Bộ Y tế đề nghị tăng tốc tiêm chủng do vaccine sắp về số lượng lớn

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 do từ nay đến cuối năm, vaccine sẽ cập bến về nước số lượng lớn.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ngày 28/9, Bộ Y tế cho biết trong những ngày gần đây, số vaccine tiêm chủng hàng ngày có xu hướng giảm.

Từ tháng 10 đến tháng 12, Việt Nam có thể sẽ tiếp nhận số lượng vaccine nhiều hơn so với thời gian trước.

Để đảm bảo sử dụng vaccine đúng tiến độ, tăng nhanh diện bao phủ, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn từ nay đến cuối năm 2021.

Cơ quan này yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 t.uổi trở lên (ưu tiên người từ 50 t.uổi trở lên). Đặc biệt, các địa phương đẩy mạnh bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

Người dân tại Bình Dương tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Các địa phương cần huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng (bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành); Tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho các đối tượng khác khi có hướng dẫn của Bộ.

Bên cạnh việc tăng tốc tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong việc cập nhật danh sách, thông tin của người tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vaccine Covid-19 theo đúng tiến độ tiêm của địa phương.

“Bộ Y tế đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện, coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong tình hình hiện nay và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu tổ chức tiếp nhận vaccine, triển khai tiêm chủng chậm và để xảy ra lãng phí vaccine”, văn bản Bộ Y tế nêu rõ.

Theo bản tin tối 28/9 của Bộ Y tế, tổng số đã được tiêm đến ngày 27/9 là 40.095.031 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 31.497.967 liều, tiêm mũi 2 là 8.597.064.

7 loại vaccine COVID-19 được cấp phép sử dụng tại Việt Nam

Hiện 7 loại vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, tất cả các vaccine trên được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

AstraZeneca

Vaccine COVID-19 do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất, được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa vaccine này vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine sử dụng tại 119 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số đã sử dụng khoảng gần 100 triệu liều.

Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Vaccine AstraZeneca cũng được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam từ tháng 3/2021, và đang là vaccine có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Vaccine SPUTNIK V của Nga. (Ảnh: SKDS)

Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V)

Vaccine Gam-COVID-Vac do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất, được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vaccine này sử dụng tại 49 quốc gia với tổng số vaccine dùng khoảng 85 triệu liều.

Giữa tháng 3/2021, Việt Nam tiếp nhận 2.000 liều vaccine Sputnik V do Nga viện trợ và sử dụng cho gần 900 người. Ngày 1/8, Việt Nam nhận thêm 10.000 liều Sputnik V do Nga tặng.

Vero Cell của Sinopharm

Vaccine Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd.,- Trung Quốc sản xuất. Vaccine được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều dùng.

Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021. Hiện TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh cũng nhận vaccine Vero Cell phục vụ cho công tác tiêm chủng.

Vaccine COVID-19 của Pfizer. (Ảnh: AFP)

Comirnaty của Pfizer/BioNTech

Vaccine của Pfizer/BioNTech cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này sử dụng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều dùng.

Cùng với Moderna, SPUTNIK V, AstraZeneca và Vero Cell, vaccine Pfizer cũng đang được triển khai tiêm chủng cho người dân tại Việt Nam.

Spikevax (tên khác là Moderna)

Vaccine Spikevax do Moderna sản xuất được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này sử dụng tại 63 quốc gia với khoảng 340 triệu liều.

Đến nay, Việt Nam tiếp nhận tổng cộng 5.000.100 liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ thông qua COVAX Facility và đang triển khai tiêm chủng.

Janssen

Vaccine Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này được sử dụng tại 34 quốc gia với khoảng 60 triệu liều.

Vaccine do Janssen sản xuất được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận vaccine này.

Hayat-Vax

Ngày 10/9, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine Hayat-Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hayat-Vax được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm. Mỗi liều 0,5ml chứa 6.5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt. Cơ sở sản xuất bán thành phẩm là Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. – Trung Quốc.

Cơ sở đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng là Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) – Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine này là Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex.

Vaccine Hayat-Vax có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, dễ sử dụng ở các nước có thu nhập thấp hơn so với các loại vaccine mRNA vốn cần bảo quản cực lạnh. Hiện, Việt Nam chưa tiếp nhận vaccine này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *