Bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM: Tôi tưởng mình bị cảm cúm thông thường

Trước đây, anh C. thường hay bị cảm cúm và tự mua thuốc uống, nghỉ ngơi 2-3 ngày là hết. Lần này, bị đau đầu, sốt, sổ mũi anh nghĩ mình cũng bị vậy nên không đi khám.

Tưởng mình bị cảm cúm thông thường

Anh T.M.C. (sinh năm 1996), cư trú ở phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM đang làm tại một công ty chuyên về âm nhạc và là giáo viên dạy nhạc vào buổi tối tại các trung tâm. Anh C. là một trong những F0 khỏi bệnh trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP.HCM. Sau khi trở về nhà, anh tiếp tục tự cách ly thêm 14 ngày. Đến nay, anh đã hoàn thành tự cách ly và có các kết quả xét nghiệm nCoV lại âm tính.

“ Sức khỏe tôi bây giờ bình thường. Tuy nhiên, tôi vẫn mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Tôi cũng tiếp tục xúc nước muối ngày ba lần, ăn uống đầy đủ, tập thể dục đều đặn để tự bảo vệ sức khỏe cho mình”, anh C. chia sẻ với VietNamNet.

Anh C. là thành viên của nhóm truyền giáo Phục Hưng được gần 4 năm. Cuối tháng 5, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp ở quận Gò Vấp, điển hình là ổ dịch liên quan đến nhóm truyền giáo. Anh C. bắt đầu có biểu hiện mệt, sốt, ngứa họng từ ngày 18/5.

Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh: Tú Anh.

“Tối 19/5, đang nằm ngủ, tự nhiên tôi bị đau đầu, chóng mặt. Tôi cố gượng dậy uống một viên thuốc hạ sốt thì thấy đỡ mệt hơn một chút. Sáng hôm sau, tôi vẫn thấy mệt nên xin nghỉ làm. Tôi tự chăm sóc mình, mua thuốc uống, không đi khám. Những lần trước, tôi cũng thường bị vậy nên lần nay tôi nghĩ, chắc mình làm việc kiệt sức hoặc bị cảm cúm thông thường, gắng uống thuốc, ăn uống 2-3 ngày là khỏe”, anh C. kể.

Khi thấy người khỏe lại, anh C. đi làm, đến điểm sinh hoạt nhóm truyền giáo cùng các thành viên khác. “Lúc đó, hầu hết thành viên của nhóm đều có triệu chứng như tôi. Tuy nhiên, chúng tôi không ai nghĩ mình nhiễm bệnh”, C. chia sẻ.

Tối 26/5, có ba thành viên của nhóm đi khám ở bệnh viện do có biểu hiện ho sốt đã có kết quả test nhanh dương tính với nCoV. Các mẫu xét nghiệm của họ sau đó có kết quả khẳng định. Từ ba người, ngành y tế TP tiến hành truy vết và phát hiện thêm nhiều thành viên của nhóm nhiễm bệnh. Ổ dịch này lan ra 21/22 quận huyện và TP Thủ Đức, lây cho nhiều người và nhiều chuỗi lây nhiễm ở khu dân cư, trường học, văn phòng công ty…

Anh C. có kết quả dương tính với nCoV ngày 27/5 và được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi cách ly, điều trị. “Tôi buồn và khá bất ngờ khi mọi người trong nhóm nói tôi là người lây cho mọi người. Bởi, chính bản thân tôi cũng không biết mình lây bệnh từ đâu, tại sao mình lại nhiễm bệnh”, anh C. chia sẻ.

Các y bác sĩ đang chuẩn bị trang thiết bị tại Trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM.

Ở bệnh viện, anh C. được cách ly riêng một phòng. Anh cho biết, sau 5 ngày vào viện, anh hết đau họng, ho và chỉ bị mất khứu giác. Bác sĩ cho biết, anh C. thuộc nhóm các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên cần phải gắng ăn uống, giữ tình thần lạc quan, vận động tốt để duy trì sức khỏe và nhanh khỏi bệnh.

“Tôi và bác sĩ trao đổi với nhau thường xuyên qua điện thoại. Các bác sĩ ngoài điều trị còn giúp tôi giải tỏa tâm lý lo lắng. Khi có biểu hiện bệnh, tôi sẽ nhắn cho bác sĩ để được cấp thuốc, thăm khám”, C. kể. Anh cũng được các nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ hậu cần tại bệnh viện phục vụ tận tình.

Để nhanh khỏi bệnh, bản thân anh C. cố gắng ăn uống, ngủ nghỉ, vận động nhiều cho ra mồ hôi và tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ. Anh cũng đọc sách, xem các tin tức tích cực, luôn giữ tinh thần lạc quan.

Ngày 24/6, anh C. được công bố khỏi bệnh, xuất viện về nhà tự cách ly thêm 14 ngày. Anh khẳng định, gần một tháng qua, anh tuân thủ nghiêm ngặt việc cách ly, không tiếp xúc với người xung quanh và liên hệ với bác sĩ, cơ quan y tế địa phương để thực hiện các xét nghiệm cũng như theo dõi các triệu chứng của bệnh.

Anh thực hiện theo lời bác sĩ dặn là phải xúc nước muối ngày ba lần và dùng nước này nhỏ mũi, mắt thường xuyên để ngăn bệnh tái phát. Anh cũng khuyên mọi người nên làm theo cách này để tự phòng tránh bệnh cho mình.

“Tôi đã có thêm 3 lần xét nghiệm nCoV âm tính. Thời gian tự cách ly cũng đã hết, nhưng tôi vẫn chưa tiếp xúc với ai ngoài bố mẹ, anh em trong nhà. Dịch tại TP đang diễn biến phức tạp, tôi càng phải thực hiện nghiêm hơn”, anh C. chia sẻ.

Phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 được theo dõi qua camera ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh: Tú Anh.

Cho tôi cúi đầu xin lỗi

Kết quả truy vết cho thấy, trong những người tiếp xúc với anh C có 3 F0 là đồng nghiệp, 10 F1 và nhiều F2 phải cách ly tại nhà.

Khi nhận tin này, anh C. thấy hối hận. Anh cho biết, anh đã nhắn tin, gọi điện đế từng người để xin lỗi. “Những ngày qua, xem tin tức, thấy số ca F0 tại TP tăng nhanh, tôi thấy rất buồn, tim như thắt lại”, anh C. bày tỏ.

Nói về việc lây bệnh cho người khác, anh C. mong mọi người thông cảm, tha thứ cho mình. “Tôi cũng chỉ là nạn nhân của đợt dịch này. Bản thân tôi không muốn bị nhiễm bệnh và cũng không cố tình lây bệnh cho người khác. Vì dấu hiệu của căn bệnh này giống với cảm cúm thông thường nên tôi cũng chủ quan. Khi nhận được kết quả dương tính với nCoV, tôi vô cùng ngơ ngác. Tôi không ngờ, dịch lại lan nhanh như vậy. Một lần nữa, cho tôi xin cúi đầu xin lỗi. Tôi mong mọi người tha thứ cho tôi”, anh C. tâm sự.

Anh cho biết, lúc đang điều trị nằm viện, anh chỉ mong mình hết bệnh để về nhà, có thể làm những điều có ích cho TP và địa phương để bù đắp thiệt hại.

Những hình ảnh, lời cảm ơn của bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi gửi đến các y bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh: Tú Anh

Anh C. cho biết, hiện anh đang cố gắng làm việc thiện để bù đắp lại. Tới đây, anh sẽ cố gắng gửi đến những người tiếp xúc F1, F2 với mình một ít t.iền để giúp họ khắc phục cuộc sống.

“Gia đình tôi có dãy phòng trọ cho thuê, trong hai tháng dịch vừa qua, bố mẹ không lấy t.iền để giúp họ bớt gánh nặng về tài chính”, anh C. cho biết. Anh cũng hứa sẽ sắp xếp thời gian để tham gia các chương trình thiện nguyện, giúp TP phòng chống địch, đồng thời cũng sẽ góp t.iền để mua lương thực, nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho những người khó khăn trong mùa dịch.

Điều cuối cùng, anh C. gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ, lực lượng phục vụ hậu cần tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã chữa trị, giúp đỡ mình trong thời gian qua.

Một F0 tại TP.HCM không dám về nhà sau khi dương tính với nCoV

Với kết quả xét nghiệm nCoV dương tính, nữ công nhân vẫn được yêu cầu về cách ly tại nhà. Điều này khiến chị bối rối.

1h sáng 9/7, chị N.T.N.P., 38 t.uổi, công nhân tại Công ty TNHH Amway, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM, một mình ôm chiếc túi xách nhỏ với vài bộ quần áo, trên người vẫn mặc đồng phục của công ty cùng 2 mảnh giấy trong tay, đến Trung tâm Y tế quận 7 khai báo.

“Kết quả xét nghiệm: Dương tính”.

Đó là dòng kết luận được in trong cả 2 mảnh giấy trên tay chị P. với 2 kỹ thuật xét nghiệm gồm test nhanh và rRT-PCR. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, với kết quả này, chị P. vẫn có thể tự do đi lại và có mặt tại Trung tâm Y tế quận 7 mà không hề có người kiểm soát.

“Sau khi trả kết quả xét nghiệm, bác sĩ bắt tôi ký giấy cam kết và tự cách ly tại nhà. Nhưng tôi dương tính rồi, làm sao về nhà được, nhỡ lây cho gia đình thì sao”, người phụ nữ thường ngày vốn mạnh mẽ, vui vẻ nay bất lực, nức nở kể lại cho nhân viên y tế địa phương.

Tự xét nghiệm, tự khai báo

Khác với thường lệ, ngày 7/7, chị P. cùng các đồng nghiệp nhận tin công ty nơi họ làm việc phát hiện trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đang cách ly, điều trị.

Lúc này, tất cả nhân viên, công nhân tại đây đều được xác định là F1 và phải lấy mẫu xét nghiệm theo từng nhóm (dựa trên màu đồng phục).

Nhóm của chị P. (sọc màu xanh) khi đó chưa đến lượt lấy mẫu xét nghiệm và tiếp tục làm việc. Tới 19h30, chị P. cùng các đồng nghiệp trong tổ bất ngờ được chỉ đạo về sớm thay vì 22h như đúng lịch tăng ca. Tuy nhiên, sau khi về nhà, chị lại được cán bộ trong tổ thông báo toàn bộ công nhân cùng nhóm với mình đã được lấy mẫu.

Chị P. trong ngày đi lấy mẫu xét nghiệm và khai báo tại trụ sở công an quận 7 vẫn mặc đồng phục của công ty. Ảnh: NVCC .

Sáng 8/7, khi quay lại công ty, chị P. bị một người quản lý tại cổng đuổi về. Người này khẳng định chị đã trốn về và yêu cầu tự tới bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm, sau đó mang kết quả về trước khi công ty bị phong tỏa.

Theo hướng dẫn, chị P. tới một bệnh viện tại quận 5 lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả test nhanh và rRT-PCR đều cho thấy công nhân này dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, bác sĩ tại bệnh viện này chỉ yêu cầu chị P. ký cam kết và yêu cầu về nhà tự cách ly.

“Sau khi có kết quả dương tính với virus, suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi là làm sao tôi dám về nhà lúc này, không may tôi lây bệnh cho người trong gia đình thì sao. Nhà tôi còn một người lớn t.uổi và con trai nữa”, chị P. kể.

Do đó, người phụ nữ này quyết định tới trụ sở của công an quận 7 để khai báo. Tại đây, chị P. được hướng dẫn đến khai báo ở Trung tâm Y tế quận 7 và chuyển tới cách ly tạm thời tại trường mầm non Phú Thuận.

Sự quan tâm thiếu sát sao

“Tại trường mầm non Phú Thuận, ban đầu tôi không sốt nhưng đã xuất hiện triệu chứng nhức đầu, người mệt mỏi. Dẫu vậy, tôi chỉ được phát đồ ăn chứ không có bác sĩ nào tới thăm khám, quan tâm. Nước lọc cũng phải đến trưa mới có”, chị P. chia sẻ.

Tới đêm ngày thứ 3, người phụ nữ này được các nhân viên y tế yêu cầu mặc quần áo báo hộ và chuyển tới Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Tại đây, chị P. cùng các bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn khi có nhân viên y tế tới đo thân nhiệt, huyết áp và kiểm tra sức khỏe hàng ngày.

Chị P. khi được chuyển tới Bệnh viện dã chiến Củ chi. Ảnh: NVCC .

“15h, chúng tôi mới được phát bữa trưa. Đói quá, tôi đành phải gọi cho bác sĩ phu trách, hy vọng sẽ nhận được suất ăn sớm hơn”, chị P. tâm sự.

Sau khi vào Bệnh viện dã chiến Củ chi, chị P. có cảm giác nóng đầu. Lo lắng về bệnh tình của mình, người phụ nữ này đã tự uống thuốc hạ sốt do không nhận được thuốc từ nhân viên y tế. Việc làm này giúp hạ sốt nhưng bất ngờ khiến mặt và vùng mắt của chị sưng lên bất thường.

Chị P. kể sau đó đã được bác sĩ yêu cầu dừng uống thuốc và theo dõi thêm tình hình. Dẫu vậy, thời gian này, chị P. cùng các bệnh nhân chung phòng phải tự bảo vệ và chăm sóc bản thân là chính, thay vì được bác sĩ thăm khám hay quan tâm.

“Lúc này, tôi cũng chỉ mong nhanh hết bệnh để được trở về. Từng là người vui vẻ, có sức khỏe tốt, giờ đây điều trị trong bệnh viện một mình, không có người thân hay đồng nghiệp, tôi thực sự buồn và mệt mỏi”, chị P. xúc động.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị các đơn vị không trả kết quả xét nghiệm dương tính cho người bệnh và không để họ tự do đi lại ngoài cộng đồng.

Khi người bệnh có test nhanh kháng nguyên dương tính, cơ sở y tế cần khẩn trương lấy mẫu đơn để xét nghiệm rRT-PCR, phối hợp trung tâm y tế trên địa bàn để cách ly người bệnh ở khu cách ly tập trung quận, huyện và báo cáo về HCDC.

Đối với người bệnh có chỉ định hoặc có nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2, Sở Y tế TP.HCM phân loại 2 trường hợp cụ thể như sau:

– Trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm: Lấy mẫu test nhanh kháng nguyên và hướng dẫn người bệnh ở lại chờ kết quả xét nghiệm. Nếu test nhanh dương tính, tiếp tục lấy mẫu đơn làm rRT-PCR, chuyển viện nếu kết quả này dương tính. Nếu test nhanh âm tính, người bệnh được trả kết quả xét nghiệm và tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

– Trường hợp người bệnh không có triệu chứng nghi nhiễm: Nếu test nhanh dương tính, người bệnh được cách ly tạm thời, lấy mẫu đơn làm xét nghiệm rRT-PCR và chuyển viện nếu kết quả này dương tính. Nếu test nhanh âm tính, người bệnh được trả kết quả xét nghiệm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *