Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, trong tuần (từ ngày 21-27/5), toàn tỉnh ghi nhận hơn 340 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, tăng đột biến so với những tuần trước đó (tăng 60% so với tuần trước đó và tăng 252% so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 27/5, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.200 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2021; phát hiện 456 ổ dịch, đã xử lý 436 ổ (tỷ lệ xử lý đạt 95,6%); tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân là 96 ca, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 (74 ca). Trong số 3.200 ca mắc sốt xuất huyết, có gần 70% bệnh nhân từ 15 t.uổi trở xuống, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái; ghi nhận 3 ca t.ử v.ong.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai nhận định, tình hình trên cho thấy Đồng Nai đang bùng phát bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tăng đột biến. Trong đó, các địa phương đang có ca mắc sốt xuất huyết là: Biên Hòa, Định Quán, Long Khánh, Long Thành, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) vòng 1 ngay trong tháng 5, tại các điểm có nguy cơ cao về bệnh sốt xuất huyết nhằm giảm tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, phòng ngừa chủ động, tích cực dựa vào cộng đồng. Hiện nay, đã có 3 địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 gồm: Tân Phú, Thống Nhất, Cẩm Mỹ.
Trước đó, Đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đoàn đã đi kiểm tra tại Trung tâm Y tế huyện Long Thành, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa (huyện Long Thành), Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Sau khi đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, các chuyên gia dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp. Diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết.
Theo nhận định của đoàn công tác, số ca mắc sốt xuất huyết có thể nhiều hơn số ca được ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê, đặc biệt là các ca sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại các phòng khám tư nhân.
Đoàn công tác đề nghị tỉnh Đồng Nai cần làm tốt công tác giám sát, ghi nhận và nhập số liệu ca bệnh sốt xuất huyết liên tục; không để sót ổ dịch, khi đã xác định ổ dịch thì phải xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ, trong đó quan trọng là bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện, phòng khám tư nhân; chuẩn bị sẵn vật tư, trang thiết bị phục vụ điều trị. Tỉnh cần có kế hoạch, có chiến lược để khi dịch bùng phát thì có thể đối phó được, hạn chế ca nặng và không để xảy ra t.ử v.ong. Đặc biệt cần tuyên truyền, lưu ý người dân khi bị sốt thì nên nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và đi khám bệnh kịp thời tại cơ sở y tế có đủ khả năng khám và điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tối đa số ca mắc sốt xuất huyết, số ca bệnh nặng và t.ử v.ong, người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc, môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt muỗi, lăng quăng, đi ngủ phải bỏ mùng (màn), mặc quần áo dài tay… tránh bị muỗi đốt. Khi trẻ hoặc người lớn sốt đến ngày thứ hai, uống thuốc hạ sốt mà không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Số ca mắc sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM tăng gấp 5 lần
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 6 ca t.ử v.ong do sốt xuất huyết, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC cho biết, tính đến 12h trưa 12/5, thành phố có 7.129 ca sốt xuất huyết, tăng 10,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số ca nặng là 158 ca, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ.
Hiện thành phố ghi nhận 6 ca t.ử v.ong, tăng 200%. Ông Tâm nhấn mạnh, đây là dịch bệnh rất đáng báo động. Ngành y tế đang giám sát chặt chẽ công tác phòng chống, thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc.
Kiểm tra đột xuất công tác phòng chống sốt xuất huyết tại công trình xây dựng.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tâm, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị, không phải như bệnh COVID-19 đã có vaccine và có thuốc Molnupiravir nên hoạt động quan trọng nhất là vẫn là phòng ngừa.
Thành phố đang cao điểm mùa mưa, cần phải ngăn chặn việc đọng nước, loại bỏ những địa điểm, vật dụng có thể tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Người dân cần lưu ý nếu biểu hiện như sốt, nhức mỏi đau cơ không có nguyên nhân, hoặc có xuất huyết da thì sớm đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Lãnh đạo HCDC cũng thông tin thêm, tính đến trưa 12/5, TP.HCM có 1.283 ca mắc tay chân miệng. Tính theo số ca thì trong tuần tăng gấp 4 lần so với trung bình các tuần trước đó, nhưng nếu so sánh theo cùng kỳ năm ngoái thì vẫn đang thấp, giảm 85%. Hiện có 2 ca nặng và chưa có trường hợp t.ử v.ong. Tuy nhiên, thành phố không chủ quan lơ là, tiếp tục giám sát chặt chẽ để hạn chế ngăn chặn bùng phát dịch.