Con bị cúm, cha mẹ hoảng hốt tìm mua bằng được Tamiflu để cho con uống nhưng theo bác sĩ, có 3 việc sau còn quan trọng hơn điều đó.
Theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, quan trọng nhất, chú ý hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 độ C để tránh co giật.
Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng. 4-6 giờ nhắc lại một lần. Cùng đó, chườm nước ấm cho trẻ ở vùng trán, nách, bẹn.
Riêng với các trẻ lớn, nếu mắc cúm nhưng không có các nguy cơ, uống hạ sốt vẫn hạ, TS Hải khuyên các bậc phụ huynh nên để chăm sóc tại nhà, tránh đưa vào bệnh viện vì làm tăng nguy cơ bội nhiễm, lây chéo nhiều bệnh.
Quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bị cúm là hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 độ C để tránh co giật.
Tuy nhiên với những trường hợp có sẵn bệnh lý nền, có nhiều dấu hiệu bất thường sức khoẻ (trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh, trẻ khó thở, thở nhanh), cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Khi khám, bác sĩ xác định trẻ có nguy cơ mắc bệnh gì, từ đó hướng dẫn chăm sóc, hướng dẫn phát hiện các triệu chứng để đưa bé đi tái khám.
Cha mẹ cũng cần chú ý vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hàng ngày để vệ sinh họng, làm sạch vi khuẩn, tránh bội nhiễm, hạ sốt nhanh hơn.
Cuối cùng, phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòngvới nước sạch, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Ngoài ra, cần hạn chế người lớn tiếp xúc với trẻ vì trong hầu họng người bình thường, 60-70% virus, vi khuẩn trong hầu họng có khả năng gây bệnh, khi tiếp xúc gần có thể vô tình làm bé nặng lên hoặc lâu khỏi hơn.
Người lớn cũng nên hạn chế cho trẻ cúm tiếp xúc trẻ lành, hướng dẫn con che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
Cha mẹ nên mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ; tăm cho con bằng nước ấm trong phòng kín gió để tránh nhiễm lạnh; Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh nhà cửa.
Gia đình cũng cần cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu như: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước; tăng cường cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.
Với bệnh cúm, TS Hải cho biết, biến chứng nguy hiểm nhất là viêm phế quản, viêm phổi, một số trường hợp viêm cơ tim, viêm não, suy đa phủ tạng. Do đó, rất cần các phụ huynh theo dõi sát để phát hiện sớm các nguy cơ.
Võ Thu
Theo giadinh.net
Có nên dự trữ thuốc tamiflu điều trị cúm trong nhà?
Thời gian gần đây, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số lượng bệnh nhân cúm gia tăng nhanh, nhất là t.rẻ e.m. Qua các trang mạng xã hội, người dân đang chia sẻ thông tin thiếu thuốc Tamiflu điều trị, khiến bệnh nhân hoặc người nhà phải ra hiệu thuốc tư nhân để mua với giá 1,6 triệu đồng/vỉ, trong khi giá thuốc này trong bệnh viện chỉ vài chục nghìn đồng.
Bệnh nhân cúm đang điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Không thiếu thuốc Tamiflu
Trao đổi với phóng viên, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết vẫn có đủ thuốc đáp ứng số bệnh nhân điều trị cúm phải dùng thuốc Tamiflu. Giá của thuốc Tamiflu vẫn được tính theo quy định, không có chuyện tăng giá hay giảm giá loại thuốc này.
“Những bệnh nhân này có thể tự đi mua thuốc ở ngoài mà không đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế”, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Nhi khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng cho biết, hiện tại mỗi ngày Khoa tiếp nhận 15-20 bệnh nhi mắc cúm phải nhập viện. Tuy nhiên, không phải bệnh nhi nào cũng phải sử dụng đến thuốc Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt, có mắc cúm trên nền bệnh viêm phổi hoặc kèm các biến chứng khác. Hiện, bệnh viên cũng không thiếu thuốc điều trị bệnh cúm.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, không phải cứ cúm là sử dụng Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc cúm có kèm theo các bệnh khác như viêm đường hô hấp, mắc bệnh tim, phổi mạn tính, tiểu đường, suy thận mạn tính… Vì vậy, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Chỉ những bệnh nhân mắc cúm nặng bắt buộc có chỉ định phải điều trị nội trú trong bệnh viện.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không cần thiết phải mua thuốc Tamiflu dự trữ trong nhà. Nếu mắc cúm thông thường, không cần phải sử dụng tới thuốc Tamiflu.
Hiện, thuốc Tamiflu vẫn được bày bán tại các hiệu thuốc tư nhân. Tuy nhiên, rất ít hiệu thuốc có sẵn thuốc này. Trong trường hợp các hiệu thuốc tư nhân nhập thuốc nhưng không bán được (không có dịch), thuốc sẽ hết hạn, phải hủy, nên họ nhập rất ít. Vì thế, khi có ít hàng bán ra, họ sẽ phải tăng giá gấp nhiều lần để bù số thuốc có nguy cơ hết hạn.
Nếu trẻ mắc bệnh phải nằm viện nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom, mang mầm bệnh khác đến cho trẻ hoặc mang virus cúm lây lan cộng đồng. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Bệnh cúm mùa có thể tự khỏi
Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có tiếp nhận số ca mắc cúm mùa gia tăng, nhất là t.rẻ e.m.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, biểu hiện của bệnh cúm đối với t.rẻ e.m cũng như người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các biểu hiện ban đầu có thể là sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi… Sau đó là biểu hiện ngạt mũi, ho và chảy nước mũi.
Riêng ở trẻ nhỏ có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên.
Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế.
Các chuyên gia y tế đặc biệt khuyến cáo, khi được chẩn đoán mắc cúm thông thường, người bệnh không nhất thiết phải nhập viện mà có thể tự chăm sóc tại nhà như lưu ý vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh, uống hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ, ăn uống nhẹ dễ tiêu…
Nếu trẻ hoặc người lớn mắc bệnh phải nằm viện nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom, mang mầm bệnh khác đến cho trẻ hoặc mang virus cúm lây lan cộng đồng.
Người dân cũng nên tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như: trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, bệnh phổi mạn tính, người suy thận, tiểu đường, xơ gan, béo phì, suy giảm miễn dịch. Phụ nữ trước khi dự định mang thai cũng nên tiêm phòng cúm, vì nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu mang thai, nguy cơ cao gây dị tật thai nhi…
Thúy Hà
Theo baochinhphu