Hơn 30.000 liều vaccine Sinopharm tiêm cho người ở Móng Cái

Thành phố Móng Cái triển khai tiêm hơn 30.000 liều vaccine Sinopharm cho khu công nghiệp và người dân 8 xã, phường biên giới.

Trao đổi với VnExpress , tối 15/7, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, cho biết theo kế hoạch, 30.914 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm được tiêm từ ngày 11/7 đến 20/7.

Đến nay, gần 8.000 liều đã được tiêm cho công nhân khu công nghiệp Hải Yên, và người dân 4 xã, phường Trần Phú, Hải Sơn, Hải Hòa Trà Cổ, cùng một số địa điểm khác.

Theo bà Hương, tại các điểm tiêm, công tác chuẩn bị, triển khai tốt, đúng quy trình. Toàn bộ người tiêm hiện khỏe mạnh, an toàn. Hai người phản ứng nhẹ độ 1, sau khi được theo dõi, chăm sóc, sức khỏe bình thường.

Từ ngày 15-20/7, thành phố nỗ lực đạt tiến độ mỗi ngày tiêm hơn 4.000 liều. Hầu hết người dân tích cực hưởng ứng tham gia đợt tiêm chủng này, theo bà Hương.

Người dân ở Móng Cái khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine. Ảnh: Hoàng Xuyến

Ngày 23/6, 500.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng được Bộ Y tế phân bổ 9 tỉnh phía Bắc, gồm Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu và Hà Giang. Trong đó Quảng Ninh nhận nhiều nhất với 230.000 liều, tiếp theo là Lạng Sơn 121.000 liều, Thái Bình 1.400 liều.

Nhóm được tiêm vaccine Sinopharm là người dân sống ở các xã giáp biên giới Trung Quốc, người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc, công dân Trung Quốc sống và làm việc trên địa bàn.

Việt Nam phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 Vero Cell, Inactivated, của Sinopharm hôm 4/6. Vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và được Chương trình Covax mua để giúp các nước tiếp cận công bằng với vaccine.

Hiện hơn 450 triệu liều vaccine Vero Cell đã được sản xuất, cung cấp đến 70 quốc gia. Trong đó 100 triệu liều phân phối thông qua hình thức viện trợ chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp.

Cách thức t.iêu d.iệt nCoV của vaccine Sinopharm

Vaccine Covid-19 của Sinopharm, Trung Quốc, dạy hệ thống miễn dịch cách tạo kháng thể chống nCoV. Các kháng thể này gắn vào protein có trên bề mặt của virus và t.iêu d.iệt chúng.

Để tạo ra vaccine, các nhà nghiên cứu tại Viện Bắc Kinh thu thập ba biến thể nCoV từ các bệnh nhân Trung Quốc, nuôi chúng trong tế bào thận khỉ tại bể phản ứng sinh học và chọn ra biến thể nhân lên nhanh nhất.

Có được lượng nCoV lớn, họ ngâm chúng trong hợp chất hoá học gọi là beta-propiolactone . Hợp chất vô hiệu hóa virus bằng cách liên kết với gene. nCoV bị bất hoạt và không thể tái tạo, nhân lên được nữa. Nhưng các protein đặc trưng của chúng, bao gồm protein gai còn nguyên vẹn.

Sau đó, các nhà khoa học trộn virus bất hoạt với hợp chất bổ trợ, giúp kích thích hệ miễn dịch phản ứng với vaccine.

Virus bất hoạt đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ, giúp điều chế vaccine bại liệt những năm 1950, là vũ khí chống lại bệnh dại và viêm gan A.

Vì nCoV trong vaccine đã c.hết, chúng không gây bệnh khi tiêm cho người. Khi đưa vào cơ thể, một số virus bất hoạt bị tế bào miễn dịch, gọi là tế bào trình diện kháng nguyên , nuốt chửng.

Tế bào này xé nhỏ nCoV và hiển thị một số mảnh của virus trên bề mặt. Tế bào T (sát thủ đặc trị mầm bệnh) được kích hoạt và phát hiện các mảnh. Từ đó, nó ghi nhớ virus để huy động các tế bào khác của hệ miễn dịch đáp ứng vaccine.

Một tế bào miễn dịch khác, gọi là tế bào B, cũng gặp phải nCoV bất hoạt. Các protein trên bề mặt tế bào B có nhiều hình dạng khác nhau.

Protein tương thích sẽ bám vào nCoV, kéo một phần hoặc toàn bộ virus vào bên trong, sau đó đưa mảnh đặc trưng của virus lên bề mặt. Tế bào T bám vào mảnh đó, kích thích tế bào B tiết ra các kháng thể.

Sau khi tiêm vaccine Sinopharm, hệ miễn dịch phản ứng với nCoV sống. Tế bào B tạo kháng thể nhắm vào protein virus, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập các tế bào khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *