Dạ dày khỏe mạnh rất sợ những thói quen này của bạn
Ăn uống quá nhiều
Ăn uống mất kiểm soát đối với người khỏe mạnh còn dễ khiến dạ dày tăng gánh nặng, huống chi nếu chức năng dạ dày của bạn vốn không tốt mà còn hấp thu quá nhiều nhiệt lượng sẽ càng khiến dịch vị và dịch mật phải tiết ra nhiều hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả “làm việc” bình thường của hệ tiêu hóa.
Khi dạ dày tích tụ nhiều tàn dư thức ăn nên luôn ở trạng thái “no”, niêm mạc dạ dày không thể hồi phục như thường lệ, dịch vị ở lâu bên trong dễ gây các bệnh về dạ dày và ảnh hưởng đến cả đường ruột. Muốn duy trì dạ dày khỏe mạnh, bạn cần có liều lượng ăn uống hợp lý.
Nhịn ăn để giảm cân
Ngược lại với thói quen ăn vô độ ở trên, người muốn giảm cân giữ dáng nếu mù quáng nhịn ăn không những gây mất cân bằng dinh dưỡng mà còn làm cho dạ dày ít có cơ hội vận động, chức năng dần dần thoái hóa và dẫn đến cả hệ thống tiêu hóa không thể hoạt động hiệu quả.
Ăn uống không đúng giờ giấc
Bất kể bạn bận rộn thế nào, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến cáo bạn nên có giờ giấc ăn uống cố định và tuân thủ nó. Nếu để quá đói sẽ làm tăng dịch vị dễ gây viêm loét, nếu lại ăn quá nó thì tăng áp lực cho hệ tiêu hóa.
Bụng rỗng lại ăn cay
Ăn cay hợp lý đích thực có lợi ích nhất định đối với sức khỏe, tuy nhiên nếu bạn có thói quen ăn cay lúc bụng rỗng thì nên sửa chữa ngay. Một số chất trong thức ăn cay có thể kích thích niêm mạc dạ dày, gây sung huyết, phù thủng, viêm loét v.v…
Bỏ qua bữa sáng
Ăn sáng khoa học là một điều kiện góp phần duy trì dạ dày khỏe mạnh. Tuy nhiên không ít người vì nhiều lý do mà bỏ qua bữa ăn này. Dạ dày sau một đêm nếu không được bổ sung thức ăn sẽ làm cho dịch vị tiết ra nhiều kích thích niêm mạc, lâu ngày gây ra các bệnh lý ở cơ quan này.
Ngoài ra, nhịn ăn sáng còn làm cholesterol trong dịch mật tích tụ hình thành sỏi ở gan, lại khiến bạn ăn quá nhiều ở bữa trưa và bữa chiều nên càng dễ bị béo phì mà không đạt hiệu quả giảm cân như mọi người vẫn nghĩ.
Nhét đầy dạ dày trước khi ngủ
Nếu như không ăn sáng gây nhiều tác hại thì thói quen ăn uống no nê trước giờ ngủ ban đêm cũng cần thay đổi nếu không muốn dạ dày ngày càng yếu đi. Bổ sung nhiều thức ăn trước khi ngủ sẽ làm dịch vị tiết ra nhiều, dạ dày phải làm việc cật lực lâu ngày dễ gây viêm loét. Một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện như khó thở, sình bụng, đau bụng v.v…
Dạ dày không khỏe mà không trị
Một số triệu chứng ban đầu của các bệnh lý về dạ dày thường bị con người xem nhẹ và cho qua. Thói quen không điều trị sớm khi tình trạng nhẹ sẽ có thể biến chứng thành nặng, đồng thời làm suy giảm chức năng hệ tiêu hóa và khiến quá trình điều trị về sau khó khăn hơn.
4 nguyên tắc cơ bản nhất trong ăn uống để luôn có một dạ dày khỏe mạnh
Mềm và chậm
Bạn nên lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, nếu là các nguyên liệu cứng thì khi nấu nướng cần nhiều thời gian hơn để đồ ăn chín mềm, giúp giảm gánh nặng cho dạ dày và đường ruột. Tốc độ ăn uống nên chậm rãi, nhai kỹ và nuốt chậm vừa giúp cơ thể dễ hấp thu dinh dưỡng hơn, vừa giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, ít bệnh tật.
Tươi và thanh đạm
Nguyên liệu nấu ăn nên có nguồn gốc sạch, an toàn và giữ được độ tươi mới, không ăn thực phẩm đã để lâu hoặc bị hư thối dù là tự nhiên. Khẩu vị nên thanh đạm, hạn chế muối, đường và dầu mỡ. Người thích ăn cay cũng nên chú ý liều lượng phù hợp.
Ấm và sạch
Dạ dày khỏe mạnh còn kị độ lạnh, bao gồm cả thực phẩm lạnh. Bạn nên ưu tiên ăn uống với thực phẩm còn độ ấm vừa phải là lý tưởng nhất, không để quá lạnh hoặc quá nóng đều không tốt cho dạ dày. Ngoài ra, sơ chế nguyên liệu phải đảm bảo sạch sẽ để giảm tác hại của các độc tố, bụi bẩn.
Ăn ít
Mỗi lần chỉ nên ăn 7 phần no để giúp tiêu hóa và hấp thu tốt. Thực phẩm thô tuy giàu chất xơ nhưng cũng cần sử dụng khoa học, không nên lạm dụng gây khó tiêu và kích thích niêm mạc dạ dày, dẫn đến chướng khí, đau, viêm loét v.v…
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)