Theo các chuyên gia, nước khoáng đóng chai thành phần chứa nhiều chất có lợi cho cơ thể, nhưng khi nấu lên qua phản ứng hóa học sẽ tạo ra chất gây hại sức khỏe.
Lo sợ nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn, người Hà Nội chấp nhận mua nước khoáng, nước đóng chai trong siêu thị, các cửa hàng tạp hóa để nấu ăn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, việc làm này vô tình gây hại cho sức khỏe chính mình và người thân.
Theo GS. TSKH Trần Văn Sung – Nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, các loại nước khoáng, nước đóng chai, bình đã qua xử lý hiện nay thường được bổ sung một số chất có lợi như: natri, kali, canxi hay magie… Nếu dùng để uống ngay thì rất tốt, nhưng để nấu ăn thì lại gây hại.
Chuyên gia này lý giải, khi nấu ăn ở nhiệt độ cao, các chất trên phản ứng với thực phẩm, gây hiện tượng hóa học khó lường, thậm chí sinh cặn bã của chính những chất có lợi trên. Con người nếu ăn phải các chất cặn bã này sẽ ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người mắc các vấn đề về thận hay sỏi thận.
“Khi đun sôi ở nhiệt độ cao lên tới 100 hay vài trăm độ C, các chất có trong nước khoáng sẽ có phản ứng hóa học với thực phẩm. Quá trình này rất khó lường trước về tác hại”, GS Sung nói.
Các chuyên gia cho rằng, không nên dùng nước khoáng, nước đóng chai để đun, nấu.
Để đảm bảo sức khỏe, theo giáo sư Sung, người dân chỉ cần dùng nước tinh khiết, nước từ các nhà máy, giếng khoan không bị ô nhiễm để sử dụng, tuyệt đối không nên dùng nước khoáng, nước đóng trong chai, bình đã qua xử lý để sử dụng.
Chung quan điểm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội bày tỏ, việc dùng nước đóng chai liên tục thời gian dài là không tốt.
Trong nước hàng ngày sử dụng đều có lượng chất khoáng tự nhiên tốt cho sức khỏe. Dù được đun sôi, để nguội nhưng thành phần hóa học của các chất này đều không thay đổi. Vì thế việc dùng loại nước này để ăn uống, sinh hoạt là rất phù hợp.
Những loại nước khoáng, nước đóng chai hiện nay hầu hết đã qua xử lý, một số có thể được bổ sung thêm khoáng chất nên quá trình nấu ăn, đun sôi sẽ làm mất cân bằng khoáng chất.
“Việc đun, nấu vô tình làm mất đi các vi chất có trong nước. Con người dùng lâu dài sẽ khiến cơ thể không đủ chất, dễ nhiễm bệnh. Do vậy, người dân không nên sử dụng nước khoáng đóng chai, bình để nấu ăn, vừa tốn kém lại không mang lại lợi ích gì”, ông Thịnh nói.
Người dân không nên dùng nước khoáng, nước đóng chai để đun, nấu. (Ảnh: PLXH)
Từ ngày 10/10, nhiều hộ dân trong dân cư ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và huyện Hoài Đức (Hà Nội)…phát hiện nước máy có mùi clo khử trùng nồng nặc. Đến tối, nước chuyển sang mùi khét và hắc như khói đốt đồ nhựa. Sang đến những ngày sau, nước có mùi khét nồng nặc như mùi nhựa cháy.
Kết quả xét nghiệm sau đó xác định nước bị nhiễm chất Styren, có tỷ lệ cao hơn 1,3 – 3,6 lần so với mức cho phép. Theo các chuyên gia, Styrene là chất hữu cơ được xếp vào nhóm các chất độc, lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt, nhưng bốc mùi khó chịu khi đậm đặc. Styren vào cơ thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí nó có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.
Ngày 15/10, UBND TP Hà Nội có công văn chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội cung cấp nước sạch miễn phí cho các khu vực bị ảnh hưởng do nước máy sông Đà bị nhiễm Styren. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở các tòa HH Linh Đàm, ngày 16/10, các xe chở nước miễn phí từ Nhà máy nước sạch Pháp Vân đến đây có mùi hôi tanh, vẩn đục màu vàng.
Giám đốc Công ty Nước sạch Pháp Vân thừa nhận xe bồn chở nước sạch miễn phí là xe chở téc nước tưới cây xanh.
Theo VTC
TS Việt tại Mỹ chỉ ra 3 mùi vị đặc trưng khi nước bị ô nhiễm
Ô nhiễm nước sinh hoạt qua cảm quan bằng mùi cũng được nhiều tài liệu đưa ra hướng dẫn. Khi phát hiện nước có mùi lạ, mùi váng dầu, háo chất thì tuyệt đối không dùng đun uống, nấu ăn, rửa rau, vo gạo…
Nước có mùi khác lạ là do chất rửa tẩy hay hóa chất có lẫn trong nước.
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA đã có những chia sẻ về cách nhận biết mùi của nước sinh hoạt khi bị ô nhiễm. Qua đó, người dân có thể biết cách nhận biết nước sinh hoạt có ô nhiễm hay không.
Ô nhiễm nước sinh hoạt qua “cảm quan về mùi” được TS Vũ tổng hợp từ một số nguồn tin cậy như đại học Georgia, Sở Y Tế Minessota ở Mỹ, khiến người đọc dễ nhận biết đâu là nước không sạch.
Thứ nhất: Chất rửa tẩy (bleach), hóa chất hoặc dược liệu
Các nhà cung cấp nước công cộng thường khử trùng nước bằng clo để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Mức clo tự do thường có trong nước uống từ hệ thống nước công cộng là 0,2 – 2,0 phần triệu (ppm, part per million), mặc dù ở một số nơi có thể lên tới 5,0 ppm. Mùi do bổ sung clo thường biến mất sau khi nước tiếp xúc với không khí trong vài phút.
Ngoài ra, việc thêm clo vào để làm sạch hệ thống ống nước cũng tạo ra mùi clo mạnh. Tuy nhiên, mùi thuốc tẩy sẽ mất khi clo tan và bốc hơi hoàn toàn. Do vậy, trong trường hợp này nên để vòi nước chảy ra bên ngoài và để nước chảy cho đến khi hết mùi trong hệ thống.
Thứ hai: Mùi trứng ung (lưu huỳnh), mùi hôi hoặc mùi giống như nước thải
Thông thường, sự xuất hiện các mùi này là do nhiễm khuẩn. Hoạt động của các vi khuẩn này thường sinh ra khí hydrogen sulfide (H2S) có mùi như trứng ung.
Để kiểm tra vị trí nhiễm khuẩn người ta thường làm các cách sau:
Xác định khuẩn ở trong nguồn nước hay ở trong hệ thống thải: Đổ đầy một ly nước từ bồn rửa có mùi, sau đó bước ra khỏi bồn và quậy ly nước vài lần. Nếu vấn đề là từ hệ thống xả, nước trong ly sẽ không có mùi và bạn phải làm sạch hệ thống thải. Một trong các cách là “sốc clo” (sử dụng chất rửa tẩy) hệ thống thải để xử lý vi khuẩn. Ngược lại, nếu nước xả có mùi thì bạn phải kiểm tra tiếp…
b. Kiểm tra vòi nước nóng lạnh, nếu mùi hôi chỉ từ vòi nước nóng thì có thể hệ thống làm nóng nước đã bị nhiễm khuẩn. Cần phải kiểm tra hệ thống này, làm sạch hoặc thay thế các bộ phận nếu cần thiết. Thông thường, mùi bắt nguồn từ thanh kim loại magiê làm gia nhiệt trong bể nước nóng.
c. Nếu mùi hôi từ vòi nước lạnh thì khả năng rất cao là sự nhiễm này bắt nguồn từ nguồn nước! Cần phải ngưng sử dụng nước và thông báo ngay đến đơn vị cung cấp nước để xử lý kịp thời.
Thứ 3: Mùi dầu mỏ, xăng, nhựa thông, mùi giống như nhiên liệu hoặc dung môi
Hiện tượng này hiếm xảy ra trong nước sinh hoạt, tuy nhiên nếu xảy ra thì nó chứa đựng nguy cơ nghiêm trọng. Mùi này có thể là do các nguyên nhân sau làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước của bạn: bể chứa nhiên liệu bị rò rỉ gần đó, nguồn xả thải từ các nhà máy hoặc bãi chôn lấp, nước thải từ các hoạt động nông nghiệp.
Trong trường hợp này cần ngưng sử dụng ngay nguồn nước cho việc ăn uống vì nó sẽ có thể gây hại cho sức khỏe như gây bệnh thiếu m.áu, tăng nguy cơ ung thư hoặc làm suy gan, suy thận, v.v…
Tại Hà Nội khu vực người dân phát hiện nước có mùi lạ, mùi váng dầu, nhựa khét. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn không có cơ quan chức năng nào lên tiếng khuyến cáo người dân ngừng hay tiếp tục sử dụng nước.
Người dân tạm thời không nên sử dụng nước có mùi lạ để uống, nấu ăn. Người dân cũng không sử dụng nước này để rửa rau, vo gạo và hoặc những việc khác tiếp xúc trực tiếp đến đồ ăn.
Theo infonet