Một hệ thống máy móc trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) vừa được giới thiệu với khả năng nghe tiếng ho để phân tích những nơi lây lan dịch bệnh Covid-19 do virus Corona chủng mới gây ra.
Ho, sốt và khó thở là những biểu hiện thường có trên các bệnh nhân dương tính với Covid-19 – Ảnh: AFP
Theo TNW, hệ thống có tên FluSense đầu tiên sẽ lắng nghe và nhận ra tiếng ho cũng như quy mô của đám đông theo thời gian thực. Sau đó sẽ phân tích dữ liệu để dự đoán nguy cơ, tiến trình của Covid-19 cũng như các bệnh hô hấp khác.
Số liệu phân tích có thể dùng để đưa ra các phản ứng sức khỏe cộng đồng với đại dịch, ví dụ như phân bổ vật tư y tế, hạn chế di chuyển hay chiến dịch tiêm chủng.
“Tôi quan tâm tới các âm thanh từ cơ thể mà không phải ngôn ngữ từ lâu. Nếu chúng ta thu được tiếng ho hay hắt xì từ nơi công cộng, nơi thường có rất đông người thì có thể sử dụng những thông tin này như một nguồn dữ liệu để dự đoán xu hướng dịch tễ học”, nhà nghiên cứu Tauhidur Rahman – Giáo sư về Máy tính và Khoa học thông tin tại Đại học Massachusetts Amherst nói.
Trở lại với FluSense, hệ thống này sẽ thu tiếng ho thông qua hàng loạt microphone và camera nhiệt để đo thân nhiệt người. Dữ liệu có được sẽ sử lý thông qua Raspberry Pi (một dạng máy tính siêu nhỏ) kết nối với mạng thần kinh có thể nhận dạng tiếng ho. Sau đó, hệ thống đếm số lần ho và người để đưa ra dự đoán địa điểm lây lan virus Corona chủng mới.
Để thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đặt FluSense vào các hộp có kích thước bằng cuốn từ điển và đưa đến 4 phòng chờ khám của bệnh viện trường đại học. Trong 7 tháng, hệ thống phân tích hơn 350.000 ảnh chụp thân nhiệt và 21 triệu mẫu âm thanh từ các phòng. FluSense nhận dạng chuẩn tới 81% tiếng ho và sẽ cần phải cải thiện thêm nhiều để có thể hoạt động ở các địa điểm khác nhau.
Dù chưa hoàn chỉnh trong giai đoạn hiện nay, các nhà nghiên cứu tin rằng hệ thống của họ sẽ hữu ích trong trường hợp Covid-19 tiếp tục tấn công các đợt mới trong tương lai.
Chẩn đoán mắc COVID-19: Những ai cần làm xét nghiệm?
Việc xét nghiệm chẩn đoán người mắc COVID-19 được thực hiện cho những đối tượng cụ thể nào?
Xét nghiệm là một trong những hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và xác định các tác nhân gây bệnh. Trước việc dịch bệnh COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng, nhiều người khi có những triệu chứng sốt, ho, nghi ngờ mắc bệnh thường có tâm lý muốn xét nghiệm để yên tâm.
Trước thắc mắc của nhiều người dân việc xét nghiệm COVID-19 được thực hiện cho những đối tượng cụ thể nào, BS Nguyễn Thanh Trường, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đã có những giải đáp cho những thắc mắc xung quanh về vấn đề này.
Chẩn đoán mắc COVID-19 bằng cách nào?
Hiện nay dịch bệnh COVID-19 do chủng Corona virus mới gọi là SARS-CoV-2 gây ra, để xét nghiệm khẳng định bệnh, người bệnh sẽ được lấy mẫu tiến hành xét nghiệm Realtime RT-PCR. Đây là xét nghiệm giải trình tự gen. Nếu kết quả dương tính thì có thể khẳng định bệnh nhân có nhiễm SARS- CoV-2.
Xét nghiệm COVID-19 hiện tại không cần thực hiện đại trà. Ảnh: Internet
Ai cần được thực hiện xét nghiệm mắc COVID-19?
Hiện nay, với giai đoạn bệnh đang xuất hiện trong cộng đồng nhưng chưa lây lan rộng thì mục tiêu thực hiện xét nghiệm là phát hiện sớm các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng. Do đó, việc chỉ định xét nghiệm cũng sẽ thay đổi theo từng thời điểm.
Đến nay, các trường hợp được chỉ định xét nghiệm bao gồm:
– Trường hợp nghi ngờ theo đúng tiêu chuẩn chẩn đoán của Bộ Y tế gồm các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ nguy cơ nhiễm bệnh.
– Trường hợp viêm phổi nặng mà không lý giải được với các nguyên nhân khác.
– Trường hợp xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP sẽ xác định những ca bệnh này có cần xét nghiệm để thực hiện giám sát sớm trong cộng đồng hay không.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng nên có thể xét nghiệm tất cả đối tượng tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 mà không đợi đến khi có xuất hiện triệu chứng.
Đối với thắc mắc xét nghiệm chỉ thực hiện cho các đối tượng này mà không thực hiện đại trà, trong khi Việt Nam có khả năng sản xuất được 10.000 bộ Kit xét nghiệm mỗi ngày, BS Trường cho hay hiện nay, chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu COVID-19 nên thực hiện xét nghiệm đại trà khẳng định dương tính để giúp điều trị vẫn chưa cần thiết lắm.
Mục tiêu chính của xét nghiệm là phát hiện sớm người bệnh, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng dập dịch. Những chỉ định xét nghiệm được thực hiện và cung cấp cho cơ quan y tế những bằng chứng nhằm ngăn chặn và giám sát dịch lây lan trong cộng đồng.
“Xét nghiệm đại trà, làm theo yêu cầu là không cần thiết vì những trường hợp chỉ định xét nghiệm đã bao phủ các chỉ định để có thể phát hiện rất sớm ca bệnh xuất hiện. Mặc dù Việt Nam đã có đủ sức, khả năng thực hiện nhiều xét nghiệm nhưng việc thực hiện xét nghiệm đại trà không có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay do chúng ta đang ưu tiên tập trung cho công tác phòng, chống dịch” – BS Trường cho biết.
Cũng theo BS Trường, hiện tại COVID 19 là bệnh dịch mới nổi, nên kinh phí thực hiện xét nghiệm theo đúng chỉ định thì sẽ do kinh phí chống dịch chi trả.
Trường hợp người đang còn trong thời gian cách ly, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì vẫn tiếp tục cách ly cho đủ thời gian 14 ngày. Trong quá trình 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ sẽ được làm xét nghiệm để kiểm tra khẳng định có dương tính hay không. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm là âm tính nhưng vẫn còn trong thời gian 14 ngày thì những trường hợp này vẫn bắt buộc phải cách ly đúng thời gian quy định.
HOÀNG LAN