Chống trơn trượt nhà tắm – giải pháp nào hiệu quả nhất?

Chống trơn trượt nhà tắm là khâu quan trọng mà bạn không thể bỏ qua khi thiết kế và bài trí không gian chức năng này. Bởi lẽ, sàn phòng tắm là nơi thường xuyên tiếp xúc với nước, ẩm ướt dễ gây trơn trượt – mối nguy hiểm khó lường cho các thành viên gia đình, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi ngày trên thế giới có hàng trăm nghìn tai nạn diễn ra trong phòng tắm, trong đó có hơn 2/3 số vụ tai nạn liên quan tới trơn trượt. Tại Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nền nhà tắm vào mùa nồm ẩm càng khó khô hơn, nhất là với những phòng không có cửa sổ, thông gió kém. Tại nạn do trơn trượt nhà tắm gây ra không hề nhỏ. Thương tích nhẹ là xây xát, bầm tím, nặng có thể là gãy xương, thậm chí nhiều trường hợp nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Phòng tắm mặc dù là một trong những không gian chức năng để bạn thư giãn sau một ngày dài bận rộn nhưng cũng có thể trở thành nơi nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người cao tuổi. Nhằm hạn chế tối đa tình trạng nêu trên, bạn nên tham khảo một số giải pháp chống trơn trượt nhà tắm đơn giản, hiệu quả dưới đây.

Lát gạch chống trơn trượt nhà tắm

Đây là giải pháp chống trơn trượt nhà tắm phổ biến, hiệu quả, bền vững, có tính thẩm mỹ cao và nên được tiến hành ngay trong quá trình thiết kế, thi công phòng tắm. Gạch lát chống trơn trượt là loại gạch có xương gạch ceramic hoặc granite với độ ma sát bề mặt cao. Bề mặt gạch có thể là men mờ nhám, men bóng, sần hoặc in họa tiết nổi khối. Thị trường hiện có rất nhiều loại gạch ốp lát phòng tắm đa dạng về màu sắc, hoa văn, kiểu dáng cho bạn thỏa sức lựa chọn. 

Sử dụng gạch lát có độ sần nhám, ma sát cao là giải pháp chống trơn trượt nhà tắm bền vững, phổ biến nhất hiện nay.

Cách chọn gạch lát sàn chống trơn trượt nhà tắm

Để chọn được mẫu gạch lát chống trơn trượt phù hợp với phòng tắm, bạn nên tuân thủ một số nguyên tắc nhất định như sau:

Chọn gạch lát nền nhà tắm có độ nhám phù hợp

Độ nhám của bề mặt cũng như khả năng thấm nước khiến gạch lát nền nhà tắm chống trơn trượt có hiệu quả khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy, những loại gạch chống trơn trượt tốt thường có độ nhám lớn hơn bởi nó được tăng độ ma sát. Trong khi đó, các bề mặt bóng mịn dễ gây trơn trượt. Gạch có bề mặt nhám hoặc có nhiều gờ, rãnh sẽ giúp giảm lượng nước trên mặt sàn phòng tắm, từ đó giảm thiểu nguy cơ gây trơn trượt.

Chọn gạch lát nền nhà tắm có kích thước phù hợp

Kích thước của gạch lát nền phòng tắm cũng ảnh hưởng tới khả năng chống trơn trượt của nó. Thị trường hiện có nhiều mẫu gạch lát chống trơn trượt với kích thước từ 10x10cm đến lớn nhất là 60x60cm. Tuy nhiên, các chuyên nội thất khuyên dùng loại gạch có kích thước nhỏ bởi nó có nhiều đường chỉ ốp hơn so với gạch lớn, giúp tăng khả năng chống trơn trượt, tăng hiệu quả thoát nước cho sàn phòng tắm.

Chọn thương hiệu gạch lát nền chống trơn trượt phòng tắm uy tín

Thương hiệu gạch lát nền chống trơn trượt cũng là yếu tố quyết định chất lượng của gạch. Vậy nên, bạn cần tìm hiểu trên thị trường xem các thương hiệu nào có uy tín thông qua đánh giá của người dùng. Đồng thời, cần kiểm tra thực tế về độ bền cũng như khả năng chống trơn trượt của gạch lát.

Ngoài ra, mức giá cũng là dấu hiệu nhận biết gạch lát nền nhà tắm chống trơn trượt tốt hay không. Thực tế cho thấy, chất lượng gạch lát nền giá rẻ thường thấp hơn các loại giá cao. Để đảm bảo chất lượng thi công, bạn có thể tham khảo gạch lát nền của những thương hiệu uy tín như Đồng Tâm, Viglacera, Taicera…

>>> Xem thêm: Nên chọn sàn gỗ hay sàn gạch men cho ngôi nhà?

Các loại gạch chống trơn trượt nhà tắm phổ biến 

  • Gạch lát nền nhà tắm chống trơn bằng đất nung (gạch đỏ) không tráng men: Loại gạch này có khả năng hút nước tốt, bề mặt không bóng mịn nên chống trượt rất tốt và hiệu quả càng cao nếu được thiết kế thêm nhiều gân, gờ chỉ.

  • Gạch lát nền nhà tắm chống trơn trượt granite: Đây là loại gạch nhân tạo, cấu tạo từ đất sét (30%) và tràng thạch (70%) cùng một số chất phụ gia khác. Gạch sáng bóng, đẹp mắt, ít trơn trượt hơn so với gạch tráng men.

  • Gạch lát là đá tự nhiên: Với chất liệu bền vững và bề mặt sần nhám, loại gạch này có độ ma sát cao, giúp chống trơn trượt nhà tắm hiệu quả. Tuy nhiên, giá gạch lát bằng chất liệu đá đắt hơn so với các loại gạch lát nền khác.

  • Gạch men: Với bề mặt tráng men rất mịn nên khả năng chống trơn trượt thấp, nhất là nếu không có thiết kế gờ. Tuy có tính thẩm mỹ cao nhưng khả năng chống trơn trượt của gạch men thấp nhất trong các loại gạch.

Sử dụng thảm chống trơn trượt nhà tắm

Thảm trải sàn nhà tắm là loại thảm được thiết kế chuyên dụng cho những không gian chức năng thường xuyên bị ẩm ướt, độ ẩm cao. Đặc biệt, loại thảm này có khả năng chống trơn trượt rất tốt. Đế thảm có gai hoặc ma sát để bám chặt vào mặt sàn phòng tắm, phần trên của thảm cũng được thiết kế để nếu sàn bị ướt thì người sử dụng cũng không bị trơn ngã. Thảm trải chống trơn trượt nhà tắm có những ưu, nhược điểm nhất định như sau:

Ưu, nhược điểm của thảm chống trơn trượt nhà tắm

Ưu điểm

  • Không thấm nước, thoát nước nhanh, khả năng chống trơn trượt tốt.

  • Chất liệu đa dạng, thường làm bằng nhựa dẻo, cao su, đảm bảo độ bền nhưng không quá cứng với người dùng, nhất là trẻ nhỏ.

  • Đa dạng về kích cỡ, có thể phủ kín toàn bộ sàn phòng tắm hoặc một số vị trí nhất định như xung quanh bồn tắm, bồn cầu…

  • Thay thế cho dép đi nhà tắm, giúp chân tiếp âm sàn tốt, lưu thông khí huyết.

  • Tháo lắp dễ dàng, linh hoạt sử dụng cho nhiều không gian khác như nhà bếp, sàn bể bơi…

  • Mẫu mã, màu sắc đa dạng, tạo điểm nhấn trang trí đẹp mắt cho phòng tắm.

  • Giá thành phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người.

  • Thi công đơn giản, nhanh chóng, dễ thay thế khi hư hỏng.

Nhược điểm

Nhược điểm của thảm lót sàn chống trơn trượt nhà tắm là dễ bị đọng cặn bẩn dưới lớp lót. Do đó, bạn cần biết cách vệ sinh và làm sạch thường xuyên để không gian phòng tắm luôn tươi mới và an toàn.

Thảm trải phòng tắm chống trơn trượt rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc.

Cách chọn thảm nhà tắm chống trơn trượt

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thảm trải sàn chống trơn trượt với màu sắc, kiểu dáng, kích thước đa dạng. Để chọn được loại thảm phù hợp cho phòng tắm, bạn có thể tham khảo một số tiêu chí sau đây:

Độ bám dính, ma sát tốt

Bạn nên chọn thảm có độ ma sát, bám dính tốt. Bề mặt trên của thảm nên có vân, gai, lỗ hoặc nút tròn để khi người dùng giẫm chân ướt lên đó không bị trơn trượt. Mặt dưới thảm cần có các nút ma sát, giúp thảm không bị xê dịch khi có tác động lực từ mặt sàn phòng tắm. Những loại thảm có bề mặt nhám và thô ráp thường có khả năng chống trơn trượt tốt hơn.

Kích thước phù hợp

Kích thước thảm lót sàn phòng tắm rất đa dạng, tùy thuộc đó là thảm cuộn trải toàn bộ hay thảm kiểu lắp ghép các miếng với nhau. Trước khi mua thảm, gia chủ nên đo đạc diện tích cần chống trơn trượt để tính toán kích thước thảm cho phù hợp, không phải cắt gọt nhằm đảm bảo độ bền cũng như tính thẩm mỹ tổng thể.

Cân nhắc về chất liệu thảm chống trơn trượt nhà tắm

Hiện nay, thảm lót nhà tắm chống trơn trượt được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như nhựa, cao su, xốp, vải bông… Trong đó, thảm nhựa có độ bền cao hơn nhưng lại không mềm mại bằng thảm cao su.

Màu sắc, kiểu dáng hài hòa với tổng thể

Thảm chống trơn trượt nhà tắm hiện rất đa dạng, phong phú về màu sắc lẫn kiểu dáng. Bạn có thể chọn thảm dạng cuộn để trải toàn bộ mặt sàn phòng tắm hoặc sử dụng thảm miếng với kích thước, hình dáng, màu sắc khác nhau. Màu sắc của thảm nên hài hòa với tổng thể căn phòng hoặc sử dụng màu nổi bật hơn để tạo điểm nhấn trang trí tinh tế.

Các loại thảm chống trơn trượt nhà tắm phổ biến

Mỗi loại thảm đều có những ưu nhược điểm khác nhau, tùy theo nhu cầu sử dụng của gia chủ. Bạn có thể chọn một trong số các loại thảm chống trơn trượt nhà tắm phổ biến, hiệu quả, tiết kiệm chi phí dưới đây:

Thảm nhựa 

Đây là loại thảm trải chống trơn trượt nhà tắm phổ biến với nhiều ưu điểm như độ bền cao, thoát nước nhanh chóng, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, bao gồm các loại như sau:

– Thảm tấm chống trơn trượt: Loại thảm này có kích thước nhỏ, dạng tấm lắp ghép lại tạo thành mảng lớn. Thảm làm từ nhựa hoặc silicon với nhiều rãnh và hoa văn bề mặt lồi lõm nhằm gia tăng khả năng chống trơn trượt. Gia chủ có thể trải thảm kín sàn hoặc tại các khu vực chức năng như quanh bồn cầu, bồn tắm…

– Thảm dạng lưới trải kín sàn: Đây là kiểu thảm nhựa chống trơn trượt phòng tắm dạng lưới trải kín toàn bộ mặt sàn. Với thảm lưới, bạn có thể tự thi công lắp đặt nhanh chóng, dễ dàng. Làm từ nhựa dẻo, mềm nên thảm thoát nước tốt, chống trơn trượt hiệu quả.

Mẫu thảm nhựa dạng lưới trải kín sàn phòng tắm chống trơn trượt.

– Thảm nhựa chống trơn nhà tắm dạng cỏ: Bề mặt thảm được thiết kế giống những lá cỏ bằng nhựa, mang lại cảm giác mềm mại, dễ chịu khi sử dụng. Phần đế của thảm thoát nước tốt, giúp phòng tắm khô ráo hơn, hạn chế nguy cơ gây trơn trượt.

Thảm cao su:

Thảm cao su có nhiều ưu điểm như độ bền cao, khả năng chịu nước, ẩm tốt, chống trơn trượt hiệu quả. Bề mặt thảm mềm mại, tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng. Mặt khác, việc thi công lắp đặt thảm cũng dễ dàng, chi phí thấp hơn so với gạch lát nền chống trơn trượt. Tuy nhiên, nhược điểm của thảm cao su là không tạo cảm giác thông thoáng, dễ bị ẩm hơn.

Ngoài ra, thảm trải phòng tắm còn có nhiều loại làm bằng xốp lắp ghép, vải bông mềm, họa tiết hoa lá, động vật ngộ nghĩnh, hút nước tốt, giúp chân luôn khô ráo. Thế nhưng, loại thảm này chủ yếu để trang trí phòng tắm, hiệu quả chống trơn trượt không cao bằng thảm nhựa hoặc thảm cao su, dễ tích tụ nước, gây ẩm mốc.

Thảm cao su chống trơn trượt nhà tắm có độ bền cao, màu sắc nhã nhặn.

Sử dụng và vệ sinh thảm chống trơn trượt nhà tắm đúng cách

Để nâng cao hiệu quả sử dụng của thảm lót chống trơn trượt phòng tắm, đảm bảo vệ sinh và bền đẹp theo thời gian, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Hạn chế đổ nước, chất lỏng, chất trơn ra thảm gây tràn ứ, không thoát nước kịp.

  • Làm thẳng tấm thảm trước khi sử dụng.

  • Vệ sinh sàn phòng tắm sạch sẽ và làm khô trước khi trải thảm để tăng độ mút bám.

  • Thay thảm khi hết hạn sử dụng bởi thảm đã mất khả năng ma sát, chống trơn trượt.

  • Vệ sinh sàn phòng tắm để đảm bảo các cốc hút có thể bám dính tốt trên bề mặt nhà tắm.

  • Sử dụng giấm, baking soda hoặc oxy già nồng độ 3% vệ sinh cả mặt trên và mặt dưới thảm nhằm loại bỏ rác thải nhỏ, cặn xà phòng, tránh sự phát triển của nấm mốc cũng như tăng độ bền cho thảm. Bạn nhớ lau khô thảm sau khi làm sạch.

>>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng thiết kế phòng tắm mùa hè 2020: Màu sắc tinh tế và thư giãn

Sử dụng băng dán chống trơn trượt nhà tắm chuyên dụng

Hiện nay, băng dán chống trơn trượt được sử dụng phổ biến bởi những ưu điểm vượt trội như độ bền cao (3-5 năm), chịu nước tốt, có thể dán được ở nhiều bề mặt sàn (gạch men, gỗ, nền bê tông, gạch granite…), màu sắc nhã nhặn, chống trơn trượt nhà tắm hiệu quả.

Cách sử dụng miếng dán rất đơn giản, chỉ cần làm sạch, khô bề mặt sàn nhà tắm rồi bóc lớp giấy dán phía sau băng dán và dán trực tiếp xuống nền. Mục đích là để tăng độ bám dính, giúp giảm thiểu nguy cơ trượt ngã cho các thành viên gia đình. Lưu ý, bạn nên bóc miếng dán tới đâu thì dán tới đó, đồng thời dùng búa cao su hoặc con lăn để ép từ giữa ra mép băng để miếng dán dính hoàn toàn xuống sàn phòng tắm, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ tổng thể.

Các loại băng dán chống trơn trượt trên thị trường hiện rất đa dạng về màu sắc, độ dày, kích thước để người dùng lựa chọn phù hợp với không gian cụ thể. Ngoài phòng tắm, miếng dán cũng có thể sử dụng cho sàn bể bơi, bậc cầu thang, nền dốc thoải…

Mẫu băng dán giúp tăng gờ chỉ, độ bám dính, giảm nguy cơ trơn trượt trong phòng tắm.

Dùng sơn chống trơn trượt phòng tắm

Một trong những giải pháp chống trơn trượt nhà tắm hiệu quả là sử dụng sơn chống trơn hay dung dịch chống trơn chuyên dụng. Hóa chất gốc nước này không có màu, ít mùi, tạo bề mặt trong suốt (hoặc có thể thêm màu) và giúp gia tăng ma sát trên nền sàn phòng tắm.

Ưu điểm của sơn chống trơn trượt là độ bền cao (có thể lên tới 5 năm), có khả năng chống ăn mòn từ dung môi, hóa chất; độ bóng của nền sàn có thể giữ nguyên trong trường hợp sử dụng sơn trong suốt; an toàn, thân thiện với môi trường. Hơn nữa, việc thi công sơn chống trơn cũng khá đơn giản, nhanh chóng. Chưa kể, với sàn phòng tắm được phủ sơn chống trơn trượt, bạn dễ dàng vệ sinh làm sạch bằng nước lau sàn thông dụng.

Những loại sơn chống trơn trượt nhà tắm phổ biến gồm:

  • Sơn chống trơn trượt dạng đàn hồi, nhám mềm phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ.

  • Sơn chống trơn trượt dạng bình xịt nhiều màu sắc, có tính thẩm mỹ cao.

  • Sơn có độ nhám cao, gia tăng khả năng chống trơn trượt.

  • Sơn chống trơn trượt nhà tắm trong suốt, giúp giữ được màu sắc tự nhiên của nền gạch.

Những loại sơn chống trơn nhà tắm nói trên đều có tác dụng tạo bề mặt nhám sau khi sơn, ngay cả khi nền sàn có nước, đảm bảo an toàn cho người dùng, hạn chế nguy cơ trơn trượt, tai nạn không đáng có. Lưu ý, bạn cần làm sạch và khô bề mặt sàn phòng tắm trước khi sơn để đạt hiệu quả tốt nhất.

Để hạn chế tối đa nguy cơ trơn trượt nhà tắm, bạn có thể dùng sơn chống trơn chuyên dụng.

Ngoài những giải pháp nêu trên, bạn có thể lắp thêm thanh vịn trên tường phòng tắm, ở các vị trí dễ xảy ra tình trạng trơn trượt như bồn cầu, bồn tắm để người già hoặc trẻ nhỏ có điểm tựa chắc chắn. Thanh vịn cũng có thể tích hợp luôn chức năng giá treo khăn tắm cực kỳ tiện lợi. 

Cùng với đó, nên đảm bảo đủ ánh sáng cho không gian phòng tắm để việc di chuyển được dễ dàng nhất. Ngoài ánh sáng đèn điện, nếu có thể, phòng tắm nên có cửa sổ để đón sáng tự nhiên và thông gió giúp căn không gian phòng luôn khô ráo, hạn chế ứ đọng nước gây trơn trượt.

Thực tế cho thấy, phần lớn các phòng tắm đều được bố trí bồn rửa, bồn tắm và bồn cầu trong cùng một không gian. Sàn nhà tắm vì thế luôn trong tình trạng ẩm ướt. Cách bố trí khoa học nhất là từ ngoài vào trong, lần lượt gồm chậu rửa, bồn cầu, bồn tắm. Đặc biệt, nên phân tách khu tắm bằng vách kính để ngăn nước vương vãi ra sàn. Sàn phòng tắm cần có độ dốc nhất định và lỗ thoát nước đủ lớn để thoát nước nhanh chóng. Bạn cũng không nên bỏ qua việc sử dụng dép đi nhà tắm chống trơn trượt.

Cuối cùng, dù áp dụng giải pháp chống trơn trượt nào thì bạn vẫn phải thường xuyên vệ sinh làm sạch phòng tắm. Sau mỗi lần sử dụng, hãy làm sạch hết xà phòng, quét sạch nước để giữ nền nhà tắm khô ráo. Phòng tắm cũng cần đánh rửa thường xuyên nhằm loại bỏ mọi cặn bẩn, rêu mốc trú ngụ gây trơn trượt.

Như vậy, với những chia sẻ của Dothi.net về các giải pháp chống trơn trượt nhà tắm nêu trên, hẳn bạn sẽ lựa chọn được giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn cho người thân khi sử dụng không gian chức năng này.

Lam Giang (TH)

>> Bạn cần biết những điều này trước khi cải tạo phòng tắm

>> Mẫu phòng tắm hiện đại được thiết kế theo 21 cách khác nhau

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/01/07/chong-tron-truot-nha-tam-giai-phap-nao-hieu-qua-nhat

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *