Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam ghi nhận 4.855 ca mắc sốt xuất huyết, gấp 1,7 lần so với tổng số ca của cả năm 2018.
Ngày 18/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết, ngoại trừ huyện miền núi Nam Trà My, tất cả các huyện khác của tỉnh đều ghi nhận xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết. Trong đó, Điện Bàn là địa phương nhiều nhất với 840 ca.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam ghi nhận gần 5.000 ca mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: B.C)
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn và người già tăng cao hơn so với các năm, cũng như gia tăng số ca mắc ở thể nặng, rất nặng.
Ông Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm nhìn nhận, năm nay, tình hình sốt xuất huyết phức tạp và số ca mắc gia tăng hơn so với các năm trước.
“Chúng tôi vẫn đang chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cơ sở y tế thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường các biện pháp truyền thông, vệ sinh môi trường, đặc biệt ngăn ngừa ổ dịch bùng phát trở lại tại các ổ dịch được xử lý”, ông Kiệm nói.
Theo VTC
Người dân chủ quan, dịch SXH diễn biến phức tạp tại Cẩm Nhượng
Sự lơ là, chủ quan của người dân, cộng với tác động bất lợi của thời tiết mưa ẩm đang khiến dịch sốt xuất huyết (SXH) ở xã vùng biển Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) diễn biến phức tạp.
Người dân Cẩm Nhượng bị SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh
Đất chật người đông, công tác vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế nên Cẩm Nhượng là địa phương xuất hiện và bùng phát nhanh dịch SXH.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Từ – Trưởng Trạm y tế Cẩm Nhượng, trên địa bàn xuất hiện ca đầu tiên là vào cuối tháng 9, từ một người đi từ miền Nam về. Khi phát hiện, trạm đã nhanh chóng cách ly, chuyển lên tuyến trên điều trị nên không để lây lan. Tuy nhiên từ ngày 5 – 10/10, trên địa bàn xã xuất hiện liên tiếp 8 ca mắc SXH tập trung tại 2 thôn Hải Nam và Hải Bắc.
Xác định được nguy cơ bùng phát dịch cao, nên khi xuất hiện các ca mắc SXH, Trạm Y tế Cẩm Nhượng đã nhanh chóng báo với Trung tâm Y tế dự phòng huyện để nhanh chóng khoanh vùng dập dịch.
Tuy nhiên, theo Trạm trưởng Trạm Y tế xã thì, dịch bùng phát chủ yếu là vì nhận thức của người dân trong công tác phòng chống còn hạn chế. Thực tế là khi mới xuất hiện dịch, bà con vẫn chưa tự giác vào cuộc dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đến lúc dịch bùng phát rộng với nhiều người mắc thì mới triển khai.
Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại xã Cẩm Nhượng.
Một số bệnh nhân khi đến khám bệnh, trạm nhận thấy có dấu hiệu mắc SXH nên cho chuyển tuyến trên nhưng lại tự mua thuốc về nhà điều trị. Đến khi bệnh chuyển biến nặng mới vội vã đi viện.
Theo báo cáo nhanh từ Trung tâm Y tế dự phòng Cẩm Xuyên, tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 22 ca mắc SXH, trong đó 7 ca mắc tại chỗ và 15 ca vãng lai. Ngoài việc dịch bùng phát và diễn biến phức tạp ở Cẩm Nhượng (với tổng số 9 ca) thì tại các xã khác như: Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Yên, Cẩm Sơn, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, Cẩm Thăng, Cẩm Phúc, thị trấn Cẩm Xuyên… cũng xuất hiện các ca mắc vãng lai.
Theo bác sỹ Trần Huy Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cẩm Xuyên, với thực trạng người dân đi làm ăn ở vùng có dịch về nhiều nên ngành y tế rất khó kiểm soát dịch. Hơn nữa, nhiều xã có mật độ dân cư tập trung đông đúc, trong khi ý thức về vệ sinh môi trường còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc che đậy, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước nên tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển.
Đặc biệt, với điều kiện thời tiết mưa ẩm như hiện nay thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các xã có người mắc SXH.
Theo đó, qua điều tra dịch tễ tại các khu vực có người mắc SXH, chỉ số mật độ muỗi là 8 con/nhà. Tại các nhà có bệnh nhân mắc SXH đều có muỗi cư trú. 60 nhà có vật dụng chứa nước có bọ gậy, vượt quá ngưỡng cho phép.
Được biết, từ khi phát hiện ca mắc SXH đầu tiên cho đến nay, huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành khoanh vùng dập dịch. Theo đó, Trung tâm đã tiến hành 3 đợt phun hóa chất diệt muỗi tại các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Thịnh, Cẩm Thăng, Cẩm Bình với gần 550 hộ dân. Thành lập ban chỉ đạo, đội cơ động chống dịch, cử cán bộ về giám sát từng địa phương chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn phòng chống dịch.
Ý thức tự giác của người dân trong công tác vệ sinh môi trường đóng vai trò quan trọng
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cẩm Xuyên thì việc phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh, chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.
Quan trọng nhất trong phòng chống dịch SXH là dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống, loại bỏ những vật dụng chứa nước, không để cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Vì vậy, ngoài trách nhiệm, nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc tự giác của mỗi người dân, gia đình, cơ quan, công sở, nhất là trong công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, loại bỏ các tác nhân truyền bệnh.
Theo baohatinh