Trái cây là một nguồn cung cấp dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, những hiểu lầm về cách ăn, cách sử dụng trái cây của rất nhiều người khiến chúng giảm tác dụng đối với sức khỏe cơ thể.
Trái cây được công nhận là một nguồn vitamin và khoáng chất tốt, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin C và vitamin A. Những người đưa trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó, kali trong trái cây có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và mắc các bệnh tim mạch, giảm nguy cơ phát triển sỏi thận, loãng xương. Trái cây chứa nhiều axit folic giúp cơ thể hình thành các tế bào hồng cầu.
Với các tác dụng vô cùng tuyệt vời như vậy, trái cây là một lựa chọn yêu thích của rất nhiều người bởi nó vừa ngon lại vừa bổ. Nhưng để đảm bảo được sự bổ dưỡng của trái cây mang lại là điều không phải dễ dàng. Bởi vì rất nhiều người mắc hàng loạt những sai lầm sau khiến trái cây không còn mang lại được lợi ích tối ưu cho sức khỏe.
1. Gọt vỏ trái cây
Vỏ trái cây và phần ruột ngay dưới vỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Gọt vỏ trái cây đồng nghĩa chúng ta đ.ánh mất nguồn dinh dưỡng quan trọng đó.
Những loại trái cây không nên gọt vỏ khi ăn là nho, lê, táo. Trong đó, nho rất giàu vitamin, axit amin, giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Các chất dinh dưỡng đó có ở trong vỏ nho nhiều hơn cả ruột. Ngoài ra, vỏ nho còn chứa chất resveratrol để tăng cường khả năng miễn dịch và hạ huyết áp.
Bên cạnh đó, vỏ lê hơi cứng nên nhiều người chọn cách gọt vỏ để ăn. Nhưng trong vỏ lê có chứa nhiều dinh dưỡng giúp giảm ho, thanh nhiệt.
Còn một loại nữa chúng ta hay gọt vỏ khi ăn là táo. Vỏ táo rất giàu chất chống oxy hóa và các hoạt chất sinh học giúp chống tăng huyết áp, giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch hay cả ung thư phổi.
2. Ăn càng nhiều trái cây càng tốt
Điều này là không nên. Tùy thuộc vào loại trái cây nào, chúng ta cũng chỉ nên tiêu thụ khoảng 200 – 400 gram trái cây mỗi ngày. Một số loại trái cây lạnh có thể khiến bạn bị đau dạ dày.
Không chỉ vậy, hầu hết các loại trái cây đều có hàm lượng chất xơ cao, ăn quá nhiều có thể gây đau dạ dày, đầy hơi khó tiêu. Ngoài ra, một số kiểu người cũng cần chú ý khi ăn trái cây như người bị viêm loét dạ dày, bệnh nhân tiểu đường…
3. Chọn trái cây là bữa ăn chính
Nhiều người chọn trái cây là bữa ăn chính để giảm cân, giữ vóc dáng. Các chuyên gia cho biết làm như vậy là không tốt cho sức khỏe của bạn. Trái cây mặc dù rất giàu vitamin, khoáng chất, các loại dinh dưỡng khác nhưng chúng chứa ít các chất như: protein, chất béo, canxi, sắt…
Chỉ ăn trái cây cho các bữa chính trong một thời gian dài chắc chắn sẽ gây ra thiếu hụt các chất kể trên. Từ đó có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu m.áu và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
4. Trái cây nhập khẩu bổ dưỡng hơn
Trong thực tế, trái cây nhập khẩu chưa chắc đã ngon, bổ dưỡng hơn các loại trái cây địa phương. Trái cây nhập khẩu phải đi qua một quãng đường dài để đến tay người tiêu dùng vậy nên công đoạn bảo quản là rất cầu kỳ.
Để trông được đẹp mắt, bán được giá, các loại trái cây nhập khẩu có thể được bảo quản bằng các chất hóa học sẽ ảnh hưởng đến các chất bổ có trong đó. Hơn nữa, kết hợp quá trình vận chuyển lâu, chất dinh dưỡng sẽ không được đảm bảo nguyên vẹn.
5. Trái cây thay thế cho rau
Trái cây không thể thay thế cho rau. Mặc dù trái cây và rau cũng tương tự về chất dinh dưỡng nhưng vẫn có sự khác biệt nhất định. Ví dụ như hàm lượng vitamin C của bắp cải và rau bina cao hơn khoảng 10 lần so với táo, đào, lê.
Bởi vậy, nếu bạn muốn đáp ứng lượng vitamin C hàng ngày bằng hoa quả, bạn cần ăn khoảng 2,5 kg táo. Đây là một điều không thể. Do đó, trái cây không thể thay thế cho rau. Một chế độ ăn uống cân bằng là quan trọng nhất cho sức khỏe cơ thể.
Nguồn: Sohu, Healthy Eating
Theo Helino
Trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng có 4 nhóm người hãy cẩn thận bởi chúng có thể phản tác dụng
Không ai có thể phủ nhận được công dụng của trái cây mang lại đối với sức khỏe con người. Mặc dù vậy, đối với 4 loại người sau, cần cẩn thận khi ăn các loại hoa quả bởi chúng có thể gây phản tác dụng.
Bổ sung trái cây hằng ngày đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cơ thể. Bởi trái cây là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cung cấp các loại vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Một chế độ ăn nhiều trái cây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, tiểu đường và nhiều các loại bệnh nguy hiểm khác. Tuy nhiên, tùy từng loại trái cây và tùy vào từng thể trạng mỗi người, trái cây sẽ mang lại tác dụng khác nhau.
Đặc biệt, 4 loại người sau cần cẩn thận khi lựa chọn trái cây để tiêu thụ hằng ngày vì có thể loại trái cây đó không giúp ích được gì cho sức khỏe, thậm chí gây phản tác dụng.
1. Người dễ bị tiêu chảy
Kiểu người này nên chú ý ăn ít các loại quả có hạt bé như: kiwi, thanh long, dâu tằm, hồng, dâu tây, chuối, dưa hấu, nho…
Hạt trái cây của các loại này chủ yếu là chất xơ, không thể được tiêu hóa và hấp thụ. Từ đó, chúng sẽ kích thích nhu động ruột, thúc đẩy sự tiêu hóa, bài tiết nhanh hơn. Ngược lại đối với những người thường xuyên bị táo bón, thiếu chất xơ trong cơ thể, những loại quả này rất thích hợp.
2. Người dư thừa axit dạ dày
Những người này không nên ăn các loại hoa quả có mùi vị chua, chứa nhiều axit. Các loại quả này thúc đẩy sự tiết axit của dạ dày và enzyme tiêu hóa. Điều đó khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
Những loại quả nên hạn chế, tránh ăn là: mận, thanh mai (bayberry), sơn tra, chanh… Bên cạnh đó, những người bị viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày cũng không nên ăn các loại quả trên để tránh gây khó chịu cho dạ dày.
3. Người đang giảm cân
Nếu muốn giảm cân thành công, cần hạn chế ăn các loại quả có chứa lượng calo cao như: dừa, bơ, sầu riêng, xoài, mận, cam… Trong đó thì có 3 loại trái cây có lượng calo cao hơn cả thịt đó là dừa, bơ, sầu riêng.
Hàm lượng chất béo của dừa cao tới 12%, tỉ lệ chất béo bão hòa (không phải loại chất béo tốt) khá cao. Trong bơ, lượng chất béo chiếm 15,3%, nhưng trong đó có đến 70% là chất béo không bão hòa (chất béo “lành mạnh” cho cơ thể).
Không giống như hai loại trái cây trên, lượng calo của sầu riêng chủ yếu có nguồn gốc từ hàm lượng đường cao đến 27%. Ngoài ra, chất béo chiếm khoảng 5%. Nếu muốn giảm cân hiệu quả, chúng ta cần tránh tiêu thụ những “cám dỗ ngọt ngào” kể trên.
4. Bệnh nhân tiểu đường
Rất nhiều bệnh nhân tiểu đường lầm tưởng rằng việc ăn trái cây sẽ làm tăng đường huyết nên loại bỏ ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Bệnh nhân tiểu đường vẫn cần bổ sung trái cây hằng ngày, nhưng với một số loại quả hàm lượng đường cao thì số lượng nên hạn chế.
Họ nên ăn các loại trái cây có chỉ số đường (GI) thấp như: táo, cam, dâu tây, chanh, mận. Bên cạnh đó, hạn chế ăn các loại hoa quả như: dứa, xoài, dưa hấu, chuối, kiwi… vì chúng có hàm lượng đường cao.
Ăn trái cây như thế nào là tốt nhất cho sức khỏe?
– Ăn trái cây hàng ngày: Mỗi ngày một người nên tiêu thụ 200 – 400 gram trái cây. Các loại trái cây phổ biến như táo, lê, cam… một người bình thường ăn 1, 2 quả là đủ.
– Ăn trái cây 1 giờ sau bữa ăn: Ăn trái cây trước bữa ăn có thể giúp bạn kiểm soát tốt hơn lượng thức ăn tiêu thụ ở bữa chính, hạn chế tăng cân. Nhưng nếu dạ dày bạn không tốt, nó có thể gây khó chịu.
– Ăn hoa quả ngay sau bữa ăn có thể gây dư thừa năng lượng, cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng như khoáng chất, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Cho nên, chúng ta nên ăn hoa quả ít nhất 1 giờ sau bữa ăn.
– Không lấy trái cây làm bữa chính: Mặc dù trái cây giàu đường, chứa nhiều dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, chất xơ nhưng chúng lại thiếu chất béo, protein, vitamin tan trong chất béo. Những chất đó cũng rất cần thiết trong việc duy trì sức khỏe, phát triển thể chất của con người.
Nguồn: Sohu, MedicalNewsToday/Helino