Căng-tin ở Việt Nam lên báo ngoại vì vừa đẹp vừa tiết kiệm năng lượng

Căng-tin, nhà ăn công ty được xem là lựa chọn số 1 của công nhân, nhân viên để ăn uống, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Do vậy, khi thiết kế và thi công căng-tin, các tiêu chí rộng rãi, thoáng đãng, đẹp mắt và gần gũi cần được đề cao. Căng-tin cho công nhân của một nhà máy ở Việt Nam dưới đây được tạp chí kiến trúc Archdaily ngợi ca là một công trình như vậy.

Nằm trong khuôn viên khu công nghiệp Thăng Long II (tỉnh Hưng Yên), cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 1 giờ lái xe, nhà ăn dành cho công nhân của Nhà máy sản xuất điều hòa không khí Daikin gây ấn tượng bởi thiết kế trẻ trung, năng động nhưng gần gũi và thân thiện. 
Ngoài sử dụng hệ thống điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng (yếu tố mang tính chủ động), mục tiêu chính của công ty là tối ưu được các nguồn tài nguyên thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, thông gió tự nhiên (các yếu tố mang tính thụ động) đồng thời sử dụng vật liệu và các giải pháp truyền thống nhằm mang đến một không gian ăn uống, thư giãn thoải mái nhất cho công nhân.
Giải pháp được đưa ra là sử dụng kiến trúc mặt tiền hai lớp. Cụ thể, một lớp tường gạch thông gió được đặt phía trước bức tường kính vừa mang lại vẻ đẹp cho mặt tiền, vừa cho phép ánh sáng, gió tự nhiên lưu thông vào không gian bên trong, đồng thời tạo tầm nhìn rộng mở. 
Các ô cửa đón sáng được bố trí ở phía đầu hồi cung cấp ánh sáng tự nhiên cho khu vực phía trong căng-tin vào ban ngày. 
Sự gay gắt của ánh nắng bên ngoài sẽ được giảm bớt nhờ lớp gạch thông gió này, đồng thời tạo thành nhưng bông hoa nắng nhảy nhót vô cùng lạ mắt.
Vào mùa đông hoặc khi trời lạnh, các ô cửa kính sát nền nhà sẽ được mở ra để đón không khí trong lành.
Thiết kế căng-tin dựa trên nguyên tắc thông gió đứng. Cụ thể, không khí ấm hơn sẽ di chuyển lên trên và thoát ra ngoài qua ô thoáng cao sát trần tạo ra dòng chảy lưu thông không khí tự nhiên. Nhờ đó hạn chế được tần suất sử dụng điều hòa trong suốt cả năm. 
Những chiếc ghế màu sắc bắt mắt mang đến sự năng động, trẻ trung cho không gian bên trong. 
Thay vì thi công trần nhà theo cách truyền thống, các kiến trúc sư sử dụng hệ lam gỗ để tạo cảm giác trần nhà cao và thoáng hơn.
Bên ngoài mặt tiền căng-tin hướng ra cổng chính được trang trí với bức tường gạch bằng đất sét nung đậm chất Việt Nam. 
Mảng tường này có những viên gạch nhô ra tạo bóng đổ vô cùng đẹp mắt, tương phản hoàn toàn với sự đơn điệu của những bức tường nhẵn mịn.
Có thể nói, sự kết hợp của vật liệu truyền thống Việt Nam cùng với phương pháp xây dựng độc đáo đã mang đến diện mạo vừa lạ vừa quen cho công trình.
Sự kết hợp giữa giải pháp thiết kế chủ động và thụ động cho phép tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để tạo nên một công trình có kiến trúc bền vững, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.

Theo Archdaily.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *