Gian nan tìm thuốc chữa covid-19

Các nhà khoa học cảnh báo đừng tưởng tuyên bố giải được một trình tự gene nào đó của coronavirus gây bệnh covid-19 là có chìa khoá sản xuất thuốc khắc chế nó.

Cho đến nay, hơn 200 giải trình tự gene đã được công bố song lạc quan nhất cũng phải năm rưỡi đến hai năm nữa mới chế được phương thuốc điều trị hiệu quả covid-19 đã lan sang hơn 100 nước làm hơn 100.000 người mắc và hơn 4.000 người c.hết.

Gần đây một số báo đại chúng đưa tin nước này hay nước kia công bố giải trình tự gene của covid-19 và kèm theo đó là tuyên bố xanh rờn sắp chế tạo được vaccine chống lại con virus gây ra đại dịch khiến cả thế giới bất ngờ.

Đưa tin và bình luận như thế cho thấy sự thiếu hiểu biết thực sự về những gì đang diễn ra, một nhà khoa học ở Ấn Độ bình luận.

Trên thực tế, chiến đấu chống lại nhõn con covid-19 gian nan đến mức các phòng thí nghiệm khắp thế giới phải hợp tác chặt chẽ với nhau mới mong đi đến đích và sớm nhất cũng phải khoảng giữa năm 2021.

Chạy đua tìm giải trình tự gene

Các trung tâm sinh học ở nhiều quốc gia tiên tiến đang chạy đua trong cuộc phân lập và chia sẻ kết quả giải trình tự gene con virus gây bệnh covid-19 trên các chuẩn đã được quốc tế công nhận.

Giải trình tự gene (genome sequence) là quá trình xác định trình tự DNA của một bộ gene của một cơ thể hữu cơ ở một thời điểm xác định. DNA là phân tử mang thông tin di truyền dưới dạng bộ ba mã di truyền quy định mọi hoạt động sống (sinh trưởng, sinh sản, phát triển) của các sinh vật và hầu hết virus.

Genome sequence được coi là mã duy nhất của vật liệu gene và là cơ sở để xác định đặc trưng của bất kỳ cơ thể sống nào.


Khi virus sinh sản hoặc tái sinh, có một cơ chế sao chép để chuyển thông tin gene từ thế hệ này sang thế hệ khác (NIAID-RML lấy từ AP)

Thành phần gene của con coronavirus mới mà cả thế giới đang quan tâm khác hẳn những gì ta biết về virus cúm thông thường (influenza virus). Có chuyện đó là bởi mỗi cơ thể sống có một trình tự gene duy nhất không giống bất cứ cơ thể nào khác.

Đến nay, toàn cầu có 326 bộ giải trình tự gene về covid-19 được chia sẻ. Ấn Độ cho biết họ công bố hai genome sequence được cho là rất giống với các genome sequence gốc từ các bệnh nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc (TQ). Hai phát hiện này được cho là thực hiện trên hai bệnh nhân đầu tiên ở Kerala, Ấn Độ, những người trở về từ Vũ Hán.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Ấn Độ hiểu rằng hai phát hiện của họ mới chỉ tiến gần đến bí ẩn ở mức độ vô cùng ít ỏi. Chỉ riêng TQ cũng đã công bố 120 genome sequence mà vẫn chưa tìm ra phương thuốc chữa trị.

Cần rất nhiều genome sequence để phân lập covid-19

Vì sao cần nhiều genome sequence đến vậy để phân lập covid-19? Khi virus sinh sản hoặc tái sinh, có một cơ chế sao chép để chuyển thông tin gene từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên không cơ chế sao chép nào hoàn hảo cả.

Khi virus sinh sản, thường có các thay đổi. Các biến đổi ấy ở mức tiểu tiết song lại đủ sức gây nên cái gọi là đột biến.

Các đột biến tích luỹ theo thời gian và, sau một chu kỳ dài nhất định, chúng dẫn đến hiện tượng tiến hoá, tạo ra một cơ thể sống mới hoặc loài mới.

Trong mỗi lần sinh sản, các biến đổi thường rất nhỏ và khó nhận biết. Chính vì thế, hơn 95% cấu trúc gene giữa các loài là như nhau.

Song các thay đổi nhỏ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để hiểu được bản chất và hành vi của từng biến chủng hay từng cơ thể sống. Chưa đầy một tháng tại Châu Âu, nhất là ở Italia, đã phát hiện nhiều biến thể covid-19 mới.

Các biến thể mang đến cho các nhà khoa học thông tin về nguồn gốc, cơ chế lây truyền, và tác động của virus đến bệnh nhân. Chúng cũng có thể chứa đựng manh mối các tác động khác nhau mà virus có thể gây ra cho bệnh nhân với các thông số sức khoẻ khác nhau.

Khác biệt giữa giải trình tự gene của TQ với phần còn lại của thế giới

Câu hỏi mà các nhà khoa học đặt ra là đâu là khác biệt to lớn giữa số lượng các genome sequence mà TQ công bố với các genome sequence của các nước khác.

Trả lời cho câu hỏi này phần nào giúp làm sáng tỏ hơn vì sao quá khó để tìm ra thuốc đặc trị covid-19 nói riêng và các bệnh khác nói chung.

Theo thống kê, hiện tại có tới 20-30 genome sequence được chia sẻ mỗi ngày giữa các phòng thí nghiệm khắp hành tinh.

Phát hiện đáng chú ý nhất từ hàng loạt genome sequence được xây dựng là các bệnh nhân nhiễm virus trong cùng một điều kiện dường như không cho thấy có biến đổi đáng kể nào về genome sequence.

Điều đó có nghĩa một hoặc vài genome sequence có thể đại diện cho đặc tính của virus gây ra cho một nhóm bệnh nhân.

Nếu nhận định này được xác định là đúng, các nhà khoa học có thể suy ra cơ chế lây nhiễm cũng như phòng bệnh cho các bệnh nhân tương lai trên cơ sở nghiên cứu nhóm bệnh nhân hiện tại.

Với hướng suy đoán đó, các nước đang đẩy nhanh hơn tiến độ phát hiện các genome sequence.

Sớm cho công bố quốc tế các genome sequence có thể giúp tìm ra nhanh hơn phác đồ điều trị bao vây ngày càng hiệu quả cho cả bệnh nhân đang cũng như sắp mắc.

Khúc mắc mới nằm ở chỗ TQ sau khi công bố 120 genome sequence bỗng nhiên dừng tiến độ chia sẻ vô cùng quan trọng này trong vài ngày qua.

Được biết Mỹ đã công bố 43 genome sequence trong khi Hà Lan và Anh mỗi nước công bố 25 genome sequence.

Hướng chữa trị hiệu quả nhất vẫn bí ẩn

Chưa tổ chức hay cá nhân nhà khoa học nào đến nay trả lời được câu hỏi đâu là biện pháp chữa trị covid-19 hiệu quả nhẩt.

Chữa trị thành công cho một vài cá nhân thậm chí một vài nhóm bệnh nhân bằng phác đồ nào đó không có nghĩa phương thuốc hữu hiệu ấy có thể áp dụng cho cả cộng đồng chứ chưa nói cho cả một quốc gia hay một khu vực, nhất là, cho toàn cầu.

Bởi thế, hướng phát triển hiện tại vẫn là dựa trên truyền thống thử và sai. Theo đó, các nhà khoa học sử dụng các loại thuốc cũ cho các bệnh với các triệu chứng tương tự để kiểm tra hiệu lực với covid-19.

Nếu thấy có tác dụng, chúng sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng. Trong hầu hết trường hợp, điều trị theo triệu chứng như sốt, ho, và đau người có vẻ hiệu quả.

Một số trường hợp nặng có thể hỗ trợ thở oxygen hoặc các biện pháp tăng cường hô hấp khác.

Tuy nhiên đấy vẫn chỉ là hiệu quả bề ngoài chứ chưa phải cắt nghĩa được bản chất của cơ chế gây bệnh cũng như diệt nguyên nhân.

“Các loại thuốc mới sẽ có tác dụng đặc hiệu đến một số ca nặng nhưng cần thời gian để xem thuốc mới khác với thuốc cũ ra sao”, tiến sỹ Gagandeep Kang, giám đốc điều hành Viện Khoa học & Công nghệ Y tế Tịnh tiến (Translational Health Science and Technology Institute), nói.

Theo tienphong.vn

Ba nhóm nguy cơ cao lây nhiễm nCoV

Bộ Y tế phân loại 3 nhóm nguy cơ cao tiếp xúc và lây nCoV là nhân viên y tế, người làm việc trong môi trường công cộng, người làm việc tại khu vực cửa khẩu.

Cán bộ y tế bao gồm nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị hoặc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế liên quan đến những người bị nhiễm virus. Đây là một trong các nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao, được Bộ Y tế đề cập trong Hướng dẫn Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động, ngày 10/3.

Nhóm thứ hai là người làm việc trong môi trường công cộng như nhân viên hàng không; thuyền viên, nhân viên đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phục vụ mục đích công cộng. Người làm việc tại các khu dịch vụ (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng), nhân viên môi trường đô thị… cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Nhóm 3 là cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu. Nhóm này có hải quan, kiểm hóa, biên phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu.

Nhân viên y tế thuộc nhóm người nguy cơ cao lây nhiễm nCoV. Ảnh: Hữu Khoa.

Bộ Y tế khuyến cáo những người có nguy cơ lây nhiễm cao cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên với xà phòng, che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.

Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay…

Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cần đeo khẩu trang đúng cách. Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn.

Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2 m, nếu có thể. Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã.

Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, phòng chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường.

Tính đến tối 13/3, Việt Nam ghi nhận 47 ca nhiễm nCoV, trong đó 16 ca đã khỏi bệnh, 31 bệnh nhân mới trong vòng một tuần qua.

Theo vnexpress.net

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *