‘Đã thực hiện rất tốt các giải pháp’, sao bệnh tay chân miệng ở TP.HCM vẫn tăng?

Năm nay bệnh tay chân miệng tiếp tục có xu hướng tăng bằng so với cùng kỳ các năm. Điều này chính là nghịch lý bởi theo Sở Y tế TP.HCM, các đơn vị đã “thực hiện rất tốt các giải pháp đề ra”. Tại sao vẫn tăng?

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 – Ảnh: H.L.

Trong buổi giao ban đầu tuần mới đây, giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh có ý kiến truyền đạt yêu cầu các lãnh đạo phòng chức năng phải tìm ra nguyên nhân tại sao dịch tay chân miệng gia tăng.

Bệnh tăng liên tục

Từ giữa tháng 7, lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh đang vào mùa, có xu hướng lây lan nhanh nếu không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa.

Báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thuộc Sở Y tế TP, trong tháng 8 toàn thành phố có 3.088 ca tay chân miệng được báo cáo. Trong đó có 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú, tăng 115% so với tháng 7 (1.438 ca). Số ca tích lũy đến tháng 8-2019 là 9.718 ca, giảm 16% so với cùng kỳ 2018 (11.495 ca), không có ca t.ử v.ong. Và theo báo cáo sơ bộ, số t.rẻ e.m bị tay chân miệng trong tháng 9 lại có chiều hướng gia tăng.

Ghi nhận tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám và được kê thuốc điều trị ngoại trú lẫn số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú đều gia tăng. Nếu như tháng 7 chỉ có hơn 1.900 trẻ đến khám bệnh do mắc tay chân miệng thì trong tháng 8 có đến gần 5.000 ca. Tháng 7 có 168 ca phải nhập viện điều trị nội trú thì đến tháng 8 con số này tăng lên 283 ca và mới chỉ tính đến nửa đầu tháng 9 có đến 235 ca. Trước tình hình này, khoa nhiễm đã bố trí một khu vực dành riêng cho bệnh nhi để tránh lây lan cho các bệnh nhi khác.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 số liệu thống kê sơ bộ cho thấy trong tháng 8, mỗi ngày đơn vị điều trị cho khoảng 20 trẻ nội trú mắc tay chân miệng. Nhưng đến giữa tháng 9 con số này tăng hơn 2 lần (50 trẻ/ngày). Đặc biệt có một số trường hợp khá nặng, phải thở máy.

Trường học và phụ huynh thờ ơ

Quy luật của bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 t.uổi, bắt đầu phát sinh từ tháng 8 kéo dài đến hết tháng 12 khi trẻ trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè.

Theo tìm hiểu, để giám sát việc bùng phát dịch bệnh, từ lâu giải pháp mà Sở Y tế TP đề ra là xây dựng hệ thống giám sát dịch tễ từ TP – quận huyên – phường xã, qua đó ghi nhận ca bệnh đến khám, điều trị tại các bệnh viện báo cáo trong vòng 24 giờ để được điều tra dịch tễ xử lý.

Mặt khác, hằng năm Sở Y tế TP đều ký kế hoạch liên tịch với Sở GD&ĐT, đồng thời có các văn bản chỉ đạo địa phương triển khai “chiến dịch” phòng chống bệnh tay chân miệng, nhất là trong thời điểm khai giảng năm học mới tại các trường học, với các nhóm trẻ. Các khuyến cáo yêu cầu trường học tuân thủ kiểm soát bệnh truyền nhiễm thông qua điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh để cách ly kịp thời, điều trị.

Giải pháp là thế, nhưng ghi nhận tại một số trường mầm non lại cho thấy từ giáo viên đến phụ huynh còn khá thờ ơ với các biểu hiện của trẻ để phòng ngừa. Đặc biệt ở khâu điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh để cách ly kịp thời chỉ là “trên lý thuyết”, ít nơi quan tâm.

Tại một trường mầm non ở P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) khi được hỏi về các biểu hiện để nhận biết trẻ bị bệnh tay chân miệng, cô giáo tên A. lắc đầu nói “chịu thua”.

Rồi cô này cười thú nhận: “Tụi em chỉ được thông báo sơ là giữ gìn vệ sinh trong lớp học, chứ không hiểu rõ về biểu hiện của bệnh nên chỉ khi gia đình chủ động thông báo mới biết bé nào bị ốm”.

Chị H., có con từng cho theo học ở đây, cho biết hầu như các trường chỉ quan tâm đến tháng đóng t.iền học phí, rất hiếm khi quan tâm đến việc bé bị bệnh hoặc có đi học hay không.

“Nếu phụ huynh có con bị bệnh nhưng vẫn cho đi học bình thường thì coi như cả nhóm trẻ đều bị lây bệnh” – chị H. khẳng định.

Không chỉ nguyên nhân từ nhà trường, thực tế có nhiều bậc cha mẹ “phó thác” con cho trường. “Vì công việc bận rộn, họ cứ việc đẩy con vào trường mà ít quan tâm đến việc con mình có bệnh hoặc vừa bị lây bệnh hay không. Chỉ đến lúc con bị bệnh nhập viện mới tá hỏa, lúc ấy quá muộn” – phụ huynh tên T. cho hay.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 – cho biết đối với bệnh tay chân miệng các giải pháp phòng ngừa, khống chế ổ dịch ngay từ đầu mùa rất quan trọng. Và nếu làm tốt sẽ giảm thiểu số ca nguy cơ lây bệnh.

Còn nói ngăn chặn triệt để là điều không thể bởi bệnh chưa có văcxin phòng ngừa. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bệnh tăng? Theo BS Khanh, có một thực tế là ý thức của người dân khi chưa mắc bệnh họ không thực hiện phòng ngừa theo khuyến cáo.

“Quy luật của bệnh là không thay đổi. Muốn phá vỡ quy luật chỉ có văcxin, bởi nếu chỉ phòng ngừa thường quy, người dân sẽ không thực hành” – BS Khanh nói.

Chưa có văcxin phòng ngừa

Một trong các biện pháp để phòng ngừa bệnh tay chân miệng là cho trẻ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà bông thường xuyên – Ảnh: H.L.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có văcxin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước, xà phòng, vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo nếu phát hiện sớm trẻ có các biểu hiện như thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái, sốc… cần cách ly với các trẻ khác, nhanh chóng đưa trẻ nhập viện tránh bệnh trở nặng, có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Nhà trường biết nhưng không báo

Mấy ngày qua, anh N.D.T. (35 t.uổi, ngụ Q.Tân Bình) bất ngờ thấy con trai 3 t.uổi có các biểu hiện lạ như bứt rứt, đêm ngủ không được. Sáng ra, anh kiểm tra phát hiện ở tay, chân nổi các mụn nước, kèm theo đó là những nốt ửng đỏ. Sau khám, bác sĩ khẳng định con trai anh đã “dính” bệnh tay chân miệng và yêu cầu cách ly điều trị.

“Tôi gọi điện cho nhà trường nơi bé học để hỏi sự tình. Nhà trường nói có một bé cùng lớp với con tôi bị tay chân miệng nhưng chưa kịp thông báo cho các phụ huynh khác biết. Tôi khá bất ngờ với cách xử lý này và yêu cầu nhà trường phải có biện pháp cách ly, tẩy trùng, đồng thời thông báo cho phụ huynh biết để chủ động đề phòng” – anh T. nói.

Theo tuoitre

Lo ngại bệnh tay chân miệng bùng phát trong thời gian tới

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 ca mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018 và có nguy cơ bùng phát trong các tháng tới.

Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, thời tiết giao mùa dễ dàng thuận lợi cho virus tay chân miệng phát triển nếu không vệ sinh phòng bệnh tốt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng là điều “xa xỉ” khi trẻ học cả ngày ở trường, trong khi nhiều trường học không có xà phòng để học sinh rửa tay, nhà vệ sinh xuống cấp.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt trong các tháng 10, 11. Nguyên nhân bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh do t.rẻ e.m, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài năm trước, một số trường học trên địa bàn Hà Nội triển khai lắp hệ thống vòi nước để học sinh rửa tay. Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình lắp một loạt vòi nước rửa tay phía ngoài phòng học tầng 1. Nhưng sau khi triển khai một thời gian, theo phản ánh của phụ huynh học sinh, có vòi hỏng, có vòi không chảy nước.

Một phụ huynh khác có con học ở đây cho biết, con chị nhiều lúc phải “nhịn” đi vệ sinh vì vừa bước vào mùi khai xộc lên. Có lúc nhà cầu bị tắc khiến học sinh phải bỏ chạy. Bồn nước rửa tay đôi lúc không có nước, không có xà phòng, nhà vệ xây dựng đã lâu, xuống cấp, chật chội, chen chúc mới vào rửa tay được. Đến nỗi, nhắc tới nhà vệ sinh trường học, con chị coi đó là “nỗi ám ảnh t.uổi thơ”.

Với điều kiện như vậy, việc phòng bệnh tay chân miệng trong trường học là điều vô cùng khó khăn. Với học sinh mầm non và tiểu học, cả ngày ở trường, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, nhưng có con không rửa tay, chứ chưa nói là phải rửa tay thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường học ở Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, học sinh rửa tay thường xuyên rất khó thực hiện. “Nếu lấy lý do mua xà phòng rửa tay liên quan đến kinh phí thì nhà trường lấy từ khoản thu quỹ trường của phụ huynh học sinh đầu năm đóng góp mà mua.

Trong khoản thu đầu năm học vừa qua, nhiều trường ở Hà Nội thu quỹ trường trung bình 300.000đ/học sinh/năm học, có trường thu tới 500.000đ. Vậy t.iền này chi vào việc gì, chi cho các con hay chi vào đâu. Lấy quỹ trường mà phụ huynh đóng góp để mua xà phòng cho các con rửa tay. Đây là biện pháp phòng chống dịch” -anh Cao Xuân Phong, quận Tây Hồ, Hà Nội đề nghị.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, thường có khả năng tự khỏi và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) được coi là nguy hiểm bởi kèm theo nhiều biến chứng khác. Biến chứng nguy hiểm nhất của EV71 đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ là viêm não, màng não. Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh.

Vì vậy, theo khuyến cáo ngành y tế, cả cha mẹ và t.rẻ e.m phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày; trước khi bế trẻ, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm; vệ sinh miệng, họng cho trẻ sạch sẽ; vệ sinh đồ chơi, vật dụng cầm nắm của trẻ thường xuyên. Các trường học tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Nhật Minh

Theo CAND

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *