Hà Nội siết an toàn thực phẩm học đường

Theo thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm, toàn thành phố Hà Nội có 4.534 bếp ăn tập thể và căng tin trường học ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông.

Trong thời gian qua, ngành y tế TP cũng với ngành giáo dục – đào tạo đã phối kết hợp chặt chẽ để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, giảm nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Bảo đảm bữa ăn an toàn cho học sinh.

Cụ thể, ở khối mầm non có 3732 bếp ăn tập thể (2.884 bếp ăn của trường tư thục và 848 bếp ăn của trường công lập); tiểu học có 535 (510 bếp ăn và 25 căng tin); THCS 200 (124 bếp ăn và 76 căng tin); THPT 67 (23 bếp ăn và 44 căng tin). Số trường học tự nấu ăn là 4.024; số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 415 (bao gồm 263 nhà thầu có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường, 152 nhà thầu không có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường). 95 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.

Qua kiểm tra cho thấy, tất cả các trường có bếp ăn tập thể đều ký kết hợp đồng thực phẩm với nhà cung ứng đảm bảo tính pháp lý; 89% trường học có Ban chỉ đạo, Tổ tự giám sát bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường; 93% trường xây dựng và triển khai đầy đủ kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường.

Kết quả kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, 91% nhà trường đã cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; 90% bếp ăn có hồ sơ pháp lý; 82% bếp ăn có đủ sổ sách theo dõi việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến tại bếp ăn tập thể.

Về nguồn nhân lực, có 9.164/10.275 người tham gia chế biến, cô nuôi trong bếp ăn tập thể trường học có kiến thức về an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe, đạt 89,2%. 80% nhân viên nấu ăn, nhân viên phục vụ được trang bị bảo hộ lao động phù hợp, đảm bảo vệ sinh.

90% các trường học có đầy đủ sổ sách ghi chép việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định; quy trình bảo quản, sơ chế, chế biến, vận chuyển thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Lưu mẫu thức ăn đảm bảo đủ 24 giờ, có đủ thông tin người lưu, giờ lưu và được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm cũng cho thấy từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể với tổng số 235 người mắc, không có t.ử v.ong. Tất cả các sự cố về an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn được điều tra, xử lý kịp thời, không để t.ử v.ong do ngộ độc thực phẩm. Lấy mẫu thức ăn, thực phẩm nguy cơ ô nhiễm gửi xét nghiệm khi cần thiết.

Tại các quận, huyện, thị xã kiện toàn các đội điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm để sẵn sàng xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Trong thời gian tới, ngành y tế và ngành giáo dục sẽ tích cực phối kết hợp trong công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn để các nhà trường, bếp ăn tập thể khắc phục tồn tại, thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của giáo viên và học sinh.

Được biết, mới đây Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-MTTQ-BTT, triển khai giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2019. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức đoàn giám sát đối với lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; việc ban hành văn bản, chỉ đạo, triển khai thực hiện về an toàn thực phẩm; kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2019; công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; công tác xét nghiệm; công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Quý 3/2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tiến hành kiểm tra 108 cơ sở, trong đó, xử lý vi phạm hành chính 15 cơ sở với tổng số t.iền phạt là 165 triệu đồng.

Đức Trân

Theo daidoanket

Nỗi lo từ bếp ăn tập thể

Vấn đề an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trong trường học đang là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra nhiều vụ thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm tại các trường học và các bếp ăn tập thể của công nhân gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Công nhân Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.

Bất an từ những vụ ngộ độc thực phẩm

Hồi đầu tháng 3, sau lùm xùm về thực phẩm bẩn tại Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), hàng nghìn gia đình ở Thuận Thành đã phải đưa con tới Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) xét nghiệm sán lợn, do nghi ngờ thực phẩm cung cấp cho trường học không đảm bảo chất lượng.

Trong vụ thực phẩm bẩn tại Trường Mầm non Thanh Khương, theo tìm hiểu của phóng viên thì có tận ba lần xuất hiện thực phẩm kém chất lượng trong bếp ăn của trường. Hai lần đầu bộ phận cô nuôi liên tiếp phát hiện thịt nổi hạch trắng nghi kém chất lượng, có sán.

Đến lần thứ 3 ngày 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của Trường Thanh Khương khi đưa con đi học, phát hiện thịt gà dùng nấu cho học sinh là loại đông lạnh đã mủn, có mùi, khác với cam kết thịt tươi sống.

Sau sự việc tại Trường Mầm non Thanh Khương, tại các trường học phụ huynh đã tham gia giám sát thực phẩm tại các bếp ăn của con em họ. Tại Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội, 6h ngày 3/4, khi tham gia giám sát việc tiếp nhận và kiểm tra thực phẩm đầu vào phục vụ cho bữa ăn bán trú tại trường, các phụ huynh phát hiện 35 kg thịt gà đông lạnh có “mùi lạ”. Sau đó, nhiều phụ huynh đến đón con, không cho ăn bán trú.

Ngày 10/4, 86 công nhân Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam tại thành phố Hải Dương phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Theo biên bản điều tra ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Hải Dương thì thực đơn bữa ăn của 2900 công nhân ngày hôm đó bao gồm: cá biển rán, ngồng cải luộc, nước canh, bầu xào lạc rang, cơm trắng. Nguyên nhân gây ngộ độc có thể là do món cá biển rán.

Trên giấy tờ pháp lý Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam ký hợp đồng giao thầu nhà ăn với ông Đỗ Đức Hạnh. Theo ông Hạnh, món cá biển 396kg được ông mua của một chủ hàng mới quen để dùng thử nên không hề có hợp đồng mua hay nguồn gốc xuất xứ.

Xử lý nghiêm việc sử dụng nguyên liệu, thực phẩm “trôi nổi”

Xã hội ngày càng phát triển, các xí nghiệp, nhà máy càng ngày gia tăng, số lượng bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng. Dẫn đến câu chuyện ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, trường học… vẫn thường xuyên xảy ra.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn thực phẩm, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 185 vụ ngộ độc thực phẩm với 6.147 người mắc và 46 người c.hết. Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội năm 2018 có khoảng 65.955 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 4.256 bếp ăn tập thể (trong đó có 457 bếp ăn tập thể khu công nghiệp).

Thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể mà nguyên nhân chủ yếu do các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do chưa thực hiện các quy định điều kiện bảo đảm về an toàn thực phẩm, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Theo các chuyên gia thực phẩm, một trong những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm là do sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đơn giản hóa khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm…

Đại diện bếp ăn một công ty tại thành phố Hải Dương chia sẻ, để quản lý chặt về nguồn gốc đầu vào của thức ăn thì hầu hết các công ty trên cả nước đều sai. Trên thực tế để đa dạng bữa ăn cho công nhân và với cách làm truyền thống là thiếu gì ra chợ, từ bó rau, thịt cá sẽ mua của nhiều tiểu thương dẫn đến không kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều đặt niềm tin vào tờ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp thực phẩm. Đơn vị cung cấp thực phẩm cũng coi đó như tờ “giấy thông hành” để hoàn thiện hồ sơ pháp lý trong việc ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể. Nhiều người đang lầm tưởng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là tờ giấy chứng minh pháp lý sản phẩm của đơn vị cung cấp là an toàn.

Đơn cử như trong vụ 86 công nhân Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm. Ông Đỗ Đức Hạnh, chủ thầu thức ăn với hơn 10 năm kinh nghiệm cũng đã cung cấp cho phóng viên Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp thực phẩm để chứng minh cho nguồn gốc lô cá ông mua “trôi nổi” bị nghi gây ngộ độc.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, giấy này chỉ chứng minh cơ sở trên có đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất để kinh doanh thực phẩm.

Tuấn Anh

Theo bapphapluat

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *