Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét các biện pháp phòng ngừa trong không khí đối với đội ngũ nhân viên y tế sau khi một nghiên cứu mới cho thấy virus corona chủng mới ( SARS-CoV-2) có thể tồn tại trong không khí trong một số môi trường.
Trong cuộc họp báo ngày 16-3, bà Maria Van Kerkhove – người đứng đầu đơn vị nghiên cứu các loại bệnh mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – cho biết virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) nói trên hiện lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp. Khi thực hiện liệu pháp khí dung (biện pháp giúp điều trị tại chỗ các bệnh lý đường hô hấp), virus có thể tồn tại trong không khí lâu hơn.
Do đó, bà Maria Van Kerkhove cho rằng “điều rất quan trọng là các nhân viên y tế phải có biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc bệnh nhân cũng như khi thực hiện liệu pháp đó”.
Một trạm kiểm tra thân nhiệt tại Messina – Ý. Ảnh: REUTERS
Các quan chức y tế thế giới cho biết virus SARS-CoV-2 lơ lửng trong không khí tùy thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ và độ ẩm. Theo bà Maria Van Kerkhove, các quan chức y tế biết được một số nước đang nghiên cứu các điều kiện môi trường khác nhau mà SARS-CoV-2 có thể tồn tại.
Các nhà khoa học đặc biệt xem xét độ ẩm, nhiệt độ và tia cực tím tác động ra sao đến Covid-19, cũng như thời gian virus SARS-CoV-2 tồn tại trên các bề mặt khác nhau, trong đó có thép. Giới chức y tế đã khuyến cáo nhân viên y tế đeo khẩu trang phòng độc chuyên dụng N95.
Một khách đeo khẩu trang tại nhà hàng Katz’s Delicatessen nổi tiếng ở Manhattan – Mỹ. Ảnh: NEW YORK POST
Cũng trong ngày 16-3, WHO đề nghị mọi quốc gia tăng cường xét nghiệm và cách ly bởi đó là biện pháp tốt nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhận định các ca nhiễm leo thang nhanh chóng trong tuần qua. Do đó, theo ông Tedros, “thông điệp đơn giản cho các quốc gia: xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Xét nghiệm tất cả người bị nghi nhiễm. Nếu kết quả dương tính, hãy đưa họ đi cách ly, tìm ra những người họ từng tiếp xúc trong vòng hai ngày trước khi có triệu chứng và xét nghiệm cả những người này”.
WHO đã chuyển gần 1,5 triệu bộ kit xét nghiệm đến 120 nước. Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều nước chịu tình trạng quá tải hệ thống y tế, ông Tedros đề nghị ưu tiên các bệnh nhân lớn t.uổi, những người mắc bệnh nền và có triệu chứng nghiêm trọng.
H.Bình (CNBC, Reuters/nld.com.vn)
Dịch COVID-19: Làm gì để tự bảo vệ mình khi đến trung tâm thương mại, nhà hàng?
Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nếu bắt buộc phải đến những nơi đông người như trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, mỗi cá nhân hãy tự bảo vệ mình
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế , bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, một trong các biện pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh là công tác vệ sinh, khử khuẩn đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng để hạn chế tối đa sự lây nhiễm vi rút qua tiếp xúc với bề mặt, vật dụng bị nhiễm vi rút.
Mặc dù theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cần hạn chế đến chỗ đông người để phòng chống dịch COVID-19. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nếu bắt buộc phải đến những nơi đông người như trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, mỗi cá nhân hãy tự bảo vệ mình bằng cách thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất là luôn phải vệ sinh đôi bàn tay, đây là biện pháp đơn giản mà rất hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Các thời điểm rửa tay cần thiết là sau khi ho, hắt hơi; sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như: nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can…; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ; trước khi ăn; khi bàn tay bẩn, trước khi vào và sau khi ra khỏi khu dịch vụ.
Có thể rửa tay bằng nước với xà phòng hoặc dùng dung dịch sát khuẩn tay
Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì có thể dùng dung dịch sát khuẩn tay đã được Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực (danh sách các sản phẩm này được công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý môi trường y tế tại địa chỉ https://vihema.gov.vn) hoặc dung dịch cồn y tế chứa ít nhất 60% cồn để diệt khuẩn tay.
Người dân cần lưu ý tránh mua các sản phẩm được quảng cáo là nước rửa tay khô có khả năng diệt khuẩn chưa được Cục Quản lý môi trường y tế cấp số đăng ký lưu hành. Trên nhãn các sản phẩm này thường không ghi rõ hàm lượng cồn và các loại vi khuẩn mà sản phẩm có thể diệt. Các sản phẩm này thường chứa hàm lượng cồn dưới 60% và không đủ để diệt được vi rút gây bệnh COVID-19 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ.
Thứ hai là cần hạn chế đưa tay sờ lên mặt, mũi, miệngvà không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi hoặc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Thứ ba là luôn c he mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.
Thứ tư là luôn s ử dụng khẩu trang đúng cách khi đến khu dịch vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác. Tuyệt đối không được khạc nhổ bừa bãi.
Trong thời gian ở khu dịch vụ, nếu bản thân thấy có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, đau họng hãy thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ.
Tại các khu dịch vụ, khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày các vị trí tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy
Đối với Ban quản lý khu dịch vụ, cần thực hiện tốt một số việc như vệ sinh khu dịch vụ hàng ngày bằng các chất rửa tẩy thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút để, hoặc dung dịch chứa 0,05% clo hoạt tính sau khi pha để lau các bề mặt. Cụ thể như sau:
Người dân khi đến chỗ sử dụng dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng… cần tuân thủ thực hiện hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế Ảnh minh hoạ
Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của t.rẻ e.m, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày.
Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày.
Bố trí đầy đủ dung dịch rửa tay khô tại sảnh đón tiếp, lối vào, sảnh chờ. Đảm bảo đủ nước sạch và xà phòng (hoặc dung dịch rửa tay), giấy vệ sinh tại nhà vệ sinh.
Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi… của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa.
Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy, hàng ngày thu gom chất thải và đưa đi xử lý.
Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng.
Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ.
Mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, thực hiện tốt công tác vệ sinh khử khuẩn đối với bản thân và các khu dịch vụ để góp phần phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Thái Bình (suckhoedoisong.vn)