Chuyên gia y tế khẳng định bóng đá phong trào những va chạm và tiếp xúc gần, mang nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đây là môn thể thao không phù hợp để tập luyện trong mùa dịch COVID-19.
Bóng đá phong trào không phải môn thể thao nên chơi trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyên An/Vietnamplus)
Tập luyện thể thao, rèn sức khoẻ rất tốt và cần thiết trong mùa dịch COVID-19 giúp cơ thể có thêm sức đề kháng. Tuy nhiên, bóng đá không phải môn thể thao phù hợp để tập luyện thời điểm này.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Phú – Trưởng tiểu ban y tế các đội tuyển Tổng cục Thể dục-Thể thao, chơi bóng đá không phải cách rèn luyện an toàn trong mùa dịch COVID-19 khi mọi người đều cần ý thức, tránh tụ tập đông người.
Ông nói: “Vào thời điểm hiện tại, tình trạng dịch COVID-19 như vậy, môn bóng đá không còn phù hợp và không đảm bảo an toàn với người tham gia tập luyện. Số người chơi môn này trên một không gian không đảm bảo sự an toàn trong phòng ngừa lây nhiễm.”
Một trận đấu bóng đá phong trào thu hút lượng người chơi đông. Không những thế, môn thể thể thao này mang tính đối kháng và tiếp xúc gần. “Cầu thủ” thường xuyên bắt tay và giao tiếp sát nhau.
Thậm chí, phần đông người tham gia môn thể thao này hiện đều sử dụng chung áo thi đấu, cốc uống nước mỗi khi giải khát.
Bác sỹ Phú khẳng định: “Bóng đá có những va chạm và tiếp xúc gần, mang nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đặc biệt cường độ vận động cao và nhu cầu hô hấp lớn ở môn này sẽ khiến lượng không khí trên mặt sân không đảm bảo an toàn.”
Bên cạnh đó, lượng người có mặt trên sân bóng phong trào rất khó kiểm soát. Nhiều hình thức thi đấu giao hữu ở môn này khiến hai đội không biết nhiều thông tin về nhau, liệu người chơi có đang trong diện cách ly hay tới từ vùng dịch hay không và khi cần thì liên hệ ra sao.
Chuyên gia từ Tổng cục Thể dục-Thể thao khuyến cáo: “Nếu tình trạng bóng đá phong trào sinh hoạt mạnh tiếp tục diễn ra thì cần phải có cảnh báo. Trước đây chúng ta có thể xem bóng đá là môn thể thao đảm bảo thể lực, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, vào thời điểm này với bệnh lây nhiễm nguy hiểm, môn này không còn phù hợp nên chúng ta cần phải xem xét dừng tập luyện cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tâm lý chủ quan hoặc với tinh thần thể thao cho rằng đây là môn thể thao cần thiết có thể để lại hậu quả lớn.”
Một sân cỏ nhân tạo đông đúc người chơi bóng đá vào buổi tối bất chấp dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyên An/Vietnamplus)
Dẫu vậy, phong trào bóng đá tại Hà Nội vẫn đang được duy trì đều đặn bất chấp dịch COVID-19 ngày một diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, nhiều sân bóng trên địa bàn Hà Nội thu hút lượng lớn người chơi vào mỗi chiều và tối hàng ngày từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ở khu vực gần đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), một sân bóng đều kín người chơi lúc 19 giờ vào ngày thứ Hai. Lượng người này được duy trì đều vào mỗi tối cho tới cuối tuần. “Cầu thủ” gồm sinh viên, người đi làm trong nước và số ít người nước ngoài.
Điều này cũng được ghi nhận tại nhiều sân bóng nằm trên đường Mạc Thái Tông, Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầu và Cầu Giấy.
Một chủ sân bóng nhân tạo ở khu vực Hoàng Cầu (quận Đống Đa) cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách thuê đến sân chơi bóng có giảm nhưng không đáng kể. Vẫn có rất đông “cầu thủ” thi đấu, khoảng 15 người sinh hoạt trên một sân.
Một sân bóng với diện tích rộng tại đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) thu hút khoảng từ 40 tới 60 người chơi cùng một lúc vào buổi tối ở “khung giờ vàng” từ 17 giờ 30 tới 19 giờ. Chủ sân này cho biết nhiều đội bóng thuê sân cố định hàng tuần vẫn sinh hoạt đều và thường xuyên.
Với khuyến cáo từ chuyên gia y tế, bóng đá phong trào rõ ràng cần tạm dừng sinh hoạt trong mùa dịch để đảm bảo an toàn, tránh lây lan diện rộng tại Thủ đô./.
Nguyên An
Có nên tập thể thao giữa mùa dịch Covid-19?
Khi thể thao, cơ thể tiết mồ hôi, thải độc tố, nâng thể lực, tăng đề kháng, nhưng cần chọn nơi tập luyện an toàn để tránh nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Đến ngày 13/3, Việt Nam ghi nhận 44 ca dương tính nCoV, 16 người đã khỏi, 28 bệnh nhân mới phát hiện trong vòng một tuần qua. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều người lo ngại đi ra ngoài, cố thủ trong nhà, dừng hoặc giảm chơi thể thao và các hoạt động rèn luyện sức khỏe. Song, người sức khỏe yếu có nguy cơ nhiễm virus cao hơn người thể trạng khoẻ mạnh. Theo các bác sĩ, người dân không nên quá lo lắng, cần tuân theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng nCoV, xây dựng lối sống lành mạnh, chú trọng rèn luyện sức khoẻ qua các bài tập thể dục phù hợp với thể trạng của mình, chứ không nên lơ là thể thao trong thời điểm này.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dung, giảng viên khoa Y Dược Đại học quốc gia TP HCM cho biết, tập thể dục thường xuyên, đúng cách có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe thể lực lẫn sức khỏe tinh thần, phòng tránh Covid-19. Mỗi người khi tập luyện cần tự giác phòng tránh bệnh cho mình và cộng đồng. Với người bận rộn, hạn hẹp về thời gian cũng nên dành ít nhất 30 phút đi bộ hàng ngày.
Theo Michael Knight, trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y và Dịch vụ Y tế George Washington, trên thực tế, hoạt động thể chất có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Ông khuyến khích bệnh nhân của mình tiếp tục hoạt động thể chất một cách vừa phải để giảm rủi ro tổng thể sức khỏe của họ.
Người tập thể dục thường xuyên có lợi cho sức khỏe, cơ thể có độ dẻo, đàn hồi, phản xạ nhanh nhẹn.
Khi tập luyện, cơ thể tiết mồ hôi, giúp đào thải nhiều độc tố, nâng cao thể lực và sức đề kháng, chống lại bệnh tật tốt hơn. Người không tập thể dục thường xuyên cơ thể dễ bị uể oải, suy nhược, sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm các vi khuẩn, virus gây bệnh…
Một lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP HCM từng chia sẻ, tập luyện thể thao và tăng cường vận động thường xuyên là điều cần thiết cho sức khỏe. Chỉ có tập luyện mới tốt cho hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống chọi hiệu quả với bệnh tật. Vì vậy ngành thể dục thể thao kỳ vọng mọi người chú trọng giữ gìn và nâng cao sức khỏe bằng việc tập luyện thường xuyên, đúng cách.
Thường xuyên tập luyện thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.
Đại diện Citigym cho biết, mỗi ngày hệ thống đón hơn 2.500 hội viên tới tập luyện. Số lượng này giảm 10% khi dịch bệnh bùng phát. Để đảm bảo an toàn mùa Covid-19, Citigym đã tạo ra môi trường tập luyện an toàn cho hội viên của mình, thực hiện toàn diện các biện pháp, góp phần đẩy lùi nCoV.
Ngay khi dịch bùng phát, tất cả nhân viên Citigym đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng chống dịch do Bộ Y tế hướng dẫn. Mới đây, Citigym đã tiến hành phun khử trùng tất cả câu lạc bộ nằm trong hệ thống.
Nhân viên được quán triệt phải giữ gìn vệ sinh chung ở khu vực làm việc, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và trang bị nhiều vật dụng giúp ngăn ngừa dịch bệnh cho hội viên. “Với chúng tôi, đảm bảo sức khỏe cho hội viên là quan tâm số một. Vì vậy, mọi người hãy yên tâm rèn luyện sức khỏe, không nên giảm tập thể dục”, đại diện Citigym nói.
Người mẫu Thiên Nga được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào tập luyện tại Citigym.
Người mẫu Thiên Nga chia sẻ: “Từ khi nCoV bùng phát, tôi thấy e ngại khi tập luyện bởi những nơi tập trung đông người sẽ dễ lây lan. Khi đến Citigym, tôi đã được chứng kiến quy trình làm sạch, giữ môi trường an toàn tại đây. Chúng tôi được kiểm tra thân nhiệt. Nước rửa tay chuyên dụng cũng trang bị mọi nơi. Thiết bị tập luyện được vệ sinh và khử trùng thường xuyên. Vì thế tôi hoàn toàn an tâm tập luyện để tăng cường sức đề kháng giữa mùa dịch này”.
Tập luyện thể dục, thể thao là phương pháp nâng cao sức khỏe, góp phần phòng, chống dịch bệnh. Lựa chọn phòng tập có môi trường thông thoáng, nhiều cây xanh, được kiểm soát chặt chẽ về độ an toàn phòng chống dịch bệnh cũng giúp bảo vệ chính mình trước Covid-19.
Bảo Trân (Theo vnexpress.net)