ hoạt động trong bếp gồm đảo bếp, mặt bàn chế biến thực phẩm, bàn ăn… để tính toán cụ thể mỗi khu vực cần loại ánh sáng nào, là ánh sáng bao quát hay ánh sáng tập trung hay ánh sáng trang trí. Lưu ý thêm, ngay trong giai đoạn thiết kế bếp, bạn cần lên luôn kế hoạch lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng vì việc thay đổi, dịch chuyển đèn sau khi đã lắp đặt mọi thứ trong bếp xong xuôi có thể rất phức tạp và phát sinh thêm chi phí ngoài dự kiến. 

Thiết kế đèn phòng bếp ngày càng được nhiều gia chủ chú trọng.

Kích thước đèn phù hợp với diện tích phòng

Kích thước đèn phù hợp với diện tích phòng ăn sẽ giúp không gian trở nên cân đối, đồng thời tạo sự thuận tiện cho người sử dụng. Với bếp nhỏ, nên tránh dùng những chiếc đèn quá lớn, có quá nhiều chi tiết rườm rà bởi chúng sẽ che khuất tầm nhìn, tạo cảm giác vướng víu. Phòng bếp là không gian luôn cần sự thoáng đãng nên việc lựa chọn đèn có kích thước vừa phải mà vẫn đảm bảo chất lượng chiếu sáng là điều cần thiết.

Hài hòa với phong cách thiết kế bếp

Để chọn được đèn chiếu sáng có kiểu dáng và màu sắc phù hợp, bạn cần căn cứ vào phong cách thiết kế bếp. Đèn cho phòng bếp phong cách cổ điển không giống với bếp phong cách công nghiệp hay đương đại. Chỉ khi các món đồ nội thất kết hợp hài hòa với nhau mới tạo nên không gian tổng thể đẹp mắt. Điều này còn góp phần khơi gợi, giúp người nội trợ có thêm cảm hứng nấu nướng, sáng tạo những món ăn ngon cho gia đình mình.

Nắm rõ tiêu chuẩn chiếu sáng phòng bếp

Khi thiết kế đèn phòng bếp, bạn cần quan tâm tới các tiêu chí chiếu sáng cơ bản, cụ thể như sau:

Độ rọi chiếu sáng

Độ rọi là đơn vị thể hiện mật độ năng lượng ánh sáng tính trên đơn vị diện tích m2. Độ rọi không gian trong nhà sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thị giác. Do đó, độ rọi chiếu sáng cần được đảm bảo để tránh gây ra trạng thái stress cho thị giác. Mỗi khu vực chức năng trong nhà sẽ có mức tiêu chuẩn độ rọi khác nhau. Cụ thể, với phòng bếp ăn, độ rọi yêu cầu là >= 500 LUX nhằm đảm bảo sự thoải mái, tốt cho thị giác của người dùng.

Chỉ số hoàn màu chiếu sáng

Đây là chỉ số thể hiện độ trung thực của màu sắc. Thang đo chỉ số hoàn màu là từ 1-100. Chỉ số hoàn màu càng cao càng chứng minh được sự chân thực của sự vật được ánh sáng đèn chiếu đến. Chỉ số hoàn màu của các phòng chức năng trong nhà giống nhau, đều phải đảm bảo Ra >= 80.

Màu sắc ánh sáng

Lựa chọn màu sắc ánh sáng không chỉ giúp làm nổi bật không gian được chiếu sáng mà còn tạo cảm giác thoải mái cho người dùng. Có 4 yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn màu sắc ánh sáng đèn phòng bếp:

Đèn thả ánh sáng vàng êm dịu tạo cảm giác ấm cúng, lãng mạn cho không gian ăn uống.
  • Màu sơn tường: Ánh sáng trắng sẽ giúp giữ nguyên màu sắc của sơn tường. Trong khi đó, ánh sáng vàng sẽ khiến cho màu sơn tường vàng trở nên nhạt hơn hoặc màu xanh lá thì sẽ bị xỉn màu đi. Ánh sáng xanh sẽ khiến màu sơn tường chuyển sang màu tông lạnh.

  • Tùy từng khu vực chức năng: Từng khu vực khác nhau trong phòng bếp sẽ có yêu cầu chiếu sáng khác nhau nên cần chọn màu sắc ánh sáng đèn khác nhau. Chẳng hạn, đèn ánh sáng trắng lạnh phù hợp với khu vực nấu nướng bởi đây là công việc cần độ chính xác cao về mặt hình ảnh, màu sắc thực phẩm. Với bàn ăn, bạn nên sử dụng đèn thả sợi đốt ánh sáng vàng để tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi.

  • Phong cách nội thất phòng bếp: Nếu gian bếp được thiết kế theo phong cách hiện đại, hãy sử dụng ánh sáng màu trắng chủ đạo; trong khi ánh sáng vàng ấm áp là lựa chọn lý tưởng cho phong cách cổ điển sang trọng. 

  • Sở thích gia chủ: Chủ nhà có thể lựa chọn màu sắc ánh sáng phòng bếp theo sở thích cá nhân, tuy nhiên cần đảm bảo độ chiếu sáng phù hợp và hài hòa với không gian tổng thể.

Mật độ công suất (w/m2)
 
Mật độ công suất sử dụng để đáp ứng tiêu chuẩn chiếu sáng trong nhà về nhu cầu sử dụng năng lượng có hiệu quả. Nếu sử dụng đèn công suất quá cao so với nhu cầu sẽ gây tốn điện, ngược lại sử dụng công suất thấp so với nhu cầu sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu ánh sáng. Đối với phòng bếp, mật độ công suất đèn là <=13.

Như vậy, khi thiết kế đèn phòng bếp, cần có sự kết hợp hài hòa giữa tiêu chuẩn độ rọi chiếu sáng; tiêu chuẩn chỉ số hoàn màu; màu sắc ánh sáng và mật độ công suất đèn. 

Các phương thức chiếu sáng phòng bếp

Thông thường, hệ thống chiếu sáng trong phòng bếp được phân thành 3 loại:

Ánh sáng tổng thể

Đây là phương thức chiếu sáng thông dụng nhất, thường dùng cho toàn bộ phòng bếp với độ rọi trong khu vực chiếu sáng có độ đồng đều cao. Nhiệt độ màu của ánh sáng đèn nên nằm ở mức 5500K trở xuống tới 4000K, không nên dùng đèn 6500K. Nguồn sáng lớn này lan tỏa khắp căn phòng, đồng thời chịu trách nhiệm chính cho việc cảm nhận hình khối, màu sắc, chất liệu của người dùng. Đèn chiếu sáng tổng thể phổ biến cho trong phòng bếp là đèn downlight, thường được lắp đặt vào các lỗ trên trần nhà, có thể lắp nổi hoặc âm trần.

Ánh sáng chức năng

Để giúp việc sơ chế thực phẩm, nấu nướng trở nên dễ dàng và nhanh gọn hơn, ánh sáng chức năng cho từng khu vực trong phòng bếp rất quan trọng. Đó có thể là đèn hắt tủ bếp trên, đèn thả bàn ăn hoặc đảo bếp. Ánh sáng chức năng thường sẽ ở nhiệt độ màu tương đương hoặc thấp hơn ánh sáng môi trường tùy vào nhu cầu của khu vực. 

Tùy sở thích, gia chủ có thể chọn màu sắc ánh sáng chức năng cho khu bếp. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên hạn chế sử dụng ánh sáng vàng ấm (nhiệt độ màu nhỏ hơn 3300K) và tăng cường dùng đèn trung tính (nhiệt độ màu từ 3300-5300K) nếu muốn hình ảnh các món ăn, sự vật trong bếp được “thật” nhất. 

Ánh sáng nhấn

Thông thường, ánh sáng nhấn được dùng ở nhiệt độ màu từ 3500K-4000K. Đèn nhấn chỉ có tác dụng chiếu sáng chính nó hoặc chiếu sáng đồ vật cụ thể như tranh treo tường, tượng điêu khắc, gạch ốp,… Ánh sáng nhấn phòng bếp gồm đèn hắt trần, đèn hắt chân tủ bếp dưới/đảo bếp và một số loại đèn trần, đèn tường.

Tác dụng chính của ánh sáng nhấn là trang trí, làm đẹp không gian phòng bếp. Nếu bạn muốn tăng thêm sự lãng mạn, nhẹ nhàng cho căn phòng thì có thể cân nhắc sử dụng các loại đèn thả trần với ánh sáng vàng dịu nhẹ, tạo cảm giác ấm cúng hơn khi dùng bữa.

Loại đèn nào phù hợp nhất với phòng bếp?

Hiện nay có 3 loại đèn chiếu sáng phổ biến là đèn sợi đốt, huỳnh quang và đèn LED, mỗi loại có những đặc trưng riêng. Trong đó, đèn sợi đốt thông thường (halogen) có màu ấm, tỏa nhiệt lớn, tuổi thọ thấp. Đèn huỳnh quang có ánh sáng mát, ít tỏa nhiệt, tuổi thọ cao, được sử dụng phổ biến hơn. Đèn LED đa dạng về màu sắc lẫn kiểu dáng, tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ vượt trội, phù hợp với nhiều không gian và có tính trang trí cao.

Phòng bếp là không gian sum họp của gia đình nên đèn chiếu sáng phải tạo được cảm giác ấm cúng, ánh sáng dịu nhẹ không gây chói mắt. Trong 3 loại đèn nêu trên thì đèn LED với ánh sáng vàng hoặc trắng được sử dụng phổ biến nhất cho không gian nấu nướng. 

Những vị trí nào cần được chiếu sáng?

Dưới đây là những vị trí trong phòng bếp cần được lắp đặt đèn chiếu sáng:

Trần phòng bếp

Đèn khu vực trần phòng bếp cung cấp ánh sáng chung tổng quát cho toàn bộ căn phòng. Hiện nay, các gia đình có xu hướng sử dụng đèn LED âm trần bởi chất lượng ánh sáng tốt, tiết kiệm điện năng, an toàn và thân thiện với môi trường hơn so với đèn halogen (loại bóng đèn sợi đốt). Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung thêm đèn hắt trần để bổ trợ cho đèn LED âm trần và tạo điểm nhấn sinh động cho gian bếp. 

Hai chiếc đèn LED ốp trần hình vuông với kích thước lớn được lắp song song với nhau để cung cấp ánh sáng tổng thể cho phòng bếp.

Khu vực bếp nấu

Khu vực này đòi hỏi được chiếu sáng vừa đủ để có thể nấu nướng và làm sạch thực phẩm, bát đĩa… một cách thuận lợi mà không gây hại cho mắt. Theo đó, đèn LED sẽ được lắp đặt dưới kệ tủ bếp trên cùng máy khử mùi để chiếu trực tiếp từ trên xuống bếp nấu. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả chiếu sáng cao nhất, việc bố trí đèn LED phải thật tỉ mỉ và nên chia thành các khu nhỏ tương ứng chức năng cụ thể như sau: 

Các loại đèn bổ trợ ánh sáng tại khu vực bồn rửa bát, máy hút mùi sẽ giúp công việc nấu nướng của bạn thuận tiện hơn.
  • Khu vực chuẩn bị thức ăn (tủ lạnh, bàn sơ chế, chậu rửa): Bạn nên chọn loại đèn LED cảm ứng bật tắt bằng cách nhận biết chuyển động của bàn tay, dễ dàng sử dụng ngay cả khi cả hai tay đang còn bận hoặc tay ướt… 

  • Khu vực nấu nướng: Có thể dùng chính ánh sáng từ các thiết bị ở khu vực này như đèn chiếu sáng của máy hút mùi, đèn bên trong lò nướng, lò vi sóng…

  • Khu vực sơ chế, thành phẩm: Khu sơ chế thực phẩm cần ánh sáng trắng hoặc trung tính, trong khi khu để thành phẩm chuộng ánh sáng vàng êm dịu để các món ăn trông đẹp mắt hơn, giúp kích thích vị giác hiệu quả.

Đảo bếp

Để có thể lựa chọn phương thức chiếu sáng phù hợp, bạn cần xác định mục đích sử dụng của đảo bếp. Nều đảo bếp được dùng để chuẩn bị thức ăn kết hợp bàn ăn, góc làm việc tại nhà thì đèn treo, đèn trần downlight là lựa chọn phù hợp, đảm bảo chiếu sáng đầy đủ. Trong khi đó, nếu đảo bếp chỉ sử dụng như một quầy bar nhỏ đơn thuần, bạn hãy chọn đèn thả trần ánh sáng vàng êm dịu. Với đèn thả trần, gia chủ lưu ý một số vấn đề sau: 

Bộ ba đèn thả bàn đảo tạo điểm nhấn hút mắt cho phòng bếp.
  • Số lượng, kích thước đèn: Tùy thuộc vào kích thước đảo bếp. Thông thường, bộ ba đèn thả được sử dụng phổ biến nhất. Với đảo bếp dài từ 0,5-1m, bạn nên chọn đèn có đường kính 15cm. Nếu đảo bếp lớn hơn, hãy cân nhắc bộ ba đèn thả với đường kính mỗi đèn khoảng 25-30cm. Cũng có thể chọn đèn thả dài hoặc treo một cụm nhiều đèn thả nhỏ đặt gần nhau để tạo điểm nhấn ấn tượng. 

  • Khoảng cách từ đèn thả tới bề mặt đảo bếp: Nên đảm bảo khoảng cách từ chao đèn đến bề mặt đảo bếp từ 80cm đến 1m. Đèn phải đặt đủ xa để không cản trở tầm nhìn, không chiếu trực tiếp vào mắt khi đang làm việc hoặc gây nguy hiểm cho người có chiều cao vượt trội. 

  • Cách lắp đặt: Có nhiều cách để lắp đặt đèn thả trên đảo bếp. Nếu chỉ treo 1 đèn thả đơn lẻ, hãy đặt nó ngay phía trên điểm trung tâm của đảo. Với 2-3 đèn thả, hãy chia hòn đảo làm 2-3 phần, sau đó căn đèn thả ở giữa trên mỗi phần của nó. Tuy nhiên, bạn có thể treo đèn theo cách của riêng mình như treo thả bất đối xứng về một bên của đảo hoặc tạo ra một vòng tròn ánh sáng ở trung tâm… miễn sao hài hòa với tổng thể.

Bàn ăn

Nếu phòng bếp tích hợp không gian ăn uống, bạn cần lựa chọn đèn chiếu sáng cho khu vực này. Hiện nay, đèn thả đang được ưa chuộng nhất bởi những ưu điểm như kiểu dáng phong phú, chất liệu đa dạng và đặc biệt mang đến nguồn sáng chuẩn để bữa ăn thêm ấm cúng, tăng độ hấp dẫn của món ăn, tạo cảm giác ngon miệng hơn. Mặt khác, đèn thả không chiếm nhiều diện tích, lại treo ở độ cao hợp lý nên thuận tiện cho việc vệ sinh, bảo trì. Thường thì mọi người sẽ chọn 3-5 đèn thả và chiều cao treo đèn khoảng 70-80cm tính từ chao đèn xuống phía mặt bàn.

Nên dựa vào hình dáng và kích thước của bàn ăn để lựa chọn mẫu đèn trang trí phù hợp. Với bàn hình tròn, bạn nên ưu tiên đèn hình tròn, hình lục giác hoặc hình bát úp. Trong khi đó, nếu là bàn hình vuông hoặc chữ nhật thì bạn hãy chọn đèn hình vuông, hình bầu dục hoặc những chiếc đèn được xếp theo kiểu đối xứng. Riêng với bàn ăn nhỏ, chúng ta nên chọn một chiếc đèn thả có kích thước lớn một chút. Đèn trang trí kép là lựa chọn phù hợp với bàn ăn dáng dài.

>> Xem thêm: Tuyệt chiêu chọn bàn ăn từ “A đến Z”

Góc ăn uống ấn tượng hơn nhiều với sự góp mặt của chiếc đèn thả làm từ chất liệu mây tre đan mộc mạc.

Phía trên và phía dưới tủ bếp treo

Đèn trần thường để lại bóng phía dưới tủ bếp treo tường. Trong khi đó, hầu hết các thao tác nấu nướng đều được thực hiện tại phần mặt bàn bếp bên dưới các tủ treo. Do đó, bạn cần bố trí đèn chiếu sáng cho khu vực này bằng đèn LED là tốt nhất. Nguyên tắc cơ bản khi lắp đặt đèn dưới tủ bếp là phải đảm bảo an toàn điện. Do đó, hãy chọn thiết bị điện có khả năng chống nước, chống thấm nước, đồng thời dây điện cũng cần được “niêm phong” hoặc đi âm để tránh tiếp xúc với nước.

Lắp đèn phía trên tủ bếp treo là xu hướng thiết kế đèn phòng bếp khá mới và đang dần trở nên phổ biến. Cách lắp đèn này giúp ánh sáng lan tỏa trên diện rộng, tạo cảm giác thoáng rộng và sang trọng hơn cho không gian nấu nướng.

Lắp đèn chiếu sáng phía dưới tủ bếp treo giúp người nội trợ thao tác dễ dàng hơn.

Bên trong tủ bếp

Loại ánh sáng này không chỉ giúp bạn dễ dàng tìm thấy món đồ cần dùng mà còn làm nổi bật bất kỳ đồ vật nào trong tủ. Bạn có thể lựa chọn chiếu sáng toàn bộ không gian bên trong tủ bếp hoặc chiếu sáng điểm nhấn tại một số vị trí bằng đèn chiếu điểm với chùm sáng tập trung. Với đèn lắp bên trong tủ bếp, hiện các gia đình thường chọn dòng đèn LED tự động cảm ứng bằng điện, mỗi khi đóng mở cửa là đèn sẽ tự bật/tắt mà không cần đến thao tác của con người. 

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng đèn LED cỡ nhỏ, đèn trang trí nghệ thuật để chiếu sáng một số vị trí như vách, hốc tường, kệ trang trí, tranh nghệ thuật, mảng tường ốp gạch… để giúp các góc trong bếp không bị tối, khuất tầm nhìn và tạo điểm nhấn ấn tượng. Nên bổ sung thêm các dụng cụ điều chỉnh độ sáng của đèn phòng bếp bởi nó không chỉ cho phép bạn dễ dàng thay đổi độ sáng tối mà còn là cách để tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ.

Đèn chiếu sáng bên trong tủ bếp giúp bạn dễ dàng tìm thấy món đồ cần dùng.

Thuận Yến

>> Mẹo chọn đèn trang trí nội thất làm đẹp không gian sống

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/04/16/ban-da-biet-cach-thiet-ke-den-phong-bep-chuan-chinh-chua

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *