Bộ trưởng Y tế bàn giao thêm 27 bác sĩ trẻ về vùng sâu miền Trung & Tây Nguyên

Sáng 17/10 tại trường ĐH Y Dược, ĐH Huế, Bộ Y tế đã tổ chức lễ bàn giao 27 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo BS chuyên khoa cấp I khóa 6 – khóa đầu tiên được đào tạo cho miền Trung & Tây Nguyên thuộc dự án “Thí điểm BS trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng ảnh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho các BS trẻ tình nguyện

Trong 27 bác sĩ trẻ bàn giao đợt này có 21 bác sĩ người dân tộc Ba Na, Hre, Jrai, Pa Cô, Sách, Vân Kiều thuộc 8 chuyên ngành là Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Nhi, Nội, Phụ sản và Y học cổ truyền.

Các bác sĩ được cấp bằng chuyên khoa cấp I và chứng chỉ hành nghề sau đó sẽ tình nguyện công tác về 14 huyện nghèo như Mường Áng, Đakrong, Iapa, Kong chro, Minh Hóa, Minh Long, Phước Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây thuộc 6 tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Video:

Bàn giao khóa BS trẻ tình nguyện đầu tiên về vùng sâu miền Trung & Tây Nguyên

Như vậy với 6 khóa BS trẻ đã tốt nghiệp, dự án đã bàn giao 104 BS cho 48 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế khẳng định dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ số lượng nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật cao cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các địa phương còn khó khăn.

Được biết chương trình đào tạo riêng cho các bác sĩ này đã được Bộ Y tế xây dựng mới, tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ trẻ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh đó trường đào tạo còn giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Các BS xuất sắc trong khóa 6 được nhận thưởng

Dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn vùng sâu. Sau thời hạn trên, các bác sĩ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng các BS được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/Trung tâm y tế huyện nghèo đó.

Khóa đầu tiên về vùng sâu miền Trung & Tây Nguyên với 27 BS trẻ tình nguyện có 21 BS người dân tộc thiểu số

Đại Dương

Theo Dân trí

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Đà Nẵng

Ngày 17/9, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi với tình nguyện viên phường An Hải Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) về cách phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến ngày 15/9, toàn thành phố ghi nhận 4.257 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2018 (1.795 ca), đứng thứ 3 trong khu vực 11 tỉnh miền Trung về số ca mắc. Các địa phương ghi nhận số ca mắc cao là Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà.

Theo Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và gia tăng là do bắt đầu vào mùa mưa, khí hậu ẩm tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển. Ý thức của một bộ phận người dân trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi chưa cao và phối hợp chưa tốt với ngành Y tế. Bên cạnh đó, lực lượng cộng tác viên y tế tại một số địa phương chưa thực sự tích cực…

Trước tình hình trên, thành phố Đà Nẵng đã xử lý triệt để 4.257 ca bệnh, 435 ổ bệnh theo đúng quy trình; điều tra, phân tích, kịp thời ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại 222 khu vực có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết cao. Thành phố đã phun hóa chất diệt muỗi tại 439 cơ sở giáo dục, Bến xe Trung tâm thành phố và một số chợ, khu vực công cộng… có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết cao.

UBND thành phố phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, lồng ghép với công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh; thành lập đội ngũ cộng tác viên dân số y tế với 1.809 người, trực tiếp đến nhà tuyên truyền các biện pháp chống bệnh sốt xuất huyết, kiểm tra và vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy. Mỗi xã, phường đã thành lập 3-5 đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết.

Các bệnh viện tại Đà Nẵng xây dựng kế hoạch, mua sắm trang thiết bị, thuốc phục vụ công tác phòng chống sốt xuất huyết; thành lập các tổ phòng chống dịch sẵn sàng đáp ứng tùy theo tình hình dịch bệnh; xây dựng phương án đảm bảo công tác chuyên môn phục vụ người bệnh trong mùa cao điểm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đ.ánh giá thành phố Đà Nẵng đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về tổ chức diệt lăng quăng và phun muỗi trưởng thành; xây dựng tốt đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích ở các địa phương, trực tiếp vận động đến người dân về cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.

Theo Bộ trưởng, thành phố Đà Nẵng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để để các ca bệnh, ổ bệnh theo đúng quy trình, phối hợp mọi nguồn lực đáp ứng công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài; tăng cường tổ chức truyền thông về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt vận động người dân tích cực tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy với hình thức nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực; tổ chức tập huấn, cập nhật hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết mới của Bộ Y tế.
Các ngành chức năng của thành phố tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các kế hoạch xử lý ổ bệnh và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao. Thành phố cần chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung phân loại và điều trị tại chỗ những trường hợp bệnh nhẹ, không chuyển tuyến khi không đúng chỉ định nhằm hạn chế quá tải ở bệnh viện tuyến trên, hạn chế lây chéo và t.ử v.ong do sốt xuất huyết…

Võ Văn Dũng

Theo TTXVN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *