Chuyên gia nói về 5 loại thực phẩm giúp chống dị ứng theo mùa

Hơn 50 triệu người Mỹ bị dị ứng mỗi năm và nhiều người hiện đang phải vật lộn với dị ứng ngay khi bước ra khỏi cửa.

Củ gừng có khá nhiều dược tính, có tác dụng chống viêm và chống ô xy hóa cho cơ thể – ẢNH: SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm có thể giúp làm dịu chứng dị ứng theo mùa khó chịu đó.

Sharon Brown, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và là người sáng lập Bonafide Provisions (Mỹ), cho biết: “Một nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia công bố cho thấy sự thiếu đa dạng trong hệ vi sinh vật đường ruột, hay còn gọi là vi khuẩn tốt trong đường ruột, có liên quan đến dị ứng theo mùa”.

Đường ruột có ảnh hưởng trực tiếp đến hắt hơi, ngứa mắt và các triệu chứng dị ứng theo mùa khác. Tập trung vào đường ruột, thay vì mũi, là chìa khóa để chống lại các bệnh dị ứng theo mùa.

Mặc dù chuyên gia Brown cho biết thêm rằng thời điểm tốt nhất để bắt đầu phục hồi đường ruột với vi khuẩn tốt là trước khi bị dị ứng theo mùa, bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp ngay bây giờ (giữa mùa) để giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Dưới đây, chuyên gia Brown chia sẻ 5 loại thực phẩm sẽ giúp chữa đường ruột của bạn và chống lại các bệnh dị ứng theo mùa, theo Eat This, Not That!

1. Nước hầm xương

Nước hầm xương rất giàu L-glutamine, một loại a xít amin giúp tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch trong ruột và làm dịu các mô biểu mô nằm trong ruột, theo chuyên gia Brown.

Bà Brown nói: “Với 70% hệ thống miễn dịch của bạn trong ruột, nước hầm xương là chìa khóa để xây dựng lại các vi khuẩn có lợi cho đường ruột”.

2. Kefir dừa

Bà Brown nói: “Kefir (món làm từa sữa bò lên men) dừa có thể có tới 30 chủng vi khuẩn tốt khác nhau. Điều quan trọng là phải tái tạo lại vi khuẩn tốt trong đường ruột của bạn và kefir dừa đảm bảo bạn đang cung cấp một số chủng vi khuẩn tốt”.

3. Củ gừng

Củ gừng có khá nhiều dược tính, có tác dụng chống viêm và chống ô xy hóa cho cơ thể. Chuyên gia Brown cũng cho biết gừng có tác dụng kháng histamine đối với cơ thể, giúp thông mũi.

Hãy nhớ rằng, các loại thuốc như Allegra, Claritin và Zyrtec đều là thuốc kháng histamine, có tác dụng ngăn chặn hoặc làm giảm histamine và làm các triệu chứng dị ứng giảm bớt. Nếu tiêu thụ thường xuyên, gừng có thể mang lại hiệu quả tương tự như một trong những loại thuốc không kê đơn phổ biến này, theo Eat This, Not That!

Bà Brown nói: “Nó cũng hỗ trợ tiêu hóa, là chìa khóa để đảm bảo cơ thể hoạt động hiệu quả. Tiêu hóa đúng cách đảm bảo cơ thể hấp thụ tất cả các vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng từ việc tiêu thụ thức ăn của bạn”.

4. Củ nghệ

Cũng giống như gừng, nghệ được ca ngợi vì đặc tính chống viêm của nó. Bà Brown cho biết loại gia vị này “được chứng minh là có tác dụng giảm viêm, đồng thời có thể giúp giảm ngạt mũi”.

5. Thực phẩm giàu vitamin C

Tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C có thể cung cấp cho cơ thể một loạt lợi ích về sức khỏe, từ cải thiện chức năng miễn dịch đến làn da khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, bà Brown cũng chỉ ra rằng thực phẩm giàu vitamin C có thể có tác dụng kháng histamine.

Bà Brown nói: “Đề xuất hàng đầu của tôi là tiêu thụ các loại rau họ cải giàu vitamin C, bao gồm cả cải Brussels và súp lơ”.

Điểm mấu chốt: Chuyên gia Brown nói rằng chìa khóa để chống lại bệnh dị ứng theo mùa bắt đầu từ trong ruột của chúng ta.

Bà Brown nói thêm: “Chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về dị ứng theo mùa. Theo kinh nghiệm thực hành dinh dưỡng của tôi, tôi thấy rằng khi bệnh nhân của tôi chữa lành đường ruột, dị ứng theo mùa của họ không còn là vấn đề nữa. Hippocrates cho biết tất cả bệnh tật đều bắt đầu từ đường ruột, và tôi đã thấy điều này đúng khi nói đến dị ứng theo mùa”, theo Eat This, Not That!

Khuyến cáo mới ứng phó với “dị ứng mùa xuân”

Nhiều người thường bị các triệu chứng: Hắt hơi, ho, sổ mũi, ngứa mắt và tắc nghẽn mũi khi mùa xuân đến. Đây là các triệu chứng thường gặp đối với những bị dị ứng theo mùa.

Trường Cao đẳng Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (ACAAI) đưa ra hướng dẫn mới để đối phó với các triệu chứng dị ứng theo mùa cổ điển này. Hướng dẫn này nhấn mạnh, ho là một triệu chứng phổ biến của viêm mũi dị ứng (cần phân biệt với triệu chứng ho của COVID-19).

Hướng dẫn khuyến cáo: Tránh dùng thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên, chẳng hạn như diphenhydramine (benadryl) và chlorpheniramine (chlor-trimeton), vì chúng có thể gây buồn ngủ và các triệu chứng như khô miệng, khô mắt và táo bón.

Thay vào đó, nên dùng các loại thuốc không hoặc ít gây ngủ như cetirizine (zyrtec), levocetirizine (xyzal), fexofenadine (allegra allergy), loratadine (claritin) hoặc desloratadine (clarinex).

Hướng dẫn còn cho thấy, corticosteroid dạng hít như fluticasone, mometasone, budesonide và triamcinolone… là phương pháp điều trị hiệu quả nhất nếu bạn có các triệu chứng dị ứng dai dẳng, đặc biệt nếu chúng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo ACAAI, chúng thậm chí có thể giúp kiểm soát các triệu chứng kèm theo dị ứng mắt.

Hướng dẫn chỉ ra rằng thuốc thông mũi pseudoephedrine có thể giúp thông mũi nhưng lại là thành phần chính trong methamphetamine (meth). Do đó, pseudoephedrine chỉ dùng theo đơn. Pseudoephedrine có nhiều tác dụng phụ, bao gồm mất ngủ, chán ăn, tim đ.ập nhanh… Không nên dùng cho phụ nữ mang thai. ACAAI cảnh báo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *