Học Bác cách yêu thương người bệnh

T.uổi đời còn rất trẻ, nhưng bằng tình yêu thương và trách nhiệm, xem người bệnh như người thân trong gia đình, những bác sĩ ấy đã có sáng kiến, cách làm hay, ứng dụng kỹ thuật mới vào thực tiễn để giúp bệnh nhân ngày một tốt hơn.

Nhớ lời Bác Hồ “Người bệnh đã phó thác tính mạng mình cho bác sĩ, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”, các bác sĩ trẻ đã phấn đấu để lửa nhiệt huyết ngày càng cháy rực.

Phấn đấu vì người bệnh

17 giờ 30, bác sĩ Dương Toàn Trung, công tác tại Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Chợ Rẫy, bước vào phòng chạy thận và đến giường của bà Nguyễn Thị Hồng. Giọng bác sĩ Trung nhẹ nhàng: “Lúc con xem bệnh, cô nói chân bị đau phải không? Cô để con xem lại. Cô có tập đều đặn bài điều trị con hướng dẫn không? Cô gắng tập, vì sẽ giúp sức khỏe cải thiện hơn”.

Vừa nói, bác sĩ Trung vừa xem lại chân cho người bệnh. Bà Hồng là một trong nhiều bệnh nhân lâu năm của bác sĩ Trung tại Khoa Thận nhân tạo. Mỗi tuần, bà phải vào đây để chạy thận nhân tạo 3 lần. Chính sự tận tình của bác sĩ Trung cùng các y bác sĩ tại khoa đã giúp bà thấy bệnh viện thoải mái như chính nhà mình.

9 năm công tác tại khoa, nhìn thấy và thấu hiểu những mệt mỏi, đau đớn do biến chứng của bệnh gây ra cho bệnh nhân, bác sĩ Trung tìm hiểu rồi học tập, ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền để kết hợp trong điều trị cho bệnh nhân. Nhờ đó, nhiều người giảm được các biến chứng đáng tiếc.

Ngày Dương Toàn Trung tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TPHCM và chọn về Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều người lời ra tiếng vào: Khoa đó có gì mà làm, rồi một thời gian sẽ “lụt nghề”. Ban đầu nghe vậy, Trung cũng buồn. Nhưng bằng tình yêu nghề, tận tâm, hết lòng vì người bệnh, Trung tìm tòi, nghiên cứu khoa học, đưa ra nhiều giải pháp mang lại hiệu quả phục vụ bệnh nhân.

Điển hình là đề tài ứng dụng kỹ thuật lọc m.áu hấp thụ trong điều trị ngộ độc cấp, báo cáo hàng loạt các điều trị ngộ độc Acetaminophen cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy và đề tài đ.ánh giá hiệu quả phát đồ Elbasvir/Grazoprevir trong điều trị virus viêm gan C trên bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo tại bệnh viện. Các đề tài đã góp phần cải thiện tỷ lệ thành công trong điều trị viêm gan do virus HCV ở những bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Từ đó mở ra cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận một hướng điều trị tối ưu hơn là ghép thận.

Không chỉ đi đầu trong chuyên môn, với vai trò Bí thư chi đoàn Nội 2, Trung đã có nhiều chương trình để đoàn viên các khoa cùng tham gia. “Ban đầu, các bạn có rụt rè, nhưng khi thấy mình đứng ra gánh vác việc, rồi phân công việc cho mọi người một cách hợp lý thì các bạn cũng xung phong cùng làm. Giờ thì đã thành nếp, khi cần tính tiên phong thì đoàn viên các khoa lại xung kích đi đầu”, Trung cho biết.

Sáng kiến tạo tiện ích cho bệnh nhi

Tại Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh nhi và người nhà cảm thấy thoải mái mỗi khi vào nhà vệ sinh. Dù là nhà vệ sinh chung nhưng sạch sẽ, thoáng mát. Chị Trần Thanh Ngọc (quê Vĩnh Long) đang chăm sóc con gái tại bệnh viện, cho biết khá bất ngờ khi bước vào nhà vệ sinh thì có tiếng nhạc cùng giọng nói nhẹ nhàng nhắc nhở.

“Tại bồn rửa tay thì có chai xà phòng, bên cạnh có các poster hướng dẫn cách rửa tay cũng như tuyên truyền giữ vệ sinh chung với hình ảnh sinh động. Nhất là các cây xanh đã giúp nơi đây thêm thoáng mát”, chị Ngọc nhận xét.

Đó là sáng kiến “cải tiến chất lượng nhà vệ sinh bệnh nhân, xây dựng nhà vệ sinh thông minh” do bác sĩ Châu Tố Uyên, công tác tại Khoa Tiêu hóa cùng các đoàn viên trong khoa thực hiện. Đến nay, công trình đã mang lại sự thoải mái cho bệnh nhi.

Luôn mỉm cười là cách bác sĩ Châu Tố Uyên chiếm được tình cảm bệnh nhi

“Hiểu tâm lý bệnh nhi và người nhà rất sợ vào nhà vệ sinh của bệnh viện nên tôi và các bạn đã thực hiện công trình này. Ngoài tạo tiện ích cho bệnh nhi thì chuông cảm biến tự động phát lời nhắc nhở giữ gìn vệ sinh cũng là cách giúp người nhà bệnh nhi nâng cao ý thức vệ sinh chung”, Uyên bày tỏ.

Là bác sĩ trẻ, công tác tại bệnh viện nhi, bác sĩ Uyên cho biết lúc mới vào nghề thấy khá căng thẳng vì đối tượng mình chăm sóc không chỉ các bệnh nhi, mà còn phải ổn định tâm lý lo lắng cho người nhà các bé. Vậy là Uyên tìm đọc sách và tham gia các khóa học tâm lý phụ huynh, để từ đó biết cách giải thích về bệnh tình của trẻ một cách kỹ càng hơn giúp người nhà không lo lắng.

Mỗi lần khám, Uyên biết phải tạo sự thoải mái, thân thiện, vui vẻ cho trẻ. Khi thì đưa cho bé đồ chơi, khi lại chọc cho các bé cười. Điều đó không chỉ giúp bệnh nhi vui vẻ mà chính Uyên cũng thấy hạnh phúc hơn khi mỗi ngày đến khoa làm việc.

“Trong bức thư Bác Hồ viết gửi Hội nghị Cán bộ y tế năm 1955, ngoài những dặn dò hết sức thiết thực với đội ngũ y bác sĩ, Bác có đề cập y học phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng. Bác Hồ cũng gợi mở đội ngũ y bác sĩ nên chú trọng nghiên cứu phối hợp thuốc đông y và tây y. Nhớ lời Bác, ngoài phấn đấu trong chuyên môn, tôi cũng tìm hiểu các bài thuốc đông y để hỗ trợ người bệnh những lúc cần”, bác sĩ Trung chia sẻ.

THÁI PHƯƠNG

Theo sggp

Nghiên cứu khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 là 5 ngày

Dựa trên những ước tính ban đầu, một nghiên cứu mới từ Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg đã khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh Covid-19 do coronavirus mới gây ra là 5,1 ngày.

Việc xác định được thời gian ủ bệnh được coi là chìa khóa để có thể kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Thời gian ủ bệnh được hiểu là thời gian giữa lần tiếp xúc ban đầu với một sinh vật gây bệnh và sự xuất hiện, khởi phát của các triệu chứng ở vật chủ.

Thời gian ủ bệnh có thể khác nhau đáng kể tùy thuộc vào từng loại bệnh. Ví dụ, thời gian ủ bệnh đối với bệnh cúm là từ 1 đến 3 ngày, trong khi đối với bệnh sởi, thời gian ủ bệnh là từ 9 đến 12 ngày trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra 181 trường hợp bệnh nhân đã được xác nhận dương tính với Covid-19 và cuối cùng, đi đến kết luận là: thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh là 5,1 ngày.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 97,5% những người bị nhiễm virus sẽ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên trong vòng 11,5 ngày và thời gian 14 ngày theo khuyến nghị hiện tại để cách ly và tự cách ly đối với những trừng hợp nghi ngờ phơi nhiễm là khoảng thời gian tối ưu.

Chuyên gia Justin Lessler giải thích: “Dựa trên phân tích về dữ liệu có sẵn công khai, chúng tôi nhận thấy thời gian khuyến nghị 14 ngày là khoảng thời gian hợp lý để chủ động theo dõi và kiểm dịch, mặc dù trong khoảng thời gian này, một số trường hợp có thể sẽ bị bỏ qua trong thời gian dài”.

Bên cạnh đó, nghiên cứu mới cũng khẳng định sẽ có một số ít trường hợp mà trong đó, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày. Thống kê cho thấy: trong số 10.000 đối tượng bị nhiễm virus Covid-19 thì có khoảng 101 trường hợp xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh sau 14 ngày.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng cần phải cân nhắc đến các yếu tố về chi phí kinh tế và xã hội cho kiểm soát dịch bệnh đối với hậu quả của việc bỏ qua trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh. Trong một số trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn như nhân viên y tế tiếp xúc tiếp với bệnh nhân nhiễm virus mà không đeo thiết bị phòng hộ, việc thực hiện theo dõi tình trạng sức khỏe thêm sau khi kết thúc thời gian 14 ngày là cần thiết.

Jonathan Ball, giáo sư về virus học phân tử từ trường Đại học Nottingham cho biết: “Việc xác định thời gian ủ bệnh không dễ thực hiện vì rất khó để xác định chính xác thời điểm một người lần đầu tiên tiếp xúc với tác nhân truyền nhiễm”.

“Trong khi nghiên cứu cho thấy ở một số trường hợp, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày nhưng, chúng tôi phải thừa nhận rằng mô hình ước tính thời gian ủ bệnh mà các nhà khoa học sử dụng đã dẫn đến các giả định quan trọng và có lẽ giả định liên quan chặt chẽ đến dữ liệu của nhóm nghiên cứu là giả định một người có thể có nguy cơ nhiễm bệnh ngay khi họ tiếp xúc với virus. Giả định này có thể chưa hoàn toàn đúng vì thời gian nhiễm bệnh thực sự có thể muộn hơn nhiều, trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus vào một ngày trước đó, thời gian ủ bệnh sẽ lâu hơn”.

Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có đặc điểm giống với virus gây bệnh SARS – hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng ở dạng viêm phổi nặng đến gần 90% và thời gian ủ bệnh trung bình của 2 bệnh này cũng tương tự nhau.

Bệnh SARS xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 11 năm 2002 và nhanh chóng bùng phát và lan rộng ra 29 quốc gia trên toàn thế giới chỉ trong vòng vài tháng. Trong khi đó, corona cũng là dòng virus gây bệnh cảm lạnh thông thường nhưng thời gian ủ bệnh của bệnh này chỉ trong khoảng từ 1 đến 3 ngày.

Nhóm nghiên cứu lưu ý khái niệm thời gian ủ bệnh khác với thời gian có thể lây nhiễm. Thời gian từ khi tiếp xúc với mầm bệnh cho đến khi khởi phát các triệu chứng đầu tiên thường được gọi là thời kỳ ủ bệnh tiềm ẩn và thời gian này có thể ngắn hơn thời gian ủ bệnh.

Mặc dù giai đoạn biểu hiện triệu chứng của bệnh thường được xem là giai đoạn dễ lây nhiễm nhất, nhưng rất khó để xác định liệu một bệnh nhân mắc Covid-19 có khả năng lây nhiễm không khi họ xuất hiện triệu chứng ho. Bằng chứng trong nghiên cứu mới cho thấy thời gian ủ bệnh tiềm ẩn ngắn hơn thời gian ủ bệnh, nhưng cũng chưa xác định được chính xác khả năng lây nhiễm của người bệnh trong giai đoạn ủ bệnh không triệu chứng.

Ball giải thích: “Có rất ít bằng chứng cho thấy thời gian khuyến nghị cách ly hoặc tự cách ly trong 14 ngày đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus là chưa phù hợp. Ngoài ra, cũng không nhiều bằng chứng chỉ ra khả năng người bệnh phát tán virus trong giai đoạn không có triệu chứng”.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.

P.K.L

Theo dantri.com.vn/New Atlas

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *