Chồng viết di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho con riêng, vợ có quyền đòi lại?

Khi người chồng qua đời, người vợ sẽ là một trong những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất về di sản. Tuy nhiên, nếu người chồng có con riêng và trước khi qua đời đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản (bao gồm nhà, đất) cho người con đó, người vợ có quyền đòi lại hay không?

Ông Phú (Đống Đa, Hà Nội) và bà Hoa kết hôn từ năm 1994 nhưng không có con. Đến năm 2002, ông Phú công khai chuyện có con trai riêng (tên Lâm) nhưng không sống chung vì bà Hoa không cho phép. Lúc này, bố mẹ ông Phú đều đã qua đời. Cho đến khi ông Phú mất đột ngột vì tai nạn giao thông hồi tháng 3, bà Hoa mới biết chồng đã viết sẵn di chúc để lại toàn bộ nhà, đất cho anh Lâm, tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Bà Hoa không đồng ý với di chúc này và muốn phân chia lại di sản thừa kế có được hay không?

Chồng viết di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho con riêng, vợ có quyền đòi lại?
Ảnh minh họa: Internet

Theo Điều 648 Bộ luật Dân sự 2005, người lập di chúc có quyền để lại di sản cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào và phân định di sản cho từng người thừa kế mà không nhất thiết phải ngang bằng nhau. Do đó, ông Phú hoàn toàn có quyền viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con trai riêng, thay vì chia phần thừa kế cho cả vợ.

Tuy nhiên, Điều 644 Bộ luật này cũng quy định rõ, có 4 đối tượng vẫn được hưởng thừa kế dù không có tên trong di chúc, bao gồm: Con chưa thành niên, cha/mẹ, vợ/chồng, con thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc. Theo đó, những đối tượng này dù không có tên trong di chúc vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, dù ông Phú viết di chúc để lại toàn bộ nhà, đất cho con riêng, nhưng vợ hợp pháp là bà Hoa vẫn có quyền hưởng thừa kế kể cả khi không có tên trong di chúc. Bà Hoa sẽ được hưởng phần thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế khi di sản được chia theo pháp luật (1).

Căn cứ Điều 644 nói trên, nếu chia theo pháp luật, di sản ông Phú để lại sẽ được chia đều cho 2 người là bà Hoa và anh Lâm (do bố mẹ ông Phú đã qua đời và ông Phú chỉ có 1 người con đẻ là anh Lâm). Mỗi suất thừa kế là 1,5 tỷ đồng (2).

Từ (1) và (2), bà Hoa dù không có tên trong di chúc của ông Phú nhưng vẫn sẽ được hưởng thừa kế bằng 2/3 của 1,5 tỷ đồng, tức là 1 tỷ đồng.

Linh Phương (TH)

>> 4 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/05/19/chong-viet-di-chuc-de-lai-toan-bo-nha-dat-cho-con-rieng-vo-co-quyen-doi-lai

Theo Tạp chí Thanh niên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *