Dùng thuốc chữa vảy nến chứa corticoid, người đàn ông bị tàn phế

Nhiều năm dùng thuốc không rõ nguồn gốc, người đàn ông rơi vào cảnh tàn phế, các khớp tay biến dạng.

Ngày 28/10, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho bệnh nhân Lê Vĩnh Trung (38 t.uổi, ngụ Vĩnh Long) bị biến dạng khớp tay vì dùng thuốc trôi nổi chữa bệnh vảy nến.

Bệnh nhân cho biết mắc bệnh vảy nến cách đây 12 năm. Suốt thời gian này, anh không vào bệnh viện mà đi khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh.

“Nghe ai chỉ thầy nào, phòng mạch nào có thuốc hay tôi đều đến chữa. Thời gian đầu, bệnh có thuyên giảm nhờ tiêm thuốc 2 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, sau này tôi mới biết thứ thuốc họ tiêm cho tôi chính là corticoid. Sau vài năm, bệnh tình của tôi bùng phát, tình trạng ngày càng nặng, các khớp tay bị biến dạng, mất khả năng lao động”, bệnh nhân bức xúc nói.

Bác sĩ Hoàng cho biết bệnh nhân Trung nhập viện trong tình trạng biến chứng vảy nến độ nặng, viêm đa khớp, đỏ da toàn thân, các cơ khớp tay co cứng, biến dạng, không thể cử động do dùng quá nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân bị biến dạng khớp tay, mất khả năng lao động sau thời gian dùng thuốc trị vảy nến không rõ nguồn gốc. Ảnh: BH.

Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Da liễu, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên, các khớp tay của bệnh nhân bị biến dạng hoàn toàn, không thể hồi phục.

Theo bác sĩ Hoàng, trường hợp bệnh nhân Trung không phải hiếm gặp. Tại khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu, hơn 50% bệnh nhân điều trị vảy nến. Trong đó, đa số trường hợp đều gặp biến chứng nặng do sử dụng các loại thuốc nén, thuốc uống chứa corticoid trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Loại thuốc này có tác dụng khắc chế bệnh tạm thời. Do đó, nhiều bệnh nhân tin tưởng tiêm thuốc liên tục. Tuy nhiên, về lâu dài hoặc chỉ cần ngưng thuốc, bệnh sẽ diễn tiến nặng, nguy hiểm đến người bệnh.

Bệnh vảy nến hiện chưa có thuốc điều trị triệt để. Do đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bệnh không nên cả tin vào các lời quảng cáo có thể điều trị triệt để căn bệnh này.

“Phương pháp tốt nhất là bệnh nhân vảy nến cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa, tái khám thường xuyên. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm soát, ngăn chặn tiến độ của bệnh, giúp bệnh nhân có thể sống và sinh hoạt bình thường”, bác sĩ Hoàng nói.

Theo Zing

Những bệnh nguy hiểm hay mắc phải khi bị bệnh vảy nến

Trầm cảm, viêm đồng tử, viêm khớp, tăng bệnh tiểu đường, biến chứng về tim mạch, suy tim, nhồi m.áu cơ tim… được cho là những bệnh dễ mắc phải khi bị bệnh vảy nến.

Ngày 25/10, bác sĩ CKII Lê Văn Đạt, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện này vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Quản lý các bệnh mắc đồng thời với bệnh vảy nến”.

Đến dự buổi tọa đàm có bác sĩ CKII Lê Văn Đạt -Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP Cần Thơ, đại diện dược phẩm Novartis tại TP HCM và hơn 50 bệnh nhân vảy nến đến từ nhiều tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL tham dự.

Bác sĩ Lê Bá Đông, bác sĩ khoa da liễu của bệnh viện Da liễu Cần Thơ báo cáo tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, bác sĩ Lê Bá Đông, bác sĩ khoa da liễu của bệnh viện đã báo cáo về tình hình mắc bệnh da liễu của Việt Nam và thế giới. Theo đó, toàn thế giới hiện nay có hơn 125 triệu người mắc bệnh vảy nến, trung bình cứ 100 người thì có 2 đến 3 người mắc bệnh vảy nến. Đây là bệnh về da khá đặc biệt, nó không lây qua tiếp xúc với bệnh nhân, bệnh có thể xuất hiện ở da đầu, đầu gối và trên những vùng da khác của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, bệnh nhân có triệu chứng bị mẫn ngứa trên da, đôi khi nổi dầy lên và sần sùi trên da bệnh nhân.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Khi bị bệnh vảy nến, bệnh nhân có thể mắc đồng thời thêm nhiều bệnh khác như: bệnh trầm cảm, viêm đồng tử, viêm khớp, tăng bệnh tiểu đường, biến chứng về tim mạch, suy tim, nhồi m.áu cơ tim, rối loạn lipid m.áu… Tác hại của các bệnh này là làm cho tình hình của bệnh nhân ngày thêm phức tạp và nguy hiểm tính mạng.

Mặc dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với căn bệnh này, tuy nhiên, bệnh nhân có thể phát hiện sớm bệnh vảy nến và chọn phương pháp điều trị thích hợp để bệnh ngày một giảm nhẹ và chấm dứt. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân vảy nến nên hạn chế ăn những loại thịt đỏ, ăn nhiều rau củ quả, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tránh bị tress, những suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm.

Sau khi bác sĩ chuyên khoa trình bày về tình hình bệnh vảy nến, các bệnh nhân đã đặt câu hỏi về các phương pháp điều trị, thuốc đặc trị vảy nến và giá các loại thuốc hiện được áp dụng điều trị tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện da liễu. Những câu hỏi này đã được Ban tổ chức tận tình giải đáp và tư vấn phương pháp điều trị cho bệnh nhân vảy nến.

Hiện nay, trên thế giới ngoài việc giới khoa học chuyên nghiên cứu tìm ra thuốc trị bệnh vảy nến cũng có nhiều tổ chức của những bệnh nhân vảy nến ra đời gọi là Hội những người bệnh vảy nến và ngày 29/10 hằng năm, thế giới đã lấy ngày này làm ngày bệnh vảy nến thế giới.

Theo giadinhvietnam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *