Gia đình có 18 ca mắc Covid-19 điều trị tại nhà, cách để bệnh không trở nặng

Cả gia đình anh Thông súc miệng bằng nước muối ngày 4 lần, cố gắng ăn đủ bữa, tắm nắng và luôn giữ tinh thần lạc quan.

Đến ngày thứ 17, 18, cả nhà anh đều khỏe mạnh.

Một người giấu bệnh lây cho cả nhà

Căn nhà phố diện tích 160 m2 của gia đình anh Phùng Thông, sinh năm 1993 ở đường Lê Sao, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM có 21 người với 4 thế hệ (gồm 6 gia đình) cùng sinh sống.

Anh Thông cho biết, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở TP.HCM, cả gia đình đều khỏe mạnh và âm tính với nCoV. Giữa tháng 8, một người em họ sống cùng nhà với anh Thông bị lây virus SARS-CoV-2 ở nơi làm việc.

“Em ấy test nhanh dương tính nhưng không báo cho cả nhà. Về nhà, em ấy cũng không cách ly, không mang khẩu trang, còn đi lại khắp nhà”, anh Thông chia sẻ.

Anh Thông, mẹ và hai cháu. Ảnh: NVCC.

Sau khi người này và bố mẹ nhiễm bệnh, được đến bệnh viện cách ly, điều trị, căn nhà anh Thông đang ở bị phong tỏa. Từ lúc này, những người còn lại trong gia đình anh Thông phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang, súc họng bằng nước muối ngày 4 lần.

Ngày 21/8, 18 người trong nhà anh Thông có biểu hiện sốt, đau họng và mệt mỏi. Nghĩ cả nhà đã nhiễm bệnh, anh Thông chủ động gọi đến trạm y tế phường xuống lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, anh nhận được câu trả lời: hẹn vài hôm nữa. Lúc đó, trong nhà anh Thông chỉ mới có 4 người được tiêm vắc xin. Anh Thông và những người còn lại vì lý do sức khỏe nên chưa được tiêm.

4 người được tiêm vắc xin không có dấu hiệu bệnh. Một em bé 4 t.uổi sốt 2 ngày thì hết. Những người còn lại trong nhà đều mất vị giác, khứu giác, mệt mỏi, có lúc sốt hơn 39 độ. Anh Thông lo lắng, mẹ anh đã hơn 70 t.uổi, dì, cậu và bác cũng cao t.uổi, lại có bệnh nền, nếu không được uống thuốc sẽ trở nặng bất chợt thì trở tay không kịp.

Anh Thông chủ động liên hệ với một phòng khám tư để làm xét nghiệm PCR cho mình và em trai. “Cả hai anh em tôi đều có kết quả khẳng định dương tính”, anh Thông nhớ lại.

Đến ngày 27/8, cả nhà anh Thông mới được nhân viên y tế địa phương đến nhà lấy mẫu test nhanh và đều có kết quả dương tính. Sau khi được hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, họ được cấp 8 túi thuốc A và B. Sợ không đủ thuốc, anh Thông nhờ hàng xóm mua thêm thuốc hạ sốt, đau đầu, các loại vitamin A, C, D… để đề phòng.

Song song với uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, cả gia đình anh tiếp tục súc họng bằng muối pha với nước ấm ngày 4 lần và dùng nước này rửa mắt, mũi. Nấu nước gừng, sả, tỏi tán nhuyễn và rượu trắng xông hơi ngày 2 lần, sáng và chiều. Mỗi lần xông hít vào sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng.

Với người lớn t.uổi, có bệnh nền như mẹ anh thì uống thêm nước tỏi với đường phèn, uống lúc nóng cho thông họng. Mỗi buổi sáng, cả gia đình thay phiên nhau ra trước nhà tắm nắng 15 phút cho cơ thể hấp thụ vitamin D.

Đặc biệt, cả nhà anh động viên nhau uống nhiều nước, vận động nhẹ nhàng, luôn giữ tinh thần lạc quan và cố gắng ăn đầy đủ ngày 3 bữa. Để có đủ chất dinh dưỡng, anh nhờ hàng xóm, tổ Covid-19 cộng đồng của khu phố đi chợ giúp. Mỗi ngày, những người khỏe hơn sẽ chế biến các món ăn, thay đổi theo ngày, hoặc mỗi khi chán ăn cơm thì đổi sang cháo, bún…

Gia đình anh Thông thay phiên nhau tắm nắng buổi sáng. Ảnh: NVCC.

“Bị mất vị giác, khứu giác nhưng tôi vẫn cố gắng ăn. Tôi nghĩ, mình phải ăn thật nhiều thì cơ thể mới có sức khỏe và sức đề kháng”, anh Thông chia sẻ.

Cùng vượt qua

Anh Thông cho biết, trong nhà, mẹ anh, cậu, các dì, các bác đều lớn t.uổi, có bệnh nền nhưng không ai có dấu hiệu nặng. Ai cũng sốt, mệt một vài ngày rồi hết. Còn anh, đến ngày thứ 8 của bệnh bắt đầu cảm thấy khó thở tăng dần. “Có lúc, tôi hắt hơi nhẹ cũng thấy lồng ngực đau nhức”, anh Thông kể.

Trước khi bị bệnh, anh đã xem qua một clip hướng dẫn cách thở do một F0 đã áp dụng thành công, chia sẻ trên trang cá nhân. Anh Thông mở clip lên cho mọi người trong nhà cùng xem, nếu ai có biểu hiện khó thở thì áp dụng.

Tối ngày thứ 9 của bệnh, anh Thông khó thở nhiều hơn và bắt đầu áp dụng các hướng dẫn trong video. “Tôi dùng gối kê dưới người và nằm sấp. Nằm một lúc, tôi bắt đầu thở được, rồi chuyển sang thở nhẹ nhàng và ngủ ngon đến sáng hôm sau”, anh Thông kể.

Anh Thông và mẹ đang tắm nắng. Ảnh: NVCC.

Đến ngày bệnh thứ 11, các triệu chứng bệnh của anh Thông không còn. Hơi thở cũng bắt đầu sâu hơn và không còn đau lồng ngực. Tuy nhiên, anh vẫn duy trì cách nằm sấp, súc họng và ăn uống đầy đủ, luôn xem những bộ phim, câu chuyện hài hước cho tình thần thoải mái.

Ngày 7/9, cả nhà anh Thông đã trải qua ngày bệnh thứ 17, 18. Tất cả các dấu hiệu bệnh đều không còn nữa. Ai cũng lấy lại vị giác, khứu giác. Anh cũng đã báo thông tin đến trạm y tế phường để họ xuống lấy mẫu xét nghiệm lại. “Chính quyền địa phương đã xuống tháo phong tỏa và biển thông báo nhà đang cách ly y tế. Còn bên y tế, chắc vì tập trung lấy mẫu diện rộng nên họ vẫn chưa đến”, anh Thông chia sẻ.

Anh Thông cũng cho biết, 3 người trong nhà được đi cách ly, điều trị ở bệnh viện có hai người được xuất viện. “Dì tôi do bệnh chuyển nặng nhanh nên mất ở bệnh viện”, anh Thông nói buồn.

Điều anh Thông và những người khác trong gia đình thấy may mắn là dù chưa được tiêm vắc xin nhưng những người cách ly tại nhà không chuyển nặng và không phải đi cấp cứu. Trải qua câu chuyện của gia đình mình, anh Thông đã chia sẻ kinh nghiệm lên một nhóm F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Anh cũng mong những người bệnh khác sẽ vượt qua như gia đình mình.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Trung tâm Y tế quận Tân Phú cho biết, đã nhận được thông báo của gia đình anh Thông và sẽ sớm cho người xuống lấy mẫu xét nghiệm lại cho gia đình anh.

Thứ trưởng Y tế: ‘F0 cách ly tại nhà không cần xét nghiệm PCR’

Thị sát trạm y tế ở TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị nếu test nhanh kết quả dương tính, quyết định cho F0 cách ly ở nhà thì không cần xét nghiệm lại bằng PCR ngay.

Yêu cầu được Thứ trưởng Sơn đưa ra khi cùng đoàn Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại thành phố thị sát Trạm Y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), ngày 30/8. TP HCM đang tăng cường điều trị F0 tại nhà, thiết lập các trạm y tế lưu động chăm sóc, phát thuốc F0.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho biết sau khi test nhanh có kết quả dương tính, trạm sẽ sàng lọc, lập hồ sơ và xét nghiệm khẳng định bằng PCR. “Từ đó, nhân viên y tế lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp rồi chuyển cho trạm y tế lưu động để phát thuốc và chăm sóc”, bác sĩ Thanh nói.

Thứ trưởng Sơn lập tức chấn chỉnh, bởi theo hướng dẫn mới, không cần xét nghiệm lại bằng PCR sau khi test nhanh dương tính. “Nếu trông chờ xét nghiệm PCR vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo đó, người có kết quả dương tính sau test nhanh, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc. Ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung thì mới lấy mẫu xét nghiệm PCR, kết quả nồng độ virus thấp (CT 30) thì cho về nhà theo dõi. “Người có nồng độ virus cao thì ở lại khu cách ly”, thứ trưởng Sơn hướng dẫn.

Trạm Y tế lưu động 13 (đặt ở Trường tiểu học Lê Quang Định, xã Phước Kiển), đã được cấp những thiết bị y tế cần thiết như máy đo SpO2, oxy di động, thuốc men… Các bác sĩ quân y có mặt hỗ trợ người dân.

Bác sĩ quân y Trương Ngọc Nam, phụ trách Trạm Y tế lưu động 13, cho biết trạm đang chăm sóc, quản lý gần 200 F0 tại nhà. “Chúng tôi nhận được danh sách ca nhiễm nào thì liên lạc ngay với họ để đến tận nhà cấp phát thuốc, tư vấn cách sử dụng, đồng thời để lai số điện thoại của y bác sĩ cho F0 gọi khi cần”, bác sĩ Nam thông tin.

Thứ trưởng Sơn đề nghị phải phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn giữa y bác sĩ với các tình nguyện viên và những bộ phận khác trong quá trình theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà. Ông cũng yêu cầu các trạm y tế lưu động, đội y tế, đội an sinh khác ở Nhà Bè phát nhanh nhất túi thuốc cho F0, đưa cho người dân và các F0 các số điện thoại liên hệ. “F0 cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất”, thứ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp cận một số gia đình F0 ở quận 4, Thứ trưởng Sơn hướng dẫn bệnh nhân nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho nhân viên y tế địa bàn, các trạm y tế lưu động. F0 cần lưu sẵn các số đầu mối liên lạc của y tế địa bàn, khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường phải gọi ngay, không nên chần chừ để ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (áo sơ mi ngắn tay, khẩu trang xanh) thăm hỏi gia đình có nhiều F0 ở quận 4, ngày 30/8. Ảnh: Bộ Y tế.

Tại Trạm Y tế lưu động số 6 quận 4, Thứ trưởng Sơn yêu cầu địa phương cùng lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn và phát bộ test nhanh cho người dân “vùng đỏ” “vùng cam” tự xét nghiệm tại nhà để tránh lây nhiễm chéo, cũng như giúp người dân nắm bắt được diễn biến sức khỏe của mình, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Bác sĩ quân y Trần Đình Nho phụ trách trạm này, cho biết đang quản lý, chăm sóc gần 190 F0 tại nhà. Túi thuốc mới của ngành y tế đã phát đến khoảng 40 người. Trước đó, trạm phát cho các F0 thuốc hỗ trợ của phường hoặc Cục Quân y.

Lý giải tốc độ phát các túi thuốc chưa thực sự khẩn trương, bác sĩ Nguyễn Xuân Huân (giám đốc Trung tâm y tế Quận 4) cho biết nhận được 1.260 túi thuốc và đã cấp được hơn 800 túi. Những người có kết quả test nhanh dương tính cần được cập nhật lên phần mềm rồi mới phát thuốc để tránh thuốc thất lạc.

“Nhân viên y tế lo làm xét nghiệm cả ngày nên thường buổi tối mới cập nhật được F0 lên phần mềm và sáng hôm sau mới phát được túi thuốc. Đó là chưa kể thuốc nhận về còn phải phân chia ra các túi cũng đòi hỏi cần có thời gian”, bác sĩ Huân chia sẻ.

Để giải quyết thực trạng trên, Thứ trưởng Sơn chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các Trạm Y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. “Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ sau khi cập nhật ca đó lên phần mềm “, ông Sơn nói.

“Cùng với đó cần tư vấn, hướng dẫn cụ thể và động viên, không để những người nhiễm Covid-19 hoảng loạn, thiếu thuốc”, thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *