Thành phần dinh dưỡng từ khoai tây
Lợi ích sức khỏe từ khoai tây gồm những gì? Khoai tây bao nhiêu calo? Được biết đến là một loại củ chứa nhiều tinh bột nên nhiều người nhầm tưởng rằng khoai tây không thích hợp để ăn kiêng, thậm chí còn gây béo.
Thực tế không phải vậy, carbohydrate trong khoai tây không có hại cho sức khỏe, chỉ cần bạn kiểm soát tốt năng lượng tiêu thụ. Khoai tây thích hợp với đa số người, rẻ tiền, nhiều công dụng và cũng dễ bảo quản.
Theo ước tính, một củ khoai tây (tương đương khoảng 173g) có chứa khoảng 164 calo. Ngoài ra, loại củ quen thuộc mà giàu dinh dưỡng này còn có nhiều thành phần dưỡng chất khác tốt cho sức khỏe.
- Carbohydrate: 37g
- Chất béo: 0,2g
- Chất xơ: 4g
- Chất đạm: 4,6g
- Đường: 1,9g
- Vitamin B6: 0,6mg
- Vitamin C: 14,4mg
- Natri: 24mg
Lợi ích sức khỏe từ khoai tây
Khoai tây được xem là loại thực vật giàu dinh dưỡng cũng như là loại củ nhiều tinh bột. Bên cạnh đó, các dưỡng chất thực vật trong củ khoai tây cũng góp phần bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bạn, tạo nên một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.
Chống lại quá trình oxy hóa
Thành phần dinh dưỡng của khoai tây cũng có nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, điển hình như carotenoid, polyphenol và vitamin C. Những hợp chất này hỗ trợ chữa lành các tế bào bị tổn thương do bị oxy hóa, giảm nguy cơ một số bệnh mãn tính.
Nâng cao hệ miễn dịch
Vitamin C không thể lưu trữ trong cơ thể mà cần phải hấp thu qua thực phẩm. Đây là chất đóng vai trò quan trọng để hệ miễn dịch hoạt động bình thường và hiệu quả.
Ngoài ra, vitamin C còn tham dự quá trình đông máu, ổn định các mô liên kết và giúp tăng cường thành mạch máu.
Khoai tây có thể cung cấp đến 19% giá trị vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Có thể thấy, đây là một trong những lợi ích sức khỏe từ khoai tây mà chúng ta không thể bỏ qua.
Điều hòa huyết áp
Hàm lượng kali khá cao trong khoai tây là chất hoạt động “đối lập” với nguồn natri trong cơ thể. Vì vậy, nó giúp cần bằng máu huyết và điều chỉnh huyết áp hiệu quả. Ngoài ra, kali cũng đóng vai trò cần thiết trong hoạt động của cơ và chức năng thần kinh.
Góp phần ngăn ngừa bệnh mãn tính
Chất xơ trong khoai tây có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa, kiểm soát đường huyết, ổn định cân nặng và tăng cường sức khỏe tim mạch. Mặc dù là loại củ nhiều tinh bột nhưng với chế độ ăn có kiểm soát thì bạn sẽ nhận được nhiều ích lợi từ khoai tây.
Một số lưu ý khi dùng khoai tây trong ăn uống
Dị ứng khoai tây mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có một số trường hợp đặc thù mắc phải. Vì vậy, nếu có hiện tượng dị ứng sau khi ăn khoai tây, bạn cần dừng ăn ngay, thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.
Các phản ứng dị ứng có thể bao gồm ngứa và nóng ran ở môi, miệng, thậm chí có người còn bị khó thở, sốc phản vệ. Trường hợp nghiêm trọng này cần nhanh chóng đến bệnh viện để cấp cứu.
Khoai tây nên được nấu chín kỹ khi ăn. Những loại củ đã mọc mầm quá dài hoặc có biến đổi ở màu sắc, mùi vị thì không nên sử dụng để tránh ngộ độc.
Hy vọng với những lợi ích sức khỏe từ khoai tây có thể giúp bạn tạo thành chế độ ăn uống lành mạnh cho bản thân và gia đình.
Thiên Khuê (Theo Wellfit)