Cách chọn khăn ướt phù hợp với da

Chỉ nên dùng khăn ướt khi đi đường bụi bẩn, dính nhờn; da bị mụn, dị ứng, viêm, nhạy cảm thì không nên dùng.

Ảnh minh họa

Bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết thói quen dùng khăn ướt để lau mặt, vệ sinh mặt, tẩy dầu nhờn, bụi bẩn không đúng cách dễ làm tổn thương da. Tuỳ thuộc vào làn da, trang điểm hay không trang điểm để sử dụng phù hợp.

Khi trang điểm nhẹ, bạn chỉ cần lau khăn ướt là đủ để làm sạch da. Nên chọn loại khăn dành cho da nhạy cảm và chất lượng tốt để tránh cảm giác làm da bị châm chích hoặc có cảm giác còn vướng sợi sau khi sử dụng. Khi lau, bạn nên bắt đầu từ giữa khuôn mặt và hướng ra ngoài, lực lau nhẹ nhàng tránh chà xát. Không bỏ sót vùng chân tóc hay đường viền hàm khiến lớp dầu tích tụ gây mụn trứng cá và lão hóa da.

Khi trang điểm đậm, bạn nên lau và rửa sữa rửa mặt ngay sau đó. Nếu có trang điểm mắt, bạn nên dùng nước tẩy trang hoặc khăn ướt lau riêng cho vùng mắt. Có thể để khăn ướt trên mắt một đến hai phút giúp làm mềm và trôi lớp trang điểm mắt, rồi lau nhẹ nhàng để tránh rụng mi.

Trường hợp da nhạy cảm, da nhờn, da khô ráp, hay đang có vết thương hở hay các bệnh lý trên vùng da như mụn trứng cá, trứng cá đỏ, viêm da tiếp xúc dị ứng hay kích ứng, viêm da cơ địa… thì không nên sử dụng khăn ướt.

“Các chất có trong khăn ướt như paraben, methylisothiazolinone, chất tạo mùi và các chất bảo quản có thể gây nên tình trạng kích ứng da, dị ứng, nổi mẩn ngứa, thậm chí là viêm da”, bác sĩ nhấn mạnh.

Ngoài ra, chất cồn trong khăn ướt sẽ khiến da thô ráp hơn, làm mất đi độ ẩm. Nếu da nhiều dầu, việc sử dụng khăn ướt để làm sạch dầu còn gây mất cân bằng lượng dầu tự nhiên trên da. Tuyệt đối không chà xát mạnh khi dùng khăn ướt lau mặt và các hóa chất trong khăn giấy ướt cũng làm cho da bị tổn thương và lão hóa nhanh chóng.

Do đó, bạn chỉ nên dùng khăn ướt lau mặt khi đi đường dính bụi bẩn hay khi đi chơi, du lịch cần vệ sinh nhanh hoặc những nơi không có nguồn nước sạch.

Lưu ý dùng loại khăn có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng, thành phần. “Thông thường, nước là thành phần chủ yếu của khăn ướt, nó chiếm trên 90%, và khăn ướt càng nhiều nước thì càng ít các phụ chất khác, bác sĩ nói. Hạn chế dùng khăn ướt có mùi hoặc dùng loại có “chiết xuất tự nhiên” như từ lô hội, hoa hồng, thảo dược…

Tránh lạm dụng khăn ướt để tẩy trang và ngưng sử dụng khăn ướt khi thấy da mặt bị kích ứng khiến nốt mụn sưng tấy, đau rát, lâu lành và dễ bội nhiễm thêm vi khuẩn.

Quy tắc an toàn với nắng

Ánh nắng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, hỗ trợ sự phát triển của hệ xương. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh nắng, tắm nắng cần được lưu ý để tránh tổn thương da, tăng nguy cơ ung thư da.

SHUTTERSTOCK

Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, ăn uống đủ chất, sống ở một quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, việc tiếp xúc ánh nắng trong điều kiện lao động, sinh hoạt bình thường đã đủ cho nhu cầu tổng hợp vitamin D của cơ thể, do vậy việc tắm nắng có thể không nhất thiết. Tắm nắng thường được khuyến khích áp dụng cho trẻ nhỏ đang ở giai đoạn phát triển cơ thể hoặc những người rất ít tiếp xúc ánh nắng, thiếu hụt vitamin D…

Để an toàn cho da và sức khỏe, đặc biệt trong mùa nắng nóng, Th.S-BS Trịnh Minh Trang, Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội), lưu ý nếu tắm nắng không đúng cách, đúng chỉ định sẽ gây hại cho da như: gây bỏng da, lão hóa da, tăng nguy cơ ung thư da, tổn thương mắt…

Mùa hè mọi người có thói quen đi bơi, tắm biển, tiếp xúc nhiều với nắng. Do đó, nên lưu ý lựa chọn thời điểm và các sản phẩm hỗ trợ để giảm các tác động không tốt từ ánh nắng gay gắt. Tránh tắm biển vào thời điểm nắng gắt, giữa ngày và tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng trong thời gian dài. Sử dụng kem chống nắng đúng cách khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Sử dụng sản phẩm chống nắng không thấm nước khi bơi, khi chơi các trò chơi dưới nước.

Các biện pháp che chắn như: mũ, nón, kính râm, áo choàng… không bao giờ thừa, ngay cả khi đã dùng các sản phẩm chống nắng ( ảnh ). Lưu ý cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể để giảm tác hại của ánh nắng.

Không có quy tắc chung cho việc tắm nắng, tuy nhiên chúng ta cần lưu ý: Chỉ nên tắm nắng trong thời gian khoảng 5 – 15 phút/ngày. Không sử dụng các sản phẩm chống nắng có tác dụng ngăn tia UVB khi tắm nắng. Tránh tắm nắng vào thời điểm nắng gắt vì có thể gây bỏng nắng. Làn da sẫm màu cần tắm nắng trong thời gian lâu hơn làn da sáng màu. Che chắn mắt kỹ càng để tránh tác hại của tia UV tới mắt.

Những người có cơ địa dị ứng ánh nắng, mắc một số bệnh tự miễn, cần tránh nắng như lupus ban đỏ hệ thống, ung thư da, hoặc đang sử dụng các thuốc tăng nhạy cảm ánh nắng thì không nên tắm nắng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *