Ngày 31/10, bác sĩ Trình Minh Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) cho biết, lần đầu tiên tại Bệnh viện thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho 2 bệnh nhân.
Đây là kỹ thuật mới được các bác sĩ thực hiện dưới sự hỗ trợ của ê-kíp phẫu thuật đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhóm bác sĩ thực hiện phẫu thuật.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Em (sinh năm 1965, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) nhập viện ngày 24/10 trong tình trạng nhịp tim chậm 48 lần/phút, được chẩn đoán Block AV độ III, tăng huyết áp, đã đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để đảm bảo nhịp tim ổn định nhằm ngăn đột tử. Bệnh nhân thứ hai là Huỳnh Thị Màng (sinh năm 1954, ở xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre) nhập viện ngày 29/10 trong tình trạng chóng mặt, nặng ngực, được chẩn đoán hội chứng suy nút xoang, chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Bác sĩ Kiều Ngọc Dũng, Phó Trưởng Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu có bước chuẩn bị và chăm sóc bệnh nhân rất tốt. Mọi hoạt động trong quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh và thuận lợi.
Theo bác sĩ Kiều Ngọc Dũng, tai biến sau khi đặt máy tạo nhịp trên thế giới rất ít, chỉ khoảng 1%. Các tai biến hầu hết liên quan kỹ thuật và vô trùng. Do đó, khi thực hiện thủ thuật trên bệnh nhân đòi hỏi kỹ thuật có tính vô trùng cao để giảm tai biến, đạt mức độ an toàn cao nhất cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trình Minh Hiệp cho hay, rối loạn nhịp tim chậm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột tử, đột quỵ nghiêm trọng. Việc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu có thể thực hiện kỹ thuật trên giúp rút ngắn thời gian chờ điều trị của bệnh nhân, giảm số lượng bệnh nhân bị đột tử, đột quỵ do rối loạn nhịp tim chậm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tiếp nhận từ 5.000 – 6.000 bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch; trong đó 700 – 900 ca cần can thiệp sâu về bệnh tim mạch. Với việc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu được chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, bệnh nhân trong tỉnh và khu vực lân cận sẽ giảm được chi phí rất lớn khi đi điều trị tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và giúp giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên.
Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một kỹ thuật trong Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp, được Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu thực hiện giai đoạn năm 2016-2020 do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao. Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu có hai ê-kíp được đào tạo về điều trị bệnh lý rối loạn nhịp, trong đó có kỹ thuật đặt máy tạo nhịp và can thiệp mạch: chụp mạch vành nong mạch vành, stent.
Tin, ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Theo TTXVN
Hai ôtô tông nhau rơi xuống cầu Hàm Luông
Tông nhau trên cầu Hàm Luông, ôtô 7 chỗ và xe cần cẩu cùng rơi xuống kênh nước. Cảnh sát được huy động đến giải cứu những người mắc kẹt trong xe.
Vụ tai nạn xảy ra trưa 27/6, tại dốc cầu Hàm Luông, hướng từ TP Bến Tre đi huyện Mỏ Cày Bắc.
Hai phương tiện va chạm gồm xe cần cẩu biển số Bến Tre do tài xế Nguyễn Phước Lộc (30 t.uổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) điều khiển và ôtô 7 chỗ lúc này cùng di chuyển trên cầu Hàm Luông.
Hai ôtô rơi từ xuống chân cầu sau va chạm. Ảnh: Anh Minh.
Tai nạn khiến hai ôtô va vào thành cầu rồi cùng rơi xuống kênh nước phía dưới từ độ cao khoảng 10 m.
Tài xế xe cần cẩu bị thương, tự chui ra ngoài. Còn ôtô 7 chỗ nằm dưới mương nước, bên trong có 4 người. Người dân tìm cách giải cứu nhóm người kẹt trong ôtô nhưng không thành công.
Cảnh sát đưa nạn nhân đến bệnh viện. Ảnh: Anh Minh.
Lực lượng chức năng sau đó đã dùng xe cần cẩu đưa ôtô này lên bờ.
Cơ quan chức năng xác nhận một người trong xe 4 chỗ bị xây xước nhẹ. Ba người mắc kẹt còn lại được cảnh sát đưa ra ngoài trong tình trạng tím tái, có người đã ngưng thở.
Ôtô 7 chỗ bị biến dạng hoàn toàn. Ảnh: Anh Minh.
Bác sĩ Trình Minh Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, cho biết nơi đây tiếp nhận 4 nạn nhân trong vụ tai nạn.
Trong số này, tài xế xe cầu cẩu bị thương ở tay phải. Một người trong xe 4 chỗ t.ử v.ong trước khi nhập viện.
Một người khác nhập viện khi đã ngưng thở. Sau khi được hồi sức tích cực, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại nhưng còn nguy kịch. Người còn lại bị chấn thương phần mềm.
Cầu Hàm Luông (chấm đỏ), nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Google Maps.
Theo Zing.vn