Giá trị dinh dưỡng của đậu phụ
Đậu phụ có nguồn gốc từ thực vật, cụ thể là nó được chế biến từ đậu nành. Đây là loại thực phẩm giàu protein và không có chứa gluten hay cholesterol. Chính vì vậy, đậu phụ rất được ưa thích trong bữa ăn chay, ăn kiêng hoặc đơn giản là bạn muốn bổ sung dinh dưỡng.
Đậu phụ tốt cho sức khỏe bởi hàm lượng dưỡng chất đa dạng, “lành tính” hơn so với sản phẩm từ động vật. Theo ước tính, 100g đậu phụ chứa khoảng 76 calo, ngoài ra nó còn có nhiều thành phần dinh dưỡng như sau:
– Chất đạm: 17,3 g
– Chất béo: 8,72 g
– Chất xơ: 2,9 g
– Canxi: 683 mg
– Sắt: 2,66 mg
– Magie: 58 mg
– Kali: 237 mg
– Folate: 29 mcg
– Vitamin A: 166 IU
Bên cạnh đó, đậu phụ cũng được lựa chọn thay thế thịt bởi các axit amin cần thiết cho sức khỏe. Chất chống oxy hóa là isoflavone cũng góp phần nâng cao hệ miễn dịch toàn diện, ngăn ngừa bệnh tật.
Lợi ích sức khỏe của đậu phụ
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số bệnh mãn tính
Nghiên cứu cho thấy, nếu mỗi tuần tiêu thụ một khẩu phần đậu phụ có thể giúp bạn giảm nguy cơ bệnh tim lên đến 18%. Không những vậy, người vốn mắc bệnh tim mạch nếu ăn đậu phụ hợp lý cũng giảm các cơn đau tim nguy hiểm.
Hợp chất isoflavone trong đậu nành (thành phần chủ yếu làm đậu phụ) còn có tác dụng cải thiện và phòng ngừa hội chứng chuyển hóa, giảm cholesterol có hại, tăng cường khả năng miễn dịch. Đậu phụ tốt cho sức khỏe vì giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính như:
– Tiểu đường tuýp II
– Đột quỵ
– Béo phì
– Cao huyết áp
– Tăng đường huyết
– Gan nhiễm mỡ
– Ung thư
Chống viêm tự nhiên
Với thành phần dưỡng chất đa dạng, đặc biệt là các chất chống oxy hóa từ đậu nành, món đậu phụ còn có hiệu quả kháng khuẩn mạnh mẽ, góp phần chống lại các chứng viêm nhiễm, trong đó có vấn đề xương khớp do thiếu canxi.
Cải thiện tiêu hóa
Mặc dù tác dụng thấp hơn so với dạng đậu nành lên men nhưng đậu phụ vẫn được xem là thực phẩm lành mạnh cho hệ tiêu hóa của bạn. Chất xơ thực vật giúp cải thiện các vấn đề như táo bón, béo phì, đồng thời còn thúc đẩy trao đổi chất hiệu quả.
Hạn chế tỷ lệ ung thư vú ở phụ nữ
Đậu nành nói chung và đậu phụ nói riêng đều chứa phytoestrogen (một chất hóa học từ thực vật tương tự estrogen). Ngoài ra, isoflavone cũng góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư vú ở nữ giới.
Ai không nên ăn đậu phụ?
Mặc dù là thực phẩm từ thực vật tương đối phù hợp với đa số mọi người nhưng một số trường hợp đặc thù vẫn nên thận trọng trước khi muốn ăn đậu phụ. Người bị suy giáp hoặc đang dùng thuốc điều trị vấn đề tuyến giáp nên kiêng món ăn này.
Ngoài ra, nếu bạn dị ứng đậu nành cũng nên cân nhắc khi bổ sung đậu phụ vào bữa ăn. Tốt nhất, hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn hợp lý. Đặc biệt, trẻ nhỏ khi bị dị ứng nặng có thể gây nguy hiểm.
Ngay cả khi xác định an toàn với đậu phụ, bạn cũng không nên lạm dụng quá nhiều. Chế độ ăn uống cần đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Người ăn chay có thể bổ sung thêm các loại đậu khác bên cạnh đậu nành, đậu phụ.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm thông tin để sử dụng đậu phụ tốt cho sức khỏe, hạn chế các rủi ro liên quan đến món ăn từ đậu nành này.
Thiên Khuê (Theo Health)