Trong 10-20 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp ba lần. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở thành phố lớn mà còn gặp ở một số vùng nông thôn.
TS Trương Hồng Sơn chia sẻ thông tin về tình trạng béo phì gia tăng nhanh tại Việt Nam.
Béo phì làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm
Theo TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, trong 20 năm qua, vấn đề dinh dưỡng và lối sống ảnh hưởng đến các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, một trong những nguy cơ cao gây ra các bệnh không lây nhiễm là tình trạng thừa cân béo phì.
“Hầu hết các nước trên thế giới đều tuyên bố thành công giảm suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau, hiện chưa có nước nào tuyên bố thành công trong việc giảm tình trạng thừa cân, béo phì. Tại Mỹ, cứ ba người thì có hai người béo phì. Đặc biệt, trong 20-30 năm qua, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh nhất ở nước có thu nhập trung bình chứ không chỉ ở những nước phát triển như trước kia”, BS Sơn cho biết.
Tại Việt Nam, trong 10-20 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng gấp ba lần. Trước kia, chủ yếu béo phì hay gặp ở nữ giới thì giờ tỷ lệ này cũng đang tăng ở nam giới và đặc biệt tăng nhanh ở lứa t.uổi trẻ em.
Theo BS Sơn, một nghiên cứu mới nhất ở trường tư thục cho thấy, tỷ lệ học sinh béo phì lên tới 30%. Đây là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ bệnh mãn tính không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, phổi và hen tắc nghẽn mãn tính… trong 10-20 năm nữa, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ bây giờ.
“Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ tăng nhanh là do cha mẹ chúng ta đang tạo cho con thói quen xấu. Qua thăm khám cho các cháu, chúng tôi thấy tình trạng các bậc phụ huynh cho con em mình sử dụng thức ăn nhanh tăng nhanh, đặc biệt tại các thành phố lớn”, BS Sơn nói.
Vì thế, chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng thức ăn nhanh. Việc cho con em mình uống nhiều nước ngọt sẽ càng làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì. Bởi vì lạm dụng đồ ngọt sẽ gây ra cản trở hấp thụ canxi cho t.rẻ e.m.
Ăn đơn giản làm gia tăng béo phì
Việc ăn tập trung vào một số loại thức ăn chủ yếu sẽ dễ dẫn tới tình trạng béo phì. TS Trương Hồng Sơn lý giải điều này rằng, nếu chúng ta ăn đa dạng, thì mỗi loại thức ăn sẽ cung cấp các vi chất, dinh dưỡng riêng. Và bên cạnh đó, nếu ăn đa dạng, con người sẽ ăn mỗi thức ăn một chút. Nhưng nếu chỉ ăn một loại thức ăn, sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn để cung cấp năng lượng.
“Các nghiên cứu cho thấy, nếu cứ ăn đơn giản một loại thức ăn như trẻ chỉ thích ăn thịt lợn kho, sẽ có mong muốn ăn với số lượng lớn hơn. Đó là lý do, vì sao mà ăn đơn giản chỉ là thịt lợn kho, trẻ vẫn có nguy cơ béo phì”, BS Sơn nói.
Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng này, trong một thực phẩm, thông thường có 20 loại vi chất. Có những loại vi chất có ở thực phẩm này nhưng lại thiếu ở thực phẩm khác. Khi sử dụng thực phẩm không đa dạng, sẽ dẫn tới tình trạng thiếu một số vi chất khác mà những vi chất này đôi khi tham gia quá trình đốt cháy năng lượng, chuyển hóa. Thiếu vi chất làm chậm lại quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng làm trẻ béo hơn.
LÂM TRẦN
Theo Nhân dân
Chàng trai giảm 39 kg dù vẫn ăn cơm mỗi ngày
Từ một chàng trai béo tròn, nặng nề, Quang Hiếu khiến nhiều người bất ngờ, không nhận ra sau khi giảm 39 kg trong một năm.
Dưới đây là chia sẻ của Lương Quang Hiếu (20 t.uổi, sinh viên Đại học Thăng Long, Hà Nội) về hành trình thay đổi ngoại hình cùng Zing.vn:
Tự ti, xấu hổ vì thân hình quá khổ
Cách đây hơn một năm, tôi là chàng trai béo tròn, nặng 110 kg. Ngay từ nhỏ, vóc dáng của tôi luôn nặng nề. Bạn bè thường đặt biệt danh là “Hiếu béo”. Ban đầu, tôi không thích cái tên đó nhưng nghe mọi người gọi như vậy quá nhiều, nó dần trở nên quen thuộc.
Tôi luôn cảm thấy tự ti, xấu hổ vì mình quá khổ, quần áo thường phải chọn size 3XL, thậm chí lớn hơn. Bố mẹ và bạn bè nhiều lần khuyên giảm cân để nhìn đẹp trai hơn, tôi đều bỏ ngoài tai. Tôi mặc định với suy nghĩ mình sẽ không bao giờ làm được điều đó.
Trước đó, tôi cũng từng thử giảm cân nhưng đều thất bại. Chỉ giảm được 3-5 kg, tôi lại chán nản, quay về với chế độ ăn vô tội vạ và tăng cân trở lại.
Tới một ngày, bạn gái nói với tôi rằng: “Anh béo nhìn sợ quá”. Lúc này, tôi mới nhìn nhận lại mình và hiểu ra tình yêu không quá quan trọng ngoại hình nhưng phải cân đối với bạn gái. Bạn gái khi đó có vóc dáng rất nhỏ bé, khiến tôi trông như một người khổng lồ mỗi lần ở bên.
Quan Hiếu trước và sau khi giảm 39 kg.
Ngoài ra, bố mẹ cũng không ít lần cảnh báo thân hình thừa cân này rất dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Bản thân tôi đã bị mỡ m.áu khá cao.
Giảm 39 kg sau một năm
Lo sợ vóc dáng ảnh hưởng đến sức khỏe và được sự ủng hộ của người thân, tôi quyết tâm giảm cân, thay đổi ngoại hình.
Về chế độ dinh dưỡng, tôi giảm khẩu phần ăn so với trước đây. Thay vì ăn cơm bằng tô lớn, tôi dùng bát nhỏ như mọi người. Thực đơn cắt giảm tinh bột, đồ ăn dầu mỡ. Mỗi bữa, tôi chỉ ăn 1-2 bát cơm, thịt nạc và rau.
Ăn ít hơn nhưng tôi không nhịn ăn hay loại bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi thực đơn. Khi bạn không ăn tinh bột, cơ thể rơi vào tình trạng keto, tức sử dụng năng lượng dự trữ là chất béo. Chất này làm nhiệm vụ vận chuyển trong m.áu. Ăn quá ít tinh bột hoặc cắt giảm hoàn toàn, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng suy nhược, nguy cơ đột quỵ cao. Không đủ tinh bột, bạn có thể bị rối loạn tâm trạng như tức giận, cáu gắt, buồn bã và thậm chí trầm cảm nhẹ.
Tôi cũng chọn những thực phẩm cung cấp tinh bột lành mạnh như gạo lứt, khoai lang,… Ngoài ra, một số loại trái cây (táo, nho, cam, lê, đào) cũng cho bạn nguồn tinh bột có lợi.
Đặc biệt, tôi uống nước ép cần tây mỗi ngày. Tôi uống loại nước này 2 lần/ngày vào sáng và tối. Chúng chứa nhiều vitamin C, K, giảm viêm, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm đau đầu, hỗ trợ giảm cân.
Vóc dáng cân đối, Quang Hiếu tự tin hơn trong cuộc sống.
Tôi cũng bỏ hẳn thói quen ăn đêm, uống nước ngọt có ga, dùng đồ ăn nhanh. Mỗi khi đói, tôi uống nước lọc hoặc chỉ ăn một ít hạt ngũ cốc để cơn đói qua nhanh.
Sau một tháng, tôi giảm 10 kg, xuống mức 100 kg. Giảm cân khá nhanh nhưng tôi không mệt mỏi, trái lại thấy cơ thể nhẹ nhõm, thoải mái hơn.
Về chế độ tập luyện, tôi đến phòng gym tập luyện 1-2 buổi mỗi tuần khi có thời gian. Vào các ngày cuối tuần, tôi thường chơi bóng đá. Bộ môn này giúp rèn luyện thể chất, tăng sự dẻo dai. Bóng đá còn tạo thêm nhiều niềm vui, sự hứng thú trong quá trình luyện tập.
Qua tìm hiểu, tôi biết rằng trung bình trong trận đấu, cầu thủ sẽ tiêu hao khoảng 400-700 calo một giờ. Hơn thế, đá bóng trong 90 phút giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim, tiểu đường. Tôi rất yêu thích bộ môn này nên luôn cố gắng tham gia nhiều nhất có thể.
Sau hơn một năm duy trì chế độ ăn uống và tập luyện như trên, tôi đã giảm 39 kg (từ 110 kg xuống 71 kg), vóc dáng thay đổi hoàn toàn. Nhiều người thân, bạn bè sau khi gặp lại rất bất ngờ trước sự thay đổi của tôi, thậm chí không nhận ra. Hiện tại, tôi tạm hài lòng với hình thể và cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống rất nhiều.
Theo Zing