Trước tình trạng ô nhiễm không khí, trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã thông báo tạm dừng các hoạt động dã ngoại, thể chất ngoài trời để đảm bảo sức khỏe của học sinh.
Chiều 30/9, ông Tạ Như Việt – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Khu đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm) cho biết, trường bắt đầu tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh trước tình hình ô nhiễm không khí.
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ra thông báo về tạm hoãn các hoạt động ngoài trời do ô nhiễm không khí.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 30/9 trường sẽ tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh trước tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội như: tạm dừng các hoạt động dã ngoại trong phạm vi nội đô, các hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời của học sinh.
Cụ thể, với môn thể dục và các môn năng khiếu ngoài trời, thay vì hoạt động ngoài trời các học sinh sẽ học ở trong các phòng chức năng như: nhà đa năng, phòng họp hội đồng sư phạm, phòng chuyên đề, phòng thể dục tự do…
Ông Việt cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội nặng nhất vào buổi sáng, trường đã tiến hành đổi thời khóa biểu một số tiết thể dục ở buổi sáng, thể dục giữa giờ sang buổi chiều khi không khí bớt ô nhiễm.
Đại diện trường cũng cho biết, riêng trong ngày 30/9, các lớp học năng khiếu ngoài trời được nghỉ.
Ngoài ra, trong lớp học sẽ bật điều hòa, đóng kín cửa sổ để hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.
Sáng 1/10 chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã chạm ngưỡng nguy hiểm (Ảnh: Air Visual).
Ông cũng cho biết, nhiều ngày nay, phụ huynh đã đề xuất với nhà trường trong việc đảm bảo sức khỏe của học sinh khi học tập và vui chơi ở trường.
Về dự kiến thời khóa biểu của học sinh trở lại bình thường, Hiệu trưởng này cho biết còn tùy thuộc vào chất lượng không khí ở Hà Nội.
“Nếu như không khí được cải thiện, không còn báo màu tím nữa thì có thể lịch học của các em học sinh sẽ trở lại bình thường”, ông Việt thông tin.
Sáng 1/10, tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội đã chạm ngưỡng nguy hiểm khi chỉ số AIQ đạt mốc 309.
Cụ thể, vào 7h45 hệ thống quan trắc chất lượng không khí của 10.000 thành phố trên thế giới AirVisual cao nhất là ở đường Tây Hồ (323), đường Tô Ngọc Vân (309), đường Láng (215), Hà Đông (218).
Huyền Trần
Theo thoidai
Bác sĩ Nhi bày cách chọn và sử dụng khẩu trang tránh bụi mịn cho trẻ, bố mẹ phải đọc ngay!
Các loại khẩu trang vải, khẩu trang y tế được làm từ sợi vải dệt đơn thuần, khoảng cách sợi vải lớn, vì thế bụi mịn vẫn có thể “xuyên” qua.
Liên tiếp những ngày qua, chất lượng không khí ở TP.HCM, Hà Nội và các thành phố lớn đang nằm trong top thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. Đặc biệt, chỉ số hạt bụi siêu mịn trong không khí ở TP HCM, Hà Nội đang cao gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25g/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hạt bụi siêu mịn dễ xâm nhập vào đường thở, tác hại trực tiếp đến đường hô hấp và trẻ nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ảnh hưởng của bụi mịn đến sức khỏe trẻ nhỏ
Bụi là một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn bay lơ lửng trong không khí với kích thước rất nhỏ. Trẻ tiếp xúc với các hạt bụi mịn có thể ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi. Cụ thể, theo BS CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Hồ Chí Minh), các hạt bụi mịn đi vào đường hô hấp của trẻ có thể gây ra những tác hại sau:
– Gây kích ứng cho hệ hô hấp của trẻ với biểu hiện chảy mũi, hắt xì, lên cơn hen suyễn.
– Làm đỏ mắt, chảy nước mắt.
– Kích ứng da, ngứa, khó chịu, nổi mề đay…
– Chưa kể về lâu dài, các hạt bụi mịn thâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ ảnh hưởng đến gan thận, hệ thần kinh.
BS Nguyễn Minh Tiến giải thích thêm: ” Thông thường trẻ khỏe mạnh có khả năng bảo vệ để những hạt bụi mịn không tấn công vào cơ thể. Còn với những em bé có đường hô hấp mẫn cảm, khi hít phải các hạt bụi mịn sẽ xuất hiện tình trạng ho, hắt hơi, sổ mũi, khò khè, khó thở… Đó là những triệu chứng báo động cha mẹ phải đưa con đến bệnh viện thăm khám ngay“.
Cách chọn mua và sử dụng khẩu trang tránh bụi mịn
Trong điều kiện không khí ô nhiễm nặng như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo cách tốt nhất là bố mẹ nên cho trẻ ở trong nhà để không phải tiếp xúc với các hạt bụi mịn bay lơ lửng trong không khí. Khi bắt buộc phải có việc cho trẻ đi ra ngoài như đi học, để phòng tránh bệnh cho trẻ do tác động của bụi mịn, BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo bố mẹ những việc sau:
– Cài app (ứng dụng) theo dõi chất lượng không khí. Các ứng dụng này có tác dụng giống như chương trình dự báo thời tiết để cha mẹ chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của con bằng cách: hạn chế đi ra ngoài, đi bằng phương tiện công cộng như đi xe bus, taxi thay vì di chuyển bằng xe máy, xe đạp…
– Cách sử dụng khẩu trang chuyên biệt cho trẻ:
Các loại khẩu trang vải, khẩu trang y tế chỉ có tác dụng ngăn bụi thô kích thước lớn, không thể ngăn bụi mịn dưới 2,5 micromet, loại bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Lý do là các loại khẩu trang này chỉ được làm từ sợi vải dệt đơn thuần, khoảng cách sợi vải lớn, vì thế bụi mịn vẫn có thể “xuyên” qua.
Vì vậy, bố mẹ nên mua cho con dùng các loại khẩu trang có tác dụng lọc bụi chuyên biệt với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có ký hiệu N95 hay N99 hoặc FFP2.
Nguyên tắc khi sử dụng khẩu trang để chống bụi là không được giặt, nếu bẩn thì bỏ và dùng cái khác, bởi giặt sẽ làm phá vỡ cấu trúc màng lọc của khẩu trang, khi đó khẩu trang không còn chức năng lọc nữa.
– Rửa mũi cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc xịt nước muối biển, vừa sát khuẩn, vừa làm sạch đường hô hấp.
– Trồng cây xanh trong nhà để không gian sống của trẻ dễ chịu hơn.
– Sử dụng thêm các loại máy móc hỗ trợ như máy lọc bụi, thiết bị trao đổi ion.
Theo aFamily