Tại nhiều tiệm cắt tóc, gội đầu, nhân viên hay bấm huyệt vùng đầu, mặt, nhổ tóc để giúp khách thoải mái, thư giãn.
Mỗi khi đi sửa tóc và gội đầu ngoài tiệm, tôi thường thấy nhân viên phục vụ hay day bấm huyệt một số nơi ở vùng đầu và mặt hoặc làm một số động tác như vặn cổ, kéo tóc… Có người nói làm như vậy rất tốt, giúp giảm đau đầu, thêm thư giãn. Làm vậy có đúng không, thưa bác sĩ? (Lê Anh, Hà Nam).
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), tư vấn:
Việc day bấm các huyệt vị châm cứu hay tiến hành các động tác xoa bóp ở vùng đầu cổ rất có ích, nhất là khi cơ thể mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng hoặc khi có những bức xúc quá mức về tinh thần.
Ngay cả khi không có bệnh, tự mình hoặc được người khác day bấm, xoa bóp đều đặn hằng ngày theo một quy trình đã được khẳng định thì hiệu quả phục hồi, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ không phải là nhỏ.
Đặc biệt, những thủ thuật day bấm và xoa bóp vùng đầu mặt cổ có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện tuần hoàn não, lập lại sự cân bằng giữa hưng phấn và ức chế, tăng cường khả năng chịu đựng của vỏ não trong điều kiện thiếu dưỡng khí.
Dù xoa day là động tác tự nhiên và đơn giản nhưng thực hiện ở vị trí nào, kỹ thuật ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất và dự phòng phản ứng phụ lại không đơn giản.
Trên thực tế, không hiếm những trường hợp tương đối khỏe mạnh nhưng khi thực hành các thủ thuật bấm huyệt và xoa bóp lại bị “say kim”. Trạng thái này biểu hiện bằng các triệu chứng như toàn thân toát lạnh, vã mồ hôi, đầu choáng mắt hoa, tay chân run rẩy, thậm chí có thể ngừng tim, co giật và sùi bọt mép giống như bệnh cảnh của một cơn động kinh điển hình.
Vì thế, day bấm nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc tối thiểu:
– Xác định chính xác vị trí của huyệt vị châm cứu.
– Thực hiện các động tác đúng kỹ thuật, lựa chọn cường độ, kỹ thuật và thời gian tác động phù hợp, tuân thủ đúng nguyên tắc “hư thì bổ, thực thì tả” của y học cổ truyền.
– Trang bị đầy đủ phương tiện và thuốc men cấp cứu để xử lý nhanh chóng khi có phản ứng phụ xảy ra.
– Có sự hướng dẫn hoặc tư vấn của người có chuyên môn, có chỉ định và chống chỉ định chi tiết và rõ ràng.
Việc day bấm và xoa bóp hiện nay được thực hiện ở những cơ sở được phép của cơ quan quản lý y tế, cả ở những cửa hàng làm tóc, gội đầu, xông hơi, massage… Không ít nơi nhân viên không có đào tạo bài bản và chất lượng, những thao tác day bấm, xoa bóp không đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Việc thực hành những thao tác day bấm, xoa bóp khi gội đầu là hữu ích nhưng phải lựa chọn cơ sở phục vụ có chất lượng, nhân viên được đào tạo cơ bản, khiến bạn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm.
Gội đầu rồi đi ra ngoài nắng nóng sẽ bị chóng mặt?
Nhiều người cho rằng ‘gội đầu rồi đi ra ngoài nắng nóng sẽ bị nhức đầu, chóng mặt’.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng quan điểm này không chính xác.
BS-CKII Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải thích, đối với một số phụ nữ có các triệu chứng bệnh lý thần kinh trước đó như đau đầu căng cơ, đau đầu Migraine…, việc gội đầu rồi đi ra ngoài nắng sẽ dễ gây ra đau đầu, chóng mặt là do nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ đột ngột. Còn đối với người bình thường thì hoàn toàn không có vấn đề nói trên.
Quan điểm cho rằng gội đầu trước khi đi ra ngoài nắng sẽ bị nhức đầu, chóng mặt là không đúng. Ảnh Pexels
Cũng theo BS Nguyễn Viết Hậu, quan điểm “sau khi đi dưới nắng, mọi người về đến nhà nên tắm ngay” hay “do thời tiết nóng nực nên phải tắm thường xuyên” đều không chính xác. Vì khi cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột thì trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục.
Ngược lại, chúng ta không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, đợi khô mồ hôi khoảng 30 phút hãy tắm. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không có lợi cho sức khỏe.
Một số điểm cần lưu ý phòng bệnh ngày nắng nóng
Để phòng ngừa các tình trạng do thời tiết nắng nóng hay thời điểm lúc giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, chúng ta nên có các biện pháp sau đây:
Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì cứ sau mỗi giờ nên chuyển sang nơi có không khí mát mẻ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại với công việc. Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Chúng ta nên uống các loại nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường…
Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Ảnh M.Phúc
Theo BS Nguyễn Viết Hậu, trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa phải lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp. Nguyên nhân do mọi người có xu hướng ở trong phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng quạt mạnh hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có đá… Những hoạt động như vậy vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Làm cho các vi trùng có lợi cho cơ thể chết đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh lý như: Nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên…
Nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển của các loài trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián… dễ gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể.
Khi nhiệt độ tăng cao thì sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi và chất bã nhờn. Đặc biệt là ở t.rẻ e.m hay người già cao tuổi mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị l.ở l.oét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn…
Một số bệnh truyền nhiễm ít chú ý tới như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng cũng thường xuất hiện trong thời gian này. Đối với trẻ trong độ tuổi tiểu học hay THCS, cha mẹ thường ít chú ý kiểm tra lịch chích ngừa. Tốt nhất, sau 3 đến 5 năm, chúng ta nên chích ngừa nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.