Phụ nữ thường bị tức ngực, khó thở vào ban đêm có phải bệnh không?
Do vị trí khó chịu ở vùng ngực nên không ít người lầm tưởng rằng là vấn đề tim mạch. Thực tế, nguyên nhân bạn bị tức ngực, khó thở vào ban đêm có thể nằm ở đốt sống ngực. Theo thống kê, hiện nay tình trạng rối loạn khớp đốt sống ngực càng tăng, chủ yếu do tổn thương khi vận động hoặc tư thế sinh hoạt không đúng.
Bệnh này cần phải đến bệnh viện để chụp hình, xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác. Chị em nếu luôn có cảm giác khó chịu vùng ngực vào ban đêm thì nên sớm đi kiểm tra và điều trị kịp thời. Dân văn phòng nên ngồi đúng tư thế và chú ý bảo vệ cột sống khi tập thể dục thể thao.
Tức ngực, khó thở còn có thể là tín hiệu cảnh báo của nhiều vấn đề sức khỏe khác ở phụ nữ
Bệnh về phổi mãn tính
Rất nhiều vấn đề ở phổi đều sinh ra triệu chứng tức ngực khó thở, điển hình như khí thủng phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, hoặc cũng có thể do viêm khí quản hay viêm phổi mãn tính v.v… Đồng thời, bệnh nhân còn có tình trạng sốt, ho và đặc biệt khi vận động mạnh thì triệu chứng càng nặng hơn.
Tắc mạch phổi cấp tính
Triệu chứng chủ yếu của bệnh này chính là tức ngực, khó thở, tim đập nhanh. Người bệnh thông thường còn có tiểu sử mắc chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện làm kiểm tra chuyên môn để tìm nguyên nhân cụ thể và điều trị sớm.
Thiếu máu
Phụ nữ với thể chất đặc thù và mỗi tháng còn phải trải qua chu kỳ kinh nguyệt, thêm vào các vấn đề khác như mang thai, sinh nở, cho con bú v.v… càng dễ mắc tình trạng thiếu máu với những mức độ khác nhau.
Thiếu máu không chỉ khiến bạn có làn da trắng nhợt, thiếu sức sống, yếu ớt mà còn thường xuyên dễ bị tức ngực, hơi thở nông, lúc vận động mạnh thì triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.
Bệnh tim mạch
Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch nhưng đặc biệt ở phụ nữ trung và lão niên thì nguy cơ mắc phải càng cao hơn. Thiếu máu cơ tim là một ví dụ điển hình, bên cạnh đó còn kéo theo nhiều vấn đề phổ biến như cao huyết áp, mỡ cao máu, tiểu đường v.v… Do đó, phụ nữ càng lớn tuổi càng nên chú trọng khám sức khỏe định kỳ.
Khi có triệu chứng tức ngực, khó thở thì nên xử lý thế nào?
Kịp thời tìm ra nguyên nhân gốc
Tức ngực khó thở có thể là tín hiệu của nhiều bệnh tật khác nhau. Do đó, chị em cần sớm đến bệnh viện để kiểm tra tìm ra nguồn gốc của bệnh và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Thói quen chủ quan, kéo dài triệu chứng bệnh rất dễ gây biến chứng và khó chữa.
Cố gắng xác định vị trí tức ngực
Mặc dù các cơn đau có thể lan rộng và khó xác định nhưng chị em vẫn nên cố gắng quan sát, cảm nhận xem cơn tức ngực xảy ra chủ yếu nhất ở vị trí nào. Điều này sẽ giúp ích cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán và đưa ra các chỉ định xét nghiệm, kiểm tra cho bạn.
Ghi chép lại thời gian xảy ra triệu chứng
Ngay khi có triệu chứng tức ngực khó thở, bạn nên lập tức ghi chép lại thời gian xảy ra cũng như các mức độ của nó, chẳng hạn như bị đau trước hoặc sau bữa ăn, ban đêm hay ban ngày nhiều hơn, mỗi lần kéo dài bao lâu, mức độ nặng nhẹ thế nào v.v…
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)