Cùng với thịt đông, hành muối, bánh chưng là “linh hồn” trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt. Trước kia, trẻ con chỉ mong Tết về để được cùng ông bà, bố mẹ gói bánh chưng. Ngày nay, do nhịp sống bận rộn, hối hả, gói bánh chưng đã trở thành một hoạt động “xa xỉ”, nhất là với các gia đình ở thành phố. Là một người hướng về những giá trị truyền thống, chị Hạnh Vân (Quảng Nam) dù bận bịu đến mấy cũng sắp xếp cùng chồng và các con xuống bếp gói bánh chưng đón năm mới.
Chị Hạnh Vân cùng gia đình gói bánh chưng đón Tết.
“Mình rất thích nấu các món ăn truyền thống. Mình nghĩ dù 8x 9x hay genZ thì đến một lúc nào đó chúng ta đều sẽ mong muốn chạm đến những điều thật cũ nhưng cũng thật mới như những gì ông bà ta đã và vẫn làm mỗi khi dịp Tết đến xuân về. Quê mình nhân bánh chưng thường có đậu xanh, thịt nạc, thịt mỡ và nhất là tiêu Tiên Phước cay nồng, thơm nức”, mẹ đảm Quảng Nam tâm sự.
Bánh chưng Tiên Phước ăn kèm củ kiệu muối do chị Hạnh Vân tự tay chuẩn bị.
Để có được thành phẩm ngon, mẹ đảm đã tỷ mỉ chọn từng hạt nếp căng tròn, từng miếng thịt lợn ngon, đỗ xanh vàng ươm, từng tàu lá chuối xanh mướt rồi cẩn thận gói gém tạo thành những chiếc bánh vuông vức trông thật đẹp mắt. Mời bạn cùng Emdep.vn tham khảo cách gói bánh chưng đơn giản bằng lá chuối ai cũng làm được của mẹ đảm Quảng Nam ngay sau đây.
Nguyên liệu
– Gạo nếp (đã ngâm qua đêm)
– Đậu xanh (ngâm qua đêm)
– Lá chuối chọn tàu già, khổ rộng
– Thịt lợn thái miếng vừa ăn
Cách gói bánh chưng bằng lá chuối
1. Gạo nếp và đậu xanh ngâm qua đêm bạn đem vo sạch sau đó đổ ra rổ cho ráo nước.
2. Thịt lợn ba chỉ thái thành từng miếng vừa ăn rồi đem ướp chung với hạt tiêu, muối, hạt nêm, hành tím và tỏi xay nhuyễn. Để phần nhân bánh chưng đậm đà chị Hạnh Vân ướp thịt khoảng 2 tiếng trước khi gói.
3. Đậu xanh sau khi ráo nước mẹ đảm đổ vào nồi và hấp chín mềm.
4. Lá chuối rửa sạch, cắt bỏ phần cậng cứng và chần qua nồi nước sôi để lá mềm. Trong cách làm này, mẹ đảm cũng sử dụng dây chuối khô thay vì lạt cây giang thông thường. Lưu ý, để dây chuối dai, không bị đứt khi gói, mẹ đảm sẽ chần sơ qua nước sôi.
5. Lau lá thật khô sau đó xếp vào trong khuôn. Lần lượt cho 1 lớp gạo nếp, 1 lớp đậu xanh, thịt lợn rồi lại phủ đậu xanh, gạo nếp lên trên. Khéo léo bẻ các góc đối xứng để lá bánh không bị rách. Tiếp đến, dùng dây chuối khô đã chuẩn bị buộc lại. Vì gạo sẽ nở ra trong quá trình luộc do đó cần buộc dây hơi nới tay, tránh buộc quá chặt.
6. Lần lượt thực hiện cho tới khi hết nguyên liệu là có thể mang đi luộc bánh.
7. Xếp bánh vào trong nồi rồi thêm nước xâm xấp bề mặt bánh. Việc làm này sẽ giúp bánh chín đều và màu cũng sẽ xanh đẹp hơn. Trong suốt quá trình luộc cần kiểm tra lượng nước, nếu thấy cạn thì cần bổ sung nước sôi vào.
Trước kia ông bà ta luộc bánh chưng bằng bếp củi và phải tốn rất nhiều thời gian luộc bánh. Vì không có nhiều thời gian nên chị Hạnh Vân chọn luộc bằng nồi inox dày. Loại nồi này chỉ cần luộc bánh khoảng 2 tiếng là chín mềm.
8. Kiểm tra thấy bánh chín thì vớt ra rồi rửa thật sạch với nước. Đừng quên dùng đồ nặng đặt lên trên để ép nước giúp cho bánh ráo, dền. Bánh chưng luộc xong chỉ cần bảo quản ở nơi thoáng mát là được. Khi ăn bạn dọn cùng với củ kiệu muối chua, thịt đông là chuẩn bài Tết.
Minh Hương
Ảnh: NVCC