Theo Medical Express, các nhà khoa học ở Đại học Tel Aviv, Israel, đã chứng minh được rằng nếu bệnh nhân tiểu đường thể 2 ăn sáng bằng thực phẩm giàu tinh bột, ăn bữa trưa bình thường và bữa tối chỉ ăn nhẹ thì có thể không còn cần tiêm insulin nữa.
Chế độ ăn uống do các nhà khoa học Israel đề xuất đã tăng cường sự biểu hiện của các gien liên quan đến đồng hồ sinh học – Ảnh: CCO Public Domain
Thông thường, bệnh nhân tiểu đường được quy định một chế độ ăn kiêng bao gồm 6 bữa ăn nhẹ với khối lượng nhỏ dùng lần lượt trong ngày. Nhưng, theo các nhà khoa học Israel, công thức của họ chỉ gồm 3 bữa ăn, chú trọng vào bữa sáng giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Theo họ, vấn đề là đồng hồ sinh học được tối ưu hóa cho việc tiêu thụ phần lớn thực phẩm vào buổi sáng, đói vào buổi tối và ban đêm, khi ngủ. Chế độ ăn uống do các nhà khoa học Israel đề xuất đã tăng cường sự biểu hiện của các gien liên quan đến đồng hồ sinh học, sự tiết insulin và cải thiện việc cung cấp đường cho cơ bắp, tạo ra sự chuyển hóa glucose cân bằng cả ngày lẫn đêm.
Các nhà khoa học đã yêu cầu 29 bệnh nhân tiểu đường thử áp dụng chế độ ăn kiêng mới với bữa sáng gồm bánh mì, trái cây, đồ ngọt, bữa trưa bình thường và bữa tối nhẹ nhất. Ngoài ra, còn có một nhóm đối chứng dùng 6 bữa ăn mỗi ngày.
Kết quả là, nhóm đối chứng trong quá trình thử nghiệm không giảm trọng lượng mà cũng không cải thiện được các chỉ số đường huyết. Nhưng ở nhóm chính, những người tham gia thử nghiệm đều giảm đáng kể lượng đường huyết, cho phép giảm liều tiêm insulin. Một số tình nguyện viên đã từ bỏ insulin hoàn toàn.
Vũ Trung Hương
Theo motthegioi
Người bệnh tiểu đường sẽ không cần tiêm insulin nhờ loại thuốc mới
Hàng triệu bệnh nhân tiểu đường trên khắp thế giới sẽ tránh được cảm giác đau đớn khi phải tiêm insulin mỗi ngày. Các nhà khoa học đã phát minh ra loại thuốc viên có thể đưa insulin vào cơ thể thông qua đường uống.
Sắp tới, người bệnh tiểu đường có thể không cần tiêm insulin nhờ loại thuốc viên nhộng mới – Ảnh minh họa: Shutterstock
Insulin là loại thuốc cực kỳ quan trọng giúp ổn định đường huyết ở người tiểu đường. Hiện tại, bệnh nhân tiểu đường phải đưa insulin vào cơ thể bằng cách tiêm. Phương pháp này gây đau và đặc biệt đáng sợ với người ghét kim tiêm, theo Daily Mail.
Việc bổ sung insulin bằng đường uống lại rất khó khăn. Muốn cơ thể hấp thụ insulin, viên thuốc phải đi qua dạ dày và vào đến ruột non.
Tuy nhiên, các loại chất liệu để bào chế vỏ ngoài viên thuốc hiện giờ đều dễ phân rã khi vào đến dạ dày. Insulin sẽ mất tác dụng khi tiếp xúc với a xít dạ dày.
Nhưng mọi thứ giờ đã thay đổi. Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã tạo ra thành công loại viên nhộng có lớp vỏ bền hơn, đủ để chịu được môi trường a xít trong dạ dày. Nhờ đó, viên nhộng chứa insulin có thể đi qua dạ dày, vào đến ruột non.
Viên nhộng insulin được các nhà khoa học tạo ra có kích thước dài 3 cm. Họ đã thử nghiệm thành công trên lợn. Phát minh mới đã nhận được nhiều lời khen ngợi, được đ.ánh giá là thú vị và mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu người bệnh tiểu đường, theo Daily Mail.
Lớp ngoài cùng của viên nhộng được làm nằng chất poly (methacrylic acid-co-ethyl acrylate). Chất này có thể chịu được môi trường a xít trong dạ dày. Khi viên nhộng đi đến ruột non, nó sẽ vỡ ra và để lộ thiết bị tiêm thuốc bên trong. Thiết bị nhỏ này sẽ bám vào thành ruột và đưa thuốc vào m.áu bằng các mũi tiêm siêu nhỏ có chiều dài khoảng 1 mm.
Trong môi trường tiêu hóa, thiết bị này cũng sẽ phân rã sau vài giờ. Nó hoàn toàn không gây bất kỳ nguy cơ nào cho ruột. Thử nghiệm được thực hiện trên lợn, giúp đưa vào cơ thể chúng một lượng insulin tương đương với khi tiêm.
Sắp tới, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm loại viên nhộng insulin trực tiếp trên người. Trong tương lai, họ tin rằng phương pháp này có thể áp dụng để đưa nhiều loại thuốc khác vào cơ thể mà không cần kim tiêm, chẳng hạn như các loại hoóc môn và enzyme, theo Daily Mail.
Theo Thanh niên