Khám phá ra bản chất của coronavirus chủng mới

Chuyên gia Viện Nghiên cứu Scripps (Hoa Kỳ) Kristian Andersen, cũng như một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, đã đi đến kết luận rằng coronavirus SARS-CoV-2 phát sinh do sự tiến hóa tự nhiên.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine. Các nhà khoa học khẳng định rằng kết quả phân tích các dữ liệu công khai về trình tự bộ gen SARS-CoV-2 và các virus liên quan không phát hiện bằng chứng cho thấy virus này được tạo ra trong phòng thí nghiệm hoặc được tổ hợp theo phương cách khác.

“Khi so sánh dữ liệu về trình tự bộ gen đối với các chủng coronavirus đã biết, chúng ta có thể xác định chắc chắn rằng SARS-CoV-2 phát sinh do kết quả của các quá trình tự nhiên”, chuyên gia sinh học tiến hóa Kristian Andersen cho biết

Các chuyên gia sinh học đã thu thập dữ liệu về các gen mã hóa liên kết protein – các cấu trúc giúp virus bám vào tế bào và xâm nhập vào bên trong nó.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng miền liên kết thụ thể (Receptor-binding domain, RBD) đã tiến hóa một cách tự lập và không thể được hình thành bằng phương pháp nhân tạo. Họ cũng xác định rằng cơ chất của SARS-CoV-2 khác biệt đáng kể so với các loại virus đã biết trước đây ở người.

Dựa trên kết quả phân tích trình tự bộ gen, các nhà khoa học đã kết luận rằng rất có thể nguồn gốc hình thành SARS-CoV-2 tuân theo một trong hai khả năng như sau:

Theo khả năng đầu tiên, virus phát triển đến trạng thái gây bệnh như hiện nay do chọn lọc tự nhiên từ vật chủ không phải là người, sau đó truyền sang người.

Khả năng thứ hai giả định rằng phiên bản virus không gây bệnh truyền từ động vật sang người và sau đó tiến hóa trong cơ thể người đến trạng thái gây bệnh như hiện nay.

M.P

Theo Sputnik

Phát hiện đám mây hồng bí ẩn đang sinh ra “siêu mặt trời” mới

Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đã bắt được một đám mây khí và bụi mầu hồng sáng, nơi hàng loạt ngôi sao lớn hơn mặt trời rất nhiều đang ra đời.

Theo công bố từ NASA, đám mây kỳ ảo màu hồng sáng được gọi là LHA 120-N 150, nằm trong thiên hà Large Magellanic Cloud, hàng xóm của thiên hà chứa trái đất Milky Way.

Vật thể kỳ lạ đó không phải là một đám mây như mây ở trái đất, mà là một loại mây vũ trụ khổng lồ đầy bụi và khí, một “đám mây hình thành sao”. Bên trong đám mây hồng, NASA tìm ra được hàng loạt ngôi sao non trẻ đang trong giai đoạn chào đời.

Cận cảnh đám mây hồng đang sinh ra hàng loạt sao khổng lồ – ảnh: NASA/ESA

Tuy non trẻ, nhưng đó là những ngôi sao khổng lồ, lớn hơn nhiều so với mặt trời của chúng ta, một dạng “siêu sao”, “siêu mặt trời”. Cũng như các ngôi sao khác được sinh ra trong vũ trụ, nó có thể trải qua một cuộc đời cô đơn hoặc làm sao mẹ của một hệ hành tinh như mặt trời.

Đám mây hồng bí ẩn này là một phần của Tinh vân Tarantula, một cấu trúc khổng lồ dài đến 1.000 năm ánh sáng, là “vườn ươm sao” gần trái đất nhất được biết đến, cách chúng ta 160.000 năm ánh sáng.

Theo NASA, việc phát hiện ra đám mây hồng và những đứa con khổng lồ đang ra đời của nó là cơ hội tuyệt vời cho các nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của những ngôi sao khổng lồ.

Những gì diễn ra bên trong đám mây hồng LHA 120-N 150 cũng rất mới mẻ. Theo lý thuyết thiên văn, các ngôi sao khổng lồ dạng đó nên hình thành trong các cụm sao, chứ không phải hình thành trong một đám mây lẻ, bị cô lập khỏi tinh vân chủ nhân.

Đa phần những “siêu mặt trời” này còn trong giai đoạn mà nếu nhìn vào, bạn chỉ thấy một khối bụi khổng lồ và dày đặc, là sự pha trộn của một số vật thể sao trẻ, các loại bụi vũ trụ và cả nhiều thứ không được phân loại. Hiện các nhà thiên văn học đang phân tích kỹ hơn các hình ảnh ngoạn mục mà Hubble chụp về đám mây hồng để hy vọng tìm ra bản chất thật của những ngôi sao lớn đến không tưởng này.

A. Thư (Theo NASA, Daily Mail, Hubble Site)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *