Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn đối với những người phải cách ly y tế tại nhà

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết từ mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Lực lượng Binh chủng Hóa học triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng các nhà dân trên phố Trúc Bạch, nơi có nhà của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, vì vậy tổ chức cách ly y tế triệt để và tuân thủ các quy định về cách ly là một trong những biện pháp căn bản, quan trọng để phòng, chống sự lây lan của bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.

Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như: nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.

Việc tuân thủ các quy định cách ly tại nhà, nơi lưu trú cũng như thực hiện tốt những yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại nơi cách ly không những giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh ra cộng đồng, còn giữ an toàn cho những người thân trong gia đình và những người xung quanh.

Trước tiên, đối với việc cách ly ở nhà cần lựa chọn địa điểm phù hợp tại nơi ở, nơi lưu trú. Tốt nhất là bố trí cho người được cách ly ở một phòng riêng, nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.

Trong trường hợp cách ly tại nhà cũng cần bố trí phòng riêng cho người được cách ly, nếu không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung. Phòng cho người cách ly cần đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ và các đồ đạc vật dụng trong phòng, có nhà vệ sinh với đủ xà phòng rửa tay, nước sạch. Trong phòng đặt thùng đựng rác có nắp đậy và được đem đi đổ hàng ngày.

Phòng ở của người được cách ly và khu vực sinh hoạt chung tại nơi ở, nơi lưu trú cần được làm vệ sinh khử trùng hàng ngày. Có thể dùng các các chất rửa tẩy thông thường, các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 1 phút) hoặc có chứa ít nhất 60% cồn.

Dùng giẻ hoặc khăn lau bằng nước sạch trước, sau đó lau bằng chất rửa tẩy hoặc dung dịch khử khuẩn theo nguyên tắc lau từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ, từ trên xuống dưới.

Các bề mặt cần lau bao gồm: nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao…), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy. Đối với các khu vực này cần tiến hành lau khử trùng ít nhất 1 lần/ngày.

– Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can; nút bấm, cabin thang máy: Cần được lau khử trùng ít nhất 2 lần/ngày.

Lưu ý, người làm vệ sinh cần sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa. Tổ chức thu gom rác thải và xử lý hàng ngày.

Bên cạnh vệ sinh khử khuẩn và vệ sinh môi trường, người được cách ly cần ký cam kết thực hiện cách ly với chính quyền địa phương và chấp hành tốt việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định. Hàng ngày, người được cách ly tự đo thân nhiệt, tự theo dõi sức khỏe đồng thời ghi lại kết quả đo, tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày và thông báo cho nhân viên y tế xã, phường, thị trấn.

Người được cách ly cần hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác. Tuyệt đối không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.

Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:

– Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.

– Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đ.ánh răng, khăn mặt… Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.

– Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.

Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch COVID-19.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Đi xe buýt, taxi… mùa Covid-19 cần lưu ý 8 điều này

Trước những diễn biễn ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế vừa ban hành khuyến cáo cho hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Theo Bộ Y tế, việc ban hành này nhằm đưa ra các khuyến cáo chi tiết cho từng nhóm đối tượng cụ thể để giúp cộng đồng có đầy đủ kiến thức, chủ động thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối cần thực hiện 8 điều sau để phòng tránh lây nhiễm bệnh Covid-19:

1. Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

2. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.

3. Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.

4. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi: ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.

5. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông.

6. Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga…).

7. Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.

8. Khi kết thúc chuyến đi, nếu có xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở: Liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã đi. Đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Khuyến cáo cho người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.

Theo đó, trước khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải tự theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu xuất hiện các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, tư vấn, điều trị, đồng thời, chủ động cách ly tại nhà; không được đi làm trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế; chuẩn bị các trang bị cần thiết đủ cho thời gian làm việc.

Trong khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc, trao đổi với hành khách. Chủ động thực hiện và hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang đúng cách, che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp.

Cùng với đó, người điều khiển phương tiện giao thông cần sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh, không khạc, nhổ bừa bãi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây khi có điều kiện hoặc sử dụng sản phẩm vệ sinh tay. Chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.

Trong quá trình làm việc, nếu người điều khiển phương tiện hoặc hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thông báo với đơn vị quản lý, đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Sau khi trả khách phải khử khuẩn và vệ sinh cá nhân.

Theo Thanh niên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *