Chẩn đoán mắc COVID-19: Những ai cần làm xét nghiệm?

Việc xét nghiệm chẩn đoán người mắc COVID-19 được thực hiện cho những đối tượng cụ thể nào?

Xét nghiệm là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và xác định các tác nhân gây bệnh. Trước việc dịch bệnh COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng, nhiều người khi có những triệu chứng sốt, ho, nghi ngờ mắc bệnh thường có tâm lý muốn xét nghiệm để yên tâm.

Trước thắc mắc của nhiều người dân việc xét nghiệm COVID-19 được thực hiện cho những đối tượng cụ thể nào, BS Nguyễn Thanh Trường, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đã có những giải đáp cho những thắc mắc xung quanh về vấn đề này.

Chẩn đoán mắc COVID-19 bằng cách nào?

Hiện nay dịch bệnh COVID-19 do chủng Corona virus mới gọi là SARS-CoV-2 gây ra, để xét nghiệm khẳng định bệnh, người bệnh sẽ được lấy mẫu tiến hành xét nghiệm Realtime RT-PCR. Đây là xét nghiệm giải trình tự gen. Nếu kết quả dương tính thì có thể khẳng định bệnh nhân có nhiễm SARS- CoV-2.


Xét nghiệm COVID-19 hiện tại không cần thực hiện đại trà. Ảnh: Internet

Ai cần được thực hiện xét nghiệm mắc COVID-19?

Hiện nay, với giai đoạn bệnh đang xuất hiện trong cộng đồng nhưng chưa lây lan rộng thì mục tiêu thực hiện xét nghiệm là phát hiện sớm các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng. Do đó, việc chỉ định xét nghiệm cũng sẽ thay đổi theo từng thời điểm.

Đến nay, các trường hợp được chỉ định xét nghiệm bao gồm:

– Trường hợp nghi ngờ theo đúng tiêu chuẩn chẩn đoán của Bộ Y tế gồm các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ nguy cơ nhiễm bệnh.

– Trường hợp viêm phổi nặng mà không lý giải được với các nguyên nhân khác.

– Trường hợp xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP sẽ xác định những ca bệnh này có cần xét nghiệm để thực hiện giám sát sớm trong cộng đồng hay không.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng nên có thể xét nghiệm tất cả đối tượng tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 mà không đợi đến khi có xuất hiện triệu chứng.

Đối với thắc mắc xét nghiệm chỉ thực hiện cho các đối tượng này mà không thực hiện đại trà, trong khi Việt Nam có khả năng sản xuất được 10.000 bộ Kit xét nghiệm mỗi ngày, BS Trường cho hay hiện nay, chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu COVID-19 nên thực hiện xét nghiệm đại trà khẳng định dương tính để giúp điều trị vẫn chưa cần thiết lắm.

Mục tiêu chính của xét nghiệm là phát hiện sớm người bệnh, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng dập dịch. Những chỉ định xét nghiệm được thực hiện và cung cấp cho cơ quan y tế những bằng chứng nhằm ngăn chặn và giám sát dịch lây lan trong cộng đồng.

“Xét nghiệm đại trà, làm theo yêu cầu là không cần thiết vì những trường hợp chỉ định xét nghiệm đã bao phủ các chỉ định để có thể phát hiện rất sớm ca bệnh xuất hiện. Mặc dù Việt Nam đã có đủ sức, khả năng thực hiện nhiều xét nghiệm nhưng việc thực hiện xét nghiệm đại trà không có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay do chúng ta đang ưu tiên tập trung cho công tác phòng, chống dịch” – BS Trường cho biết.

Cũng theo BS Trường, hiện tại COVID 19 là bệnh dịch mới nổi, nên kinh phí thực hiện xét nghiệm theo đúng chỉ định thì sẽ do kinh phí chống dịch chi trả.

Trường hợp người đang còn trong thời gian cách ly, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì vẫn tiếp tục cách ly cho đủ thời gian 14 ngày. Trong quá trình 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ sẽ được làm xét nghiệm để kiểm tra khẳng định có dương tính hay không. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm là âm tính nhưng vẫn còn trong thời gian 14 ngày thì những trường hợp này vẫn bắt buộc phải cách ly đúng thời gian quy định.

HOÀNG LAN

Đề nghị 8 BV ưu tiên chữa trị, chăm sóc cho người mắc COVID-19

Ngày 15-3, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã ký văn bản gửi tới tám bệnh viện (BV) đề nghị tích cực tăng cường quản lý, điều trị ca bệnh COVID-19 và báo cáo diễn biến ca bệnh hằng ngày.

Ảnh minh họa

Các BV gồm: BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BV đa khoa tỉnh Ninh Bình, BV đa khoa Trung ương Huế, BV Đà Nẵng, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV đa khoa tỉnh Bình Thuận, BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi (TP.HCM) và BV Lao và phổi Quảng Ninh.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị giám đốc tám BV nói trên khẩn trương tập trung tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên quản lý, điều trị, chăm sóc toàn diện cho người mắc COVID-19, đặc biệt là các ca bệnh đang có diễn biến nặng.

Các BV tổ chức hội chẩn ngay liên khoa trong BV, hội chẩn liên viện (khi cần) để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị – Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để quản lý, điều trị và chăm sóc hiệu quả cho người bệnh, hạn chế tối đa người bệnh t.ử v.ong; tránh lây nhiễm cho cán bộ y tế.

Các BV cần cập nhật thường xuyên diễn biến của các ca bệnh COVID-19 (ca bệnh xác định) và báo cáo nhanh trước 15 giờ hằng ngày về những khó khăn, vướng mắc cho Tiểu ban điều trị – Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Cục Quản lý khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, các BV cần sao chụp bệnh án của người mắc COVID-19 ngay sau khi người bệnh xuất viện, đóng dấu treo của BV và gửi ngay về Cục Quản lý khám, chữa bệnh để tổng hợp, phân tích, đ.ánh giá rút kinh nghiệm…

TN (plo.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *